34 hộ dân đại diện cho hơn 300 hộ dân ngụ các xã Tân Phúc, Tân Nghĩa và Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã ký đơn tập thể tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Hàm Tân và chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Sông Dinh 3 trong việc thu hồi, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Một góc công trình hồ chứa nước Sông Dinh 3 |
Hồ chứa nước Sông Dinh 3 –Hàm Tân được khởi công vào tháng 3/2009. Công trình này sẽ cấp nước cho khoảng 2.228ha đất canh tác và nước sinh hoạt cho khoảng 160.000 dân xã Hàm Tân và Thị xã LaGi…. Ban đầu, tuyệt đại đa số người dân có đất bị thu hồi đều ủng hộ chính quyền trong việc xây dựng công trình “ích nước, lợi dân” này. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án thiếu minh bạch đã dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo gay gắt kéo dài.
Theo cáo buộc của người dân, đến nay sau 4 năm, công trình đã tích nước, nhưng họ vẫn chưa được chính quyền giao quyết định thu hồi đất. Vì vậy cho đến thời điểm hiện tại, người dân tại đây vẫn không biết chính xác việc thu hồi đất của họ từ đâu, đến đâu và sử dụng cụ thể vào dự án là bao nhiêu, có hợp pháp hay không?
Mặt khác, việc tích nước tại hồ đã khiến đất nhiều hộ dân bị ngập nước, nhưng UBND huyện Hàm Tân không ban hành quyết định thu hồi đất, không bồi thường, không hỗ trợ. Một số hộ dân khác đất chưa ngập hoặc ngập một phần, nhưng khi canh tác, sản xuất tại khu đất của mình lại bị chính quyền lại ngăn cấm.
Vấn đề áp giá bồi thường cũng bị người dân tố cáo là “tùy tiện, không theo nguyên tắc nào”. Cụ thể: Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận thì trong khoảng 1.000 ha đã bị thu hồi là đất nông nghiệp tại Hàm Tân được phân chia thành 5 vị trí khác nhau để làm căn cứ định giá theo từng vị trí, thế nhưng huyện Hàm Tân đã “cào bằng” tất cả theo vị trí 3, sau đó thực hiện chi trả 35% tiền bồi thường, hỗ trợ, 65% còn lại thì bị “ngâm”.
Khi người dân khiếu nại, chính quyền đẩy trách nhiệm cho ban quản lý dự án, ngược lại, “ông” quản lý dự án lại “đẩy” về UBND huyện rồi “làm giá” với người dân, rằng “nếu đồng ý nhận đền bù theo vị trí 5 thì sẽ chi trả đủ”?!.
Cũng theo đơn, bất bình khi thấy quyền lợi thực tế của mình bị xâm hại, người dân đã thực hiện quyền khiếu nại theo luật định. Tuy nhiên, thay vì đối thoại với người dân, chính quyền các cấp tại địa phương lại có biểu hiện né tránh. Khi người dân đem đơn đi nộp thì các cơ quan chức năng đều từ chối nhận đơn. Tường trình cho biết, thấy việc mời luật sư về địa phương sẽ bị gây “khó dễ”, người dân đã bỏ tiền ra thuê xe đò về Vũng Tàu để nghe luật sư tư vấn. Nhưng chặng đường tìm công lý này lại vẫn tiếp tục bị gây “khó dễ”.
Đến nay đã 5 tháng trôi qua, vẫn chưa có nội dung khiếu nại nào được giải quyết.
Thiện Ngôn