Thật, giả lẫn lộn
Do thường xuyên bị đau bụng khi ăn phải những loại rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở chợ nên chị Phạm Thị Cúc (ở Ba La, Hà Đông, Hà Nội) dành ra một ngày để săn lùng các loại rau sạch an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chị tìm đến các cửa hàng được quảng cáo là bán rau an toàn ở những vùng trồng rau uy tín của Hà Nội: cửa hàng bán rau an toàn của HTX Đạo Đức (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội), rau an toàn của HTX Hòa Bình (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội), rau an toàn của HTX Vân Nội (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội)…
Nhưng kết quả khiến chị bất ngờ và thất vọng. bởi lẽ giá thành của những sản phẩm này luôn được “hét” cao gấp hai, gấp ba lần so với giá chị mua ngoài chợ. Cụ thể, dưa chuột ngoài chợ có giá 7.000 – 10.000 đồng/kg thì cửa hàng rau an toàn bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg, một bó rau muống ngoài chợ giá 2.000 đồng thì rau muống an toàn có giá 5.000 đồng… “Đắt đỏ là một chuyện, nhưng quan trọng nhất là những loại rau an toàn này bày bán lẫn với những loại rau trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến tôi thấy hoang mang, không yên tâm. Nếu như người tiêu dùng không để ý kĩ, rất dễ mua nhầm các loại rau bẩn” - chị Cúc cho biết.
Tại một điểm được cho là bán rau an toàn ở đầu phố Tản Đà (Hà Đông, Hà Nội), chủ cửa hàng cũng bày bán những loại rau không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng rau có xuất xứ rõ ràng. Su hào của HTX rau an toàn xã Vân Nội được xếp cạnh rau ngót, rau muống, rau cải, mướp đắng, cà chua, rau mùi không có nhãn hiệu. Chủ cửa hàng ấp úng nói rằng đó là những loại rau của nhà tự trồng đem ra bán(?). Lời nói này đáng tin đến đâu thì chỉ… người nói mới biết được. Rau sạch với rau “bẩn” vốn đã khó phân biệt, nay lại xếp lẫn lộn trong cùng một cửa hàng được “tiếng” chuyên bán rau an toàn càng khiến người tiêu dùng không biết đâu là hàng xịn, hàng rởm.
Một HTX sản xuất rau an toàn tại điểm trồng rau sạch nổi tiếng miền Bắc là làng rau sạch Vân Nội từng bị Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hà Nội phạt về hành vi giả mạo nguồn gốc, xuất xứ các loại rau. Cụ thể, HTX này đã mua những loại rau trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ về rồi dán nhãn mác của cơ sở, “hô biến” thành rau an toàn gây bức xúc trong dư luận. Tháng 4 vừa qua, dư luận lại rộ lên thông tin một số cơ sở sản xuất rau sạch ở Vân Nội tiếp tục có hành vi gian dối đối với người tiêu dùng bằng thủ đoạn cũ là mua rau ngoài chợ mang về cơ sở đóng dấu thành rau an toàn rồi chuyển đến các bếp ăn trường học, công ty; hoặc mua bán giấy đảm bảo chất lượng rau an toàn.
Rau an toàn có đủ sức “chiến đấu” với rau bẩn?
Lần theo một số điện thoại được ghi trên nhãn của một sản phẩm rau an toàn ở xã Vân Nội được bày bán ở cửa hàng rau an toàn trong chợ Tản Đà (xã Vân Nội có rất nhiều HTX sản xuất rau an toàn, người viết đọc mỏi mắt cũng không tìm được địa chỉ đây là sản phẩm của HTX nào), chúng tôi gọi đến đầu máy 0439561*** ngỏ ý muốn mở cửa hàng rau an toàn.
Sau vài câu chuyện về giá cả, chủng loại, chất lượng sản phẩm, chúng tôi đề nghị được cung cấp địa chỉ cụ thể để đến tận nơi tham quan nhưng người phụ nữ bên kia đầu dây kiên quyết từ chối với lí do “sếp em hiện đi vắng nên em không thể quyết định được”.
Rồi người này liến thoắng: “Chị yên tâm, rau ở bên em sạch hơn rau ở bên HTX Đạo Đức nhiều. Chị ở chỗ nào, ngày mai em cho người mang bảng giá đến cho chị rồi chở rau đến tận nơi cho chị luôn, một tuần thanh toán một lần”. Có bao nhiêu chủ cửa hàng bán rau an toàn đến cơ sở cung cấp để quan sát thực tế xem rau đó có thực sự là an toàn không, hay chỉ thuận mua vừa bán qua điện thoại?
Điểm bán rau an toàn lác đác người mua |
Không ít bà nội trợ đã bỏ công sức lặn lội đi dò hỏi, tìm kiếm các loại rau an toàn nhưng đến khi tìm được lại quay về tay không. Bởi lẽ, những thông tin về chất lượng rau cũng như điều mà họ tận mắt chứng kiến tại các cửa hàng rau an toàn khiến họ mất niềm tin.
Niềm tin người tiêu dùng lung lay cũng đồng nghĩa với rau có “mác” là rau an toàn giảm sức hút. Một nhân viên cửa hàng rau an toàn khu vực chợ Hà Đông cho biết: “Hàng bán ế lắm. Mỗi ngày chỉ bán được vài chục ki lô gam thôi. Người dân có vẻ không mặn mà lắm với rau an toàn, có lẽ một phần vì giá cao, phần khác vì họ chưa tin tưởng thương hiệu của nhà sản xuất”.
Dạo một vòng quanh HTX rau an toàn Hòa Bình (Phú Lãm, Hà Đông) và HTX rau an toàn Đông Cao (Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội), có thể cảm nhận được vẻ chán nản của những hộ trồng rau nơi đây. Chủ nhiệm HTX rau an toàn Hòa Bình than thở: “Chỉ vì một số HTX hám lợi trước mắt, đã đưa rau trôi nổi vào cơ sở gắn mác rau an toàn khiến người tiêu dùng mất niềm tin, từ đó tẩy chay các loại rau an toàn khác khiến chúng tôi điêu đứng.
Hiện HTX chỉ cung cấp được vài trăm ki lô gam rau sạch cho thị trường Hà Đông và một số khu vực trung tâm Hà Nội, nhưng tình hình buôn bán nói chung rất ế ẩm, không mấy khả quan. Nhiều xã viên đã quyết định rời bỏ mô hình rau an toàn. Cứ tình hình này không biết rau an toàn có đủ sức đánh bật rau bẩn không?”.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com
Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com