[links()]Không chỉ là chuyện bị ém nhẹm thông tin về các khoản thu chi tài chính liên quan đến kinh phí bảo trì tòa nhà, người dân tại Chung cư B13 sài Đồng còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ đến an toàn sức khỏe và tính mạng khi 2 trong 3 cầu thang máy đã “chết”, cửa kính ra vào tòa nhà bị đổ vỡ chưa được khắc phục; thêm vào đó là trạm thu BTS đang treo trên đỉnh đầu.
Trước đó PLVN phản ánh những khiếu nại của các hộ dân sinh sống tại chung cư B13 Sài Đồng (thuộc Dự án nhà ở các Ban Đảng Trung ương) về những khuất tất trong việc thu tiền chênh lệch giữa giá thành và giá bán tòa nhà; việc quản lý, chi tiêu khoản tiền này cùng những khoản thu khác hiện nay như thế nào?. Tuy nhiên, đến nay những đề nghị chính đáng của người dân vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tại Công văn số 57 (ngày 14/5/2013), ông Phùng Đăng Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng của Đảng ở Trung ương (BQL) khi trả lời một số nội dung liên quan đến đơn đề nghị của ông Nguyễn Ngọc Khoa, Tổ trưởng Tổ đại diện nhân dân khu chung cư B13 đã “né” hầu hết các nội dung khiếu nại và cho rằng các nội dung này không thuộc trách nhiệm quản lý của BQL mà thuộc về Ban quản trị tòa nhà.
Cụ thể, khoản kinh phí bảo trì tòa nhà khoảng 600 triệu đồng mà người dân đề nghị làm rõ đã chi tiêu vào mục đích gì thì ông Dũng khẳng định: “trong giá bán nhà B13 không tính kinh phí bảo trì nên không có khoản tiền 600 triệu đồng như đơn đề nghị”. Về khoản tiền chênh lệch giữa giá bán căn hộ với giá thành xây dựng (khoảng 2 tỷ đồng), vị Giám đốc này cho hay: toàn bộ số tiền này được Ban quản lý dự án gửi vào Ngân hàng đầu tư và Phát tiển Việt Nam và đã thực hiện một số nội dung như: làm mái tôn, sửa hệ thống thang máy; làm hệ thống xả rác; sửa tường chắn mái, sơn ngoài và sảnh trong tòa nhà...
Vừa qua, trong đơn gửi Báo PLVN, ông Nguyễn Ngọc Khoa cho biết, ngày 12/5/2013, khi làm việc với Tổ dại diện nhân dân, ông Lê Bá Thường, Trưởng Ban Quản trị tòa nhà đã thừa nhận một số khoản chi sai nguyên tắc. Chẳng hạn tiền cho thuê dịch vụ hiện còn hơn 103 triệu đồng, trong khi đó tại bản công khai thu chi, ông Thường thông báo đã hết tiền; tiền hút bể phốt hết 27.790.000 đồng, tiền mua bộ nạp ắc quy tổng cộng là 2,3 triệu đồng, tiền sửa máy bơm hết 15,2 triệu đồng... nhưng ông Thường không xuất trình được chứng từ hợp lệ nào. Theo ông Khoa thì tổng các khoản tiền chi sai nguyên tắc và không có chứng từ hợp lệ là 169.960.000 đồng.
Điều đáng lo ngại là từ tháng 10/2012 đến nay, cầu thang máy của tòa nhà không được bảo trì và đã nhiều lần hư hỏng, phải ngừng hoạt động. Gần 500 người dân dang sinh sống tại đây nhiều lần phải đi bộ.
“Có những em bé và cụ già hàng ngày phải đi cầu thang bộ lên tận tầng 13. Mặc dù nhân dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được sửa chữa, hiện tại 2 cầu thang đã ngừng hoạt động, cầu thang còn lại hoạt động trong tình trạng hỏng và không được bảo trì, rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Trong tình trạng xảy ra hỏa hoạn thì người dân chúng tôi chắc chỉ biết nhảy lầu (?).
Bên cạnh đó, việc cửa kính lối vào của tòa nhà bị đổ vỡ từ lâu nhưng đến nay chưa được Ban Quản trị khắc phục; việc lắp đặt trạm phát sóng BTS trên nóc tòa nhà và truyền hình kỹ thuật số VTC trong tòa nhà, người dân không được bàn bạc và góp ý, hiện nay các hộ dân đang đề nghị được bỏ những trạm lắp đặt này nhưng vẫn chưa thực hiện được. Nhân dân chúng tôi đang rất bức xúc trước những sai phạm và cách trả lời thiếu trách nhiệm của BQL và Ban Quản trị tòa nhà”, ông Nguyễn Ngọc Khoa khẳng định.
Để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân tại Tòa nhà B13, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng như Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng của Đảng ở Trung ương và Ban Quản trị tòa nhà này cần khẩn trương khắc phục những sự cố nêu trên, đồng thời công khai việc sử dụng những khoản tiền đã thu cho người dân được rõ; tất nhiên là những khoản chi này phải hợp lý và có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Đức Duy