Hôm 14/10, UBND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng tổ chức đối thoại với nhân dân thị trấn Minh Đức nhằm tìm ra “nước cờ” giải quyết thấu đáo vấn đề ô nhiễm môi trường đang ‘sôi sục” trong hàng ngàn người dân…
Như PLVN đã đưa tin, sáng 10/10, hàng trăm người dân đã kéo đến cổng Nhà máy đất đèn và hóa chất Tràng Kênh ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để ngăn các xe ô tô chở nguyên liệu và sản phẩm ra vào, yêu cầu nhà máy dừng lò sản xuất đất đèn để cải tiến kỹ thuật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch huyện Thủy Nguyên đọc thông báo của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng |
Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Trần Lanh - Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên - thông báo tới người dân thị trấn Minh Đức quyết định của UBND TP Hải Phòng như: Nhà máy đất đèn và hóa chất Tràng Kênh phải nhanh chóng rà soát lại toàn bộ quy trình công nghệ sản xuất, che chắn, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải ngay từ các công đoạn sản xuất; giảm tần suất hoạt động từ 3 lò xuống 2 lò nung; thường xuyên phun nước để hạn chế khói bụi, khí thải ra môi trường; không xả nước thải từ các công đoạn sản xuất ra môi trường, nước thải phải được thu gom đưa vào hồ điều hòa trong khuôn viên nhà máy. UBND TP Hải Phòng yêu cầu nhà máy đất đèn phải hoàn thiện việc lặp đặt hệ thống xử lý khí thải, bụi cho các lò sản xuất đất đèn, acetylen xong trước ngày 31/12/2011. Đối với bãi thải chất rắn của quá trình sản xuất, phải xây tường xung quanh, có bạt che chắn tại nhà máy và trong thời gian nhanh nhất phải vận chuyển đi nơi khác để xử lý.
Tuy nhiên, hàng trăm người dân vẫn phản đối, yêu cầu nhà máy chỉ được tiếp tục sản xuất khi xử lý xong vấn đề ô nhiễm môi trường. Ông Phạm Văn Tha (60 tuổi, tổ dân phố Chiến Thắng, thị trấn Minh Đức) bức xúc nói: “Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gửi đơn thư khiếu nại đến cơ quan chức năng. Nỗi bức xúc này đã “nén” trong 40 năm qua nhưng không đơn vị nào đứng ra giải quyết cho dân yên. Gần 12.000 hộ dân chúng tôi ngày ngày ăn với bụi, ngủ với bụi. Nếu các vị lãnh đạo thành phố về dùng bữa cơm đạm bạc với chúng tôi thì sẽ cảm nhận mùi vị cơm “chan” muội đất đèn như thế nào. Nếu như các cơ quan chức năng chưa có biện pháp thỏa đáng chúng tôi cương quyết không di chuyển lều”. Vừa giơ tay chỉ vào chiếc áo của mình, ông Tha nói: “Tôi vừa hái mấy quả hồng trên cây mà đến khi xuống quần áo bụi kín như bụi than. Cứ nhìn vào con số người bị ung thư nơi đây thì mọi người đủ hiểu?”.
Khán phòng kín chật không còn chỗ đứng |
Không chỉ có vậy, ông Vũ Văn Kí (67 tuổi, trú tại tổ dân phố Quyết Thành) buồn rầu chia sẻ: “Nhà tôi cách nhà máy có 200m, nhưng hàng ngày khi đi vào nền nhà hai bàn chân ngả màu đen không khác gì dẫm lên bãi than, mỗi lần mở cửa nhà, tôi thấy một lớp bụi phủ khắp các cửa đen như mù hóng Chẳng lẽ lúc nào ở trong nhà mà cũng phải đeo khẩu trang. Cả nhà tôi đều ngứa ngáy, ghẻ lở hết, cả nhà phải kéo nhau đi khám da liễu.” Theo ông Kí, mỗi khi người dân tỏ ra bức xúc trước sự ô nhiễm, nhà máy lại tăng công suất hoạt động vào ban đêm, khói bụi xả ra càng nhiều hơn, điều đó càng khiến dân rất bất bình.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc nhà máy - cho biết: “Từ nay đến 31/12, nhà máy cam kết sẽ lắp đặt xong hệ thống xử lý khói bụi. Nếu số liệu quan trắc cho thấy có tình trạng ô nhiễm chúng tôi xin dừng toàn bộ lò và sẽ nộp phạt đầy đủ. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy vẫn còn hai lô hàng đang đặt dở chúng tôi xin được chạy lò số 4,5 để trả hàng, chạy với công suất tối thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất khói bụi”.
Kết thúc buổi đối thoại, nhưng người dân và DN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Dân vẫn tụ tập, dựng lều quanh trụ sở của nhà máy, các băng rôn, khẩu hiệu về ô nhiễm môi trường được treo la liệt bên ngoài cổng…
Nhà máy đất đèn được thành lập từ những năm 1968 gồm 180 công nhân làm việc với 5 lò nung. Nhà máy đã cắt giảm tần suất hoạt động và số lượng lò; lò số 1, 2 công nghệ đã quá cũ kỹ hiện không còn sử dụng, chỉ có lò số 3 có công suất 6,5 triệu tấn/ 1 ngày và lò số 4, 5 có công công suất 2, 5 triệu tấn/ 1 ngày đang hoạt động. |
Phương Thanh