Còng lưng mua thép giá cao
Ông Trần Văn Ninh, chủ một DN xây dựng chung cư mini tại Hà Nội cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, khi việc xây dựng bắt đầu vào guồng, giá thép xây dựng lập tức đội giá cao hơn. Phải mua thép giá cao để hoàn thiện các công trình xây dựng, ông Ninh dự tính phải bán sản phẩm đầu ra với giá cao hơn dự tính. “Giờ mình mua đất, làm thủ tục xây dựng rồi thì không thể không thi công. Biết đợi đến bao giờ giá thép mới giảm”, ông Ninh cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên PLVN tại khu vực Mỹ Đình (Hà Nội), thời gian sau Tết nhiều người dân xây dựng các công trình dân dụng, nhà cửa. Do giá thép ở mức cao nên người dân vẫn phải mua để phục vụ các công trình dang dở.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thời điểm giữa tháng 3/2017, giá thép trong nước tăng khoảng 400.000 – 600.000 đồng/tấn so với tháng 1/2017. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá thép hiện tại ở một số nhà máy dao động khoảng 10,6 – 11,2 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân giá thép tăng được giải thích do sau Tết vào mùa xây dựng, nhu cầu tiêu thụ thép cao. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là do giá nguyên liệu nhập vào tăng, giá thép thế giới tăng nên giá trong nước tăng theo.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, giá thép phế trong tháng 3/2017 ở mức 285 – 290 USD/tấn, tăng khoảng 15 – 20 USD/tấn so với thời điểm tháng 1/2017. Giá phôi thép nhập khẩu có giá 430 – 440 USD/tấn (tăng từ 20 – 24 USD/tấn).
Trong khi giá cả tăng nhưng sản lượng tiêu thụ thép lại không hề giảm, ngược lại có xu thế tăng mạnh. Theo VSA, trong tháng 2/2017, các DN thuộc hiệp hội tiêu thụ được 1,43 triệu tấn thép các loại, tăng 73,8% so tháng 1/2017 và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng 3 này, dù chưa hết tháng, chưa có thống kê, nhưng lãnh đạo VSA dự đoán các đơn vị thành viên tiếp tục tiêu thụ được sản phẩm với mức tăng trưởng cao.
Doanh nghiệp lãi “khủng” nhờ được “bảo hộ”?
Lượng thép sản xuất của các DN đủ khả năng cung cấp cho thị trường, thế nhưng giá lại tăng đột biến đúng vào thời điểm đầu mùa xây dựng. Thực tế này đặt ra câu hỏi, liệu có hiện tượng đầu cơ, gom hàng của một số DN và đầu mối phân phối thép xây dựng để hưởng lợi bất chính? Trước câu hỏi này, Phó Chủ tịch VSA cho rằng dù chỉ là suy đoán, chưa có cơ sở nhưng khả năng có thể có chuyện “gom hàng thổi giá” của một số DN và đơn vị đầu mối kinh doanh thép xây dựng.
Một nghịch lí hiện nay là trong khi người dân phải “buộc bụng” mua thép với giá cao thì nhiều DN thép lợi nhuận “khủng” trong khi cơ quan quản lý Nhà nước liên tục thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, đánh thuế cao đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ, bảo vệ sản xuất thép trong nước. Theo báo cáo tài chính Tập đoàn Hoa Sen niên độ 2015 -2016, doanh thu đạt gần 18.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 130% so với niên độ trước. Tương tự, doanh thu năm 2016 của Cty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng mạnh, đạt gần 34.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 6.600 tỷ đồng.
Ngoài hai “đại gia” thép kể trên, một số DN cùng ngành khác cũng chứng kiến mức tăng lãi đột biến, như Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC lãi sau thuế năm 2016 đạt 368 tỉ đồng (so với mức lỗ gần 196 tỉ đồng năm 2015); Công ty CP Thép Việt Ý lãi 73 tỉ đồng ( năm 2015 lỗ gần 52 tỉ đồng)…
Theo một số chuyên gia kinh tế, mục đích của việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam là để bảo vệ các DN sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên, các biện pháp phòng vệ thương mại này là “con dao hai lưỡi”. Đi đôi với việc bảo vệ lợi ích các DN sản xuất thép trong nước, thì qua các biện pháp phòng vệ thương mại này, quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là người mua thép bị ảnh hưởng, không được mua thép giá rẻ.
Liệu chăng đã đến lúc phải xem xét lại việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
Tổng công ty thép của Nhà nước làm ăn thuận lợi
Trao đổi với PLVN, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐQT TCty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho biết, trong khoảng hơn hai tháng đầu năm 2017, tình hình sản xuất, kinh doanh VNSTEEL thuận lợi. Sản lượng sản xuất và bán ra của một số sản phẩm thép chủ lực đều tăng trưởng tốt. Trong năm 2016, kết quả kinh doanh của VNSTEEL khá khả quan với tổng doanh thu đạt hơn 60.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.822,5 tỷ đồng.