Tài xế đi qua TP Vinh (Nghệ An) vô cùng bức xúc trước việc họ bị móc túi khi không đi qua đường tránh. Việc đặt Trạm thu phí ngay đầu cầu Bến Thủy cũng phát sinh nhiều bất cập.
Không dùng cũng mất tiền
Tuyến đường tránh qua thành phố Vinh với chiều dài trên 25 km được hoàn thành vào cuối năm 2005. Dự án xây dựng theo hình thức BOT (Xây dựng, kinh doanh, chuyển giao).
Sau khi tuyến đường tránh hoàn thành, việc cho phép thu phí đường tránh trên QL 1A khiến dư luận bức xúc bởi khi đi qua TP Vinh, họ đi các tuyến đường khác mà không sử dụng đường tránh, nhưng vẫn phải mất phí đường tránh.
Sự vô lý thể hiện rõ khi so sánh với trạm thu phí của 2 dự án hầm đường bộ Đèo Ngang, hầm đường bộ Đèo Hải Vân. Hai trạm thu phí này được đặt trên chính đoạn đường xe đi vào hầm đường bộ. Chỉ khi nào xe đi vào đoạn đường này mới mất phí còn đi trên đường đèo thì không mất phí. Thực tế, tại Nghệ An, UBND tỉnh đã có văn bản quy định và ở hai đầu tuyến đường tránh đều cắm biển chỉ dẫn xe trên 10 tấn bắt buộc phải đi theo đường tránh.
Trao đổi với PLVN về tính bất hợp lý trong việc đặt trạm thu phí ngay trên QL1A, khiến người dân không đi theo đường tránh nhưng cũng bị “móc ” hầu bao, ông Võ Nghệ Sỹ, Giám đốc chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, thuộc Tổng Công ty xây dựng cồng trình giao thông 4, đơn vị đầu tư nói: "Nếu là người dân thì tôi cũng không chịu nổi, cái lợi ở đây chỉ là nhà đầu tư được hưởng”.
Điều dễ hiểu, việc cho phép đặt trạm thu phí để thu hồi vốn khi nhà đầu tư đã bỏ tiền ra. Nhưng khoán thu phí hàng chục năm khiến dư luận bất bình bởi khoán thu theo năm liệu đã hợp lý, khi hàng ngày chủ đầu tư được cho phép “móc túi” người dân?.
Theo tính toán mức thu 3,8 tỷ đồng mỗi tháng được đề ra trong dự án thu phí tại trạm Bến Thủy, tính ra một năm trạm này thu gần 46 tỷ đồng. Thời gian thu 17 năm 10 tháng, từ ngày 1/12/2005.
Với mức độ tăng đến độ chóng mặt của các phương tiện đường bộ tham gia giao thông, chúng tôi như nghe nhầm khi ông Sỹ cho biết: “Hiện nay một tháng thu khoảng 6,5 tỷ đồng. Tại thời điểm này mức thu tăng cao, chúng tôi đầu tư dự án này rất hiệu quả”. Ngoài ra, ông Sỹ cho biết, có khi thu được nhiều tiền mang đến trả nhưng ngân hàng không chịu nhận nhiều vì họ cũng kinh doanh.
Như vậy, sau 5 năm dự án đường tránh đưa vào sử dụng, trung bình mỗi năm Trạm thu phí cầu Bến Thủy thu đươc khảng 78 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là thời gian thu đã được điều chỉnh lên 20 năm 3 tháng, tính từ ngày 1/3/2006. Với tình hình phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao, nếu tính ra thì tổng thu sẽ được trên dưới 1500 tỷ đồng, trong khi toàn bộ dự án đầu tư hết 378 tỷ đồng..
Bất cập chồng chất
Lãnh đạo Tổng công ty XDCT giao thông 4 thừa nhận, nếu không cho phép thành lập trạm trên QL1A thì họ sẽ không đầu tư xây dựng đường tránh. Điều không có gì phải bàn lợi ích mọi mặt khi tiến hành xây dựng tuyến đường tránh khi việc cân đối tính toán nguồn thu, đảm bảo thu hồi vốn, trả lãi vay ngân hàng, chi phí nhân công và có lãi cho nhà đầu tư là phải tính, nhưng làm sao phải đảm bảo công bằng là yêu cầu của người dân đưa ra.
Thực tế, dư luận lâu nay đã chỉ ra rằng việc cho phép đặt Trạm thu phí BOT đường tránh TP Vinh trên QL1 A không chỉ khiến người dân bị mất tiền oan mà còn không phù hợp với thực tế, bởi vị trí quá gần cầu và khu vực ngã tư đường giao lộ giữ đường tránh, QL1A và đường ven Sông Lam. Việc đặt trạm thu phí này còn ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, bất cập trong vấn đề giao thông, đe dọa tải trọng an toàn của cầu Bến Thủy mỗi khi bị ùn tắc.
Những bất cập trên, dư luận chờ câu trả lời thỏa đáng của Bộ Giao thông Vận tải và các ngành liên quan.
Quang Trung