Người đàn bà tật nguyền nguyện hiến xác cho y học

Người đàn bà tật nguyền nguyện hiến xác cho y học
(PLO) - Bị bệnh teo cơ hành hạ, những bất hạnh đồ xuống dồn dập, nhưng bà Nguyễn Thị Túy (63 tuổi, ngụ xóm 4, phường Thanh Tuyền, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) vẫn muốn cuộc đời mình có ích, muốn được hiến thân cho y học

Ước mơ “đứt gánh”, đã có lúc quẫn chí, bà đốt hết giấy tờ, bằng cấp đi học và nhiều lần muốn buông xuôi trước cảnh sống “lùi lũi như con rùa trong xó cửa”.

Nhưng chính tình cảm ấm áp của những người hàng xóm cùng công việc thêu thùa đã khiến bà quên đi nỗi đau bệnh tật và số phận. Hiện nay, niềm mong ước, đau đáu trong lòng bà là, có thể hiến xác cho y học khi mai này khuất núi.

Ước mơ vụn vỡ vì bệnh teo cơ

Bà Túy sống trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé, nằm nép mình trong một con ngõ nhỏ ở cuối làng. Dù bệnh teo cơ hành hạ, chân tay run rẩy nhưng bấy lâu nay, bà vẫn cố gắng với những đường thêu tỉ mẩn và tinh tế.

Chia sẻ về cuộc đời mình, bà cay đắng nói: “39 năm ngồi một chỗ, nếu không có công việc thêu thùa này, thì thực sự tôi đã chết vì buồn chán chứ không phải vì bệnh nữa”.

Với người phụ nữ ấy, những ngày vui vẻ suốt bốn mươi năm qua, chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngày trước, bà nổi tiếng khắp vùng vì xinh đẹp, có tài, đầy hoài bão. Sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em, bà là người được bố mẹ đặt niềm tin, kỳ vọng nhiều nhất. Bởi lẽ, ngay từ nhỏ, bà đã học rất giỏi, chăm ngoan có tiếng ở xã.

Trong suốt các năm học từ cấp 1 đến cấp 3, học lực của cô Túy đều dẫn đầu lớp. Do tài “ứng khẩu thành thơ” nên ngày ấy, bà Túy thường xuyên được giao viết báo tường cho lớp. Không những vậy, bà còn kiêm luôn “nghề” viết thư tình hộ mấy đứa con gái mới lớn trong trường. Những tài lẻ ấy đến tận bây giờ, bạn bè cũ vẫn còn nhắc mãi.

Bà Túy cũng không ngại ngần chia sẻ với chúng tôi câu chuyện tình ngày còn trẻ. Chuyện tình yêu của bà Túy ngắn ngủi nhưng thật đẹp. Bà tâm sự: “Chuyện tình của tôi bắt nguồn từ một trái bom. Ông ấy là bộ đội, một lần đến Bắc Lý (Hà Nam) công cán. Chúng tôi chẳng biết nhau đâu. Chỉ vì bất ngờ lúc đó quả bom rơi đánh rầm một cái, cả hai cùng lao xuống hầm, thế là quen nhau rồi sau đó yêu nhau”.

Dù người yêu hơn hẳn bà một giáp nhưng điều đó chẳng khiến bà bận tâm. Điều làm bà lo lắng nhất đó là… khoảng cách địa lý: “Nào có xa xôi gì đâu, chỉ cách nhau có 19km thôi. Nhưng tại hồi đó đường xá đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ, nên bố tôi thấy thế như thể mất con vậy nên nhất quyết không cho lấy”.

Bà Túy mỉm cười nhớ lại những tháng ngày đẹp nhất của đời mình. Bà ước mơ được trở thành kỹ sư khai thác dầu mỏ, được theo những con tàu đi khắp mọi miền của đất nước rồi thì đỗ Đại học Hàng Hải, cái nghề mà hầu như chỉ có đàn ông mới hứng thú. Nói đến đây bà Túy như khựng lại, bà bắt đầu khóc.

Bi kịch bắt đầu ập đến với bà khi vừa bước sang tuổi 18. Bố mẹ ngăn cấm, chẳng đến được với người mình yêu thì đúng lúc đó chân bà đi không còn vững, tự nhiên co quắp lại. Vào bệnh viện khám, bác sĩ kết luận bị teo cơ. “Ngày ấy, tôi đạp xe thấy khác khác, rồi ngày một chậm hơn, sau đi lại cũng dò dẫm. Và khi gân co lại thì chỉ còn nước bó chân ngồi một xó. Thế là đời tôi khép lại từ đó”, bà Túy nghẹn giọng.

Từ viện trở về nhà, bà như suy sụp khi nghĩ đến căn bệnh của bà cũng giống như chị gái mình. Chị gái bà tên Tính, hơn bà vài tuổi, nhưng cũng bị teo chân. Ban đầu bà Tính cũng là người bình thường, khỏe mạnh, nhưng càng ngày chân càng teo lại. Những tháng ngày đó, mọi sinh hoạt của chị đều do bà Túy đảm nhiệm.

Bà còn nhớ như in câu nói của mẹ năm nào: “Chị con thiệt thòi nên con phải là chỗ dựa cho chị, đừng bỏ chị con nhé”. Không ngờ đến lúc, chính bản thân bà cũng rơi vào hoàn cảnh đó.

Lúc ấy, bà Túy quyết định viết thư gửi cho người yêu. “Tôi nói với ông rằng, số phận chúng ta như thể quả bom câm, sẽ không bao giờ nổ được. Ông cứ lấy vợ đi cho khỏi nhỡ nhàng”. Thế nhưng, người đàn ông bà trọn đời yêu thương ấy vẫn lặng lẽ ngóng theo bà. Ông chẳng màng chuyện gia đình, mà chỉ xin một người con nuôi.

Cả đêm hôm biết tin ông mất, bà khóc cạn nước mắt. Bà gào lên thảm thiết trách ông trời không cho bà đôi chân để đến với ông, hay chí ít cũng chạy được đến với ông khi ông nhắm mắt xuôi tay.

Ngôi nhà của bà Túy
Ngôi nhà của bà Túy

Muốn hiến xác để thấy mình còn có ích

Cái ngày mà người đàn ông trong mộng qua đời cũng là ngày bà không còn ai thân thích trên cõi đời này nữa. Tất cả người thân của bà, từ anh, chị, rồi bố mẹ già đều lần lượt bỏ bà mà đi.

Bà còn nhớ như in năm 1971, người anh cả là ông Lượng, lúc đó đang là giáo viên cấp hai qua đời khi mới 27 tuổi. Ông bị viêm màng não nhưng không được phát hiện. Rồi năm 1987, bà Tính, người chị gái tật nguyền sau một đêm đi dạy thêu về dính nước mưa cũng lặng lẽ ra đi.

Khi đó bà Túy là hi vọng duy nhất của cha mẹ già. Mọi người nhờ cậy cả vào bà, vậy mà ông trời nghiệt ngã bắt cha mẹ hầu hạ lại. Ông cụ thân sinh ra bà Túy ngoài 80 tuổi nhưng còn dẻo dai.

Ông làm đủ mọi việc từ chăm con đến đồng áng. Làm đồng cả ngày, chiều tối về một mình đánh đống rơm to tướng. Thế mà sau cơn tai biến ông cụ ốm nằm liệt giường 4 năm rồi cũng bỏ đi.

Nỗi đau còn chưa nguôi ngoai, bà chưa kịp làm giỗ đầu cho bố thì mẹ bà cũng qua đời sau lần bị cảm khi đi làm đồng. “Nhiều khi nghĩ phận mình cũng thật cay đắng, không con cái, không người thân thích, tôi chỉ còn một mình trên cõi đời này”, bà Túy chua xót nói.

Dứt lời, bà Túy lẩm nhẩm mấy vần thơ: “Anh em chẳng có một ai/ Cửa nhà thiếu thốn hết nơi nương nhờ/ Cố thân trước cảnh bơ vơ…”.

Đôi mắt đượm buồn nhìn ra mái hiên, bà Túy ngậm ngùi chia sẻ: “Không chỉ bị teo cơ, tôi còn bị bệnh hẹp động mạch tim. Một lần, tôi ngất lịm đi lúc nào không hay biết. Sáng ra mọi người đi chợ ghé vào hỏi xem có mua gì không thì họ mua giúp cho, nhưng gọi mãi không thấy tôi thưa.

Biết chuyện không lành xảy ra, mọi người vội phá cửa vào và đưa tôi đi cấp cứu, may sao kịp thời. Nếu không có họ, chắc tôi khó qua nổi. Quả thực bây giờ, tôi chỉ còn biết trông cậy vào những người hàng xóm tốt bụng”.

Bà Túy kể, ngày trước, bà thêu vá tại trung tâm công tác xã hội tỉnh Hà Nam, nhưng sức khỏe yếu dần, bà xin về, nhận may gia công từ các xưởng may.

Tuy nhiên mắt đã kém, tay chậm chạp nên mỗi ngày bà cũng chỉ kiếm được 3000 đồng tiền công ít ỏi. Căn nhà tình nghĩa mới cất lên là nhờ có chính quyền cùng bà con chung tay giúp đỡ cho, rồi bên trung tâm công tác xã hội về ủng hộ.

Đôi chân tật nguyền không duỗi thẳng bao giờ cứ trở trời lại đau nhức khiến mọi sinh hoạt, đi lại quanh nhà cũng rất khó khăn. Năm 2011, bà được tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tài trợ cho chiếc xe lăn nhưng sức khỏe yếu, cũng không ngồi được.

Bà kể, nhiều năm nay, gần như bà chẳng đi đâu khỏi căn nhà chục mét vuông. Ngày nào cũng như ngày nào, dài đằng đẵng. Đêm nào cũng vậy, con gà trống nhà hàng xóm gáy, hay có tiếng động mạnh là bà tỉnh giấc. Nhiều đêm, bà còn thức trắng.

Trong sinh hoạt hàng ngày, bà bảo: “Do đi lại khó khăn nên ngày tôi chỉ nấu 1 bữa thôi. Ăn xong, lại để đấy, bữa khác ăn tiếp. Còn bữa tối tôi nhịn ăn gần 2 năm nay rồi. Chưa kể nhiều đêm khát nước đắng cả miệng, mà tôi không dám uống, vì sợ uống rồi chẳng có ai bế đi vệ sinh”.

Hàng xóm láng giếng tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng đâu phải lúc nào cũng thường trực ở bên bà. Chính vì vậy, biết bao đêm bà khóc cạn nước mắt, cực thân tủi phận. Một gia đình nho nhỏ, có vợ chồng con cái quây quần bên nhau là điều hết sức tự nhiên, thứ hạnh phúc bình dị, điều nhỏ nhoi trong đời người. Nhưng đối với bà, đó là món quà vô giá, đắt quá nên bà chỉ… dám nhìn từ xa.

Chúng tôi rất cảm động khi biết ước muốn được hiến xác cho y học của bà Túy. Không đi được, nhưng bà Túy đã nhờ người liên hệ, làm thủ tục với Đại học Y Hà Nội để xin hiến xác.

“Cuộc sống khắc khoải như vậy, tôi chưa làm được gì cho kiếp đời này cả, chỉ mong lúc chết đi rồi có thể được hiến xác cho y học, có ích cho xã hội để có thể cứu chữa cho những số phận kém may mắn khác”, bà tâm sự.

Mấy chục năm nay, cánh cổng nhà bà Túy chẳng mấy khi cài then. Ai vào thì tự mở, ai ra thì tự đóng. Bà Túy bảo, nhà bà chẳng có gì đáng giá để mà lo mất.

Hiện tại, mỗi tháng bà được hỗ trợ 360 nghìn đồng. Số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho bà không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, huống chi những lúc trái gió trở trời toàn thân đau buốt, bà lại tốn thêm tiền khám chữa, thuốc thang. Thế nhưng, bất cứ ai hỏi, bà cũng nói mình ổn, rằng mình vẫn sống tốt. Bởi lẽ, bà không muốn ai thương hại mình.

Bóng chiều đổ xuống, chia tay bà ra về, lòng chúng tôi vẫn không thôi suy nghĩ và ái ngại: “360 nghìn đồng một tháng, chia cho 30 ngày thì ổn như thế nào?”.

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.