Anh Lê Thanh Hòa đã hoàn thành xuất sắc chương trình tiến sĩ (TS) trước hạn chỉ trong vòng hơn hai năm rưỡi, trong khi đó thời gian hoàn thành chương trình TS ở nước ngoài thường là 4 năm và đã về nước phục vụ.
Ngoài việc tiết kiệm ngân sách nhà nước khoảng 33.440 USD (tương đương 737 triệu đồng), việc xuất sắc hoàn thành trước hạn chương trình đào tạo TS ở nước ngoài của anh Hòa đã góp phần khuyến khích, động viên các nghiên cứu sinh TS thuộc “Đề án 165” nói riêng và các đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao ở nước ngoài của Chính phủ Việt Nam nói chung trong việc nghiên cứu khoa học.
Tự hào năng lực người Việt
Theo TS Hòa, để phát triển kinh tế - xã hội cần phải có vốn đầu tư, trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới về thu hút FDI là vấn đề càng đặc biệt xem trọng. Trong đó, tìm ra được những yếu tố nào của một quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút FDI, từ đó đưa ra được những giải pháp thích hợp trong việc thu hút FDI để phát triển đất nước luôn được các nhà hoạch định chính sách quan tâm.
Với nhận thức như vậy, TS Hòa đã kết hợp nghiên cứu, phân tích chính sách, pháp luật và điều kiện kinh tế của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong luận án của mình với hướng đi hoàn toàn mới.
Cụ thể, anh đã đi sâu phân tích chính sách và pháp luật về FDI ở Việt Nam qua các thời kỳ; phân tích, so sánh chính sách và các yếu tố kinh tế trong việc thu hút FDI giữa 63 tỉnh, thành của Việt Nam; đồng thời kết hợp phân tích, so sánh chính sách và các lợi thế cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam châu Á trong việc thu hút FDI, từ đó đưa ra những kiến giải trong việc thu hút nguồn vốn FDI để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bản thân TS Hòa rất tự hào khi nghiên cứu của mình được các giáo sư là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu bình chọn khen thưởng là nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất - “Best Paper Award” - từ 498 nghiên cứu của hơn 1.000 giáo sư, nghiên cứu sinh và nhà khoa học đến từ 40 quốc gia trên thế giới tại Hội thảo quốc tế về kinh tế và thông tin (BAI 2014) tổ chức tại Osaka, Nhật Bản năm 2014.
Tự hào hơn vì TS Hòa đã chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy được năng lực và khả năng nghiên cứu của người Việt Nam, nhất là mang hình ảnh của đất nước đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.
Với quá trình nghiên cứu được đánh giá là đặc biệt xuất sắc của mình, TS Hòa được xét duyệt cho miễn báo cáo giữa khóa, thay vào đó được trực tiếp bảo vệ hoàn thành cuối khóa trước hạn. Kết quả, luận án của anh Hòa được Hội đồng Giáo sư phản biện đánh giá xuất sắc và được Hội đồng Thẩm tra bên ngoài là những chuyên gia độc lập trong lĩnh vực nghiên cứu đề cử cho công nhận giải nhất.
Với quyết tâm trao đổi, học tập những tiến bộ ở nước ngoài về phục vụ quê hương, quá trình học tập nơi đất khách, ngoài nghiên cứu luận án tiến sĩ, anh Hòa còn thực hiện những nghiên cứu khác có liên quan và được mời báo cáo tại các hội thảo quốc tế có uy tín về kinh tế, tài chính và luật được tổ chức tại Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, anh cũng tích cực tham gia những hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến Việt Nam. Cụ thể, anh được Hội nghị thường niên các chuyên gia kinh tế Việt Nam năm 2014 (VEAM 2014) tổ chức tại TP HCM mời báo cáo chuyên đề về đầu tư trực tiếp nước ngoài và kinh tế nội địa. Hội nghị này được Tổ chức nghiên cứu đô thị toàn cầu (the Global Cities Research Institute) mời làm thành viên Ban Cố vấn Hội nghị “Liên kết và hợp tác nghiên cứu về Việt Nam” rất thành công tại Đại học RMIT tháng 5/2015.
TS. Hòa trao đổi về nghiên cứu với Giáo sư On Kit Tam tại Đại học RMIT. |
“Học bằng tiền ngân sách càng phải có trách nhiệm”
Ngoài ra, anh còn được mời làm thành viên Ban Cố vấn hướng dẫn các nghiên cứu sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau chuẩn bị bảo vệ đề cương và luận án TS của họ tại Viện Kinh tế - Đại học RMIT. Quá trình nghiên cứu đạt kết quả cao, anh Hòa liên tiếp được Đại học RMIT tuyển chọn đào tạo các khóa ngắn hạn đặc biệt về “Chính sách công”, “Kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp” và “Quản lý dự án” do 5 trường đại học danh tiếng tại Australia phối hợp tổ chức.
TS Hòa cho rằng, được Trung ương tạo điều kiện học tập ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước là một vinh dự lớn nên càng phải sống có trách nhiệm với bản thân và những người đã quan tâm tạo điều kiện cho mình học tập.
“Nếu chúng ta nghĩ chi phí mỗi ngày ăn học ở nước ngoài đều từ tiền thuế của người dân, được quy đổi ra từ bao nhiêu kilôgam lúa của người nông dân, bao nhiêu ngày công lao động vất vả của người công nhân… thì chúng ta sẽ có động lực để nghiên cứu, học tập tốt hơn”, TS Hòa cho biết thêm.
Chia sẻ “bí quyết” học tập của mình, anh cho biết ngoài việc phải vững kiến thức ngoại ngữ, người nghiên cứu phải tập nghiên cứu độc lập, chủ động và tập trung cao độ vào công việc. Bên cạnh đó, cần quan tâm và lựa chọn phương pháp nghiên cứu thích hợp, nguồn tài liệu và các trang thiết bị cần thiết, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý…
Về nước trước hạn, TS Hòa hăm hở bắt tay ngay vào công việc tại Sở Tư pháp TP Cần Thơ. “Cảm giác của mình giống như về lại ngôi nhà yêu thương nên muốn lao ngay vào làm những việc gì đó có ích cho ngành tư pháp và cho thành phố trẻ”, TS Hòa chia sẻ.
Tại đây, lãnh đạo Sở Tư pháp cũng tạo điều kiện cho TS Hòa tham gia ngay Đoàn kiểm tra công tác tư pháp ở cơ sở, Đoàn góp ý Thông tư hướng dẫn Luật Hộ tịch và biên soạn tài liệu tập huấn nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn TP Cần Thơ.
Ông Huỳnh Quốc Lâm, Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ nhận xét: “Hòa là người có quan điểm rõ ràng, chịu khó học hỏi, luôn chấp hành sự phân công của lãnh đạo, suốt quá trình công tác, Hòa luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, có sáng kiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ với chúng tôi về những kế hoạch, dự định thời gian tới, TS Hòa cho biết: “Mình đã có cơ hội tham gia báo cáo kết quả nghiên cứu tại nhiều hội thảo quốc tế bằng tiếng Anh nhưng chưa có dịp báo cáo bằng tiếng Việt tại các hội thảo trong nước nên mong muốn thực hiện điều này trong thời gian tới.
Ngoài ra, để không bị lãng phí, mình dự định sẽ biên dịch luận án của mình sang tiếng Việt để làm nguồn tài liệu tham khảo cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần có nguồn kinh phí”./.