Ngôi nhà “cổ tích” của 74 người tâm thần

Anh Phước bên cạnh những người bạn đặc biệt
Anh Phước bên cạnh những người bạn đặc biệt
(PLO) -Hơn 10 năm qua, vợ chồng anh Hà Tư Phước (SN 1966, thôn Ia Rok - xã Chư Hdrong, Pleiku, Gia Lai) đã tìm kiếm, cưu mang những người tâm thần bị gia đình bỏ rơi, lang thang khắp nơi để đưa về nhà nuôi dưỡng.

“Người thương thì gọi tôi là Phước “phúc”, người không ưa thì gọi tôi là Phước “điên”. Dù gọi thế nào tôi cũng quen rồi. Tôi làm vì cái tâm, người khen hay chê đối với tôi không quan trọng. Nhiều người xa lánh những người tâm thần, nhưng với tôi thì ngược lại, tôi cảm thấy yêu thương và coi họ như người thân của mình”, anh chia sẻ.

Buổi chiều “định mệnh”

Ngôi nhà khuất sau rẫy cà phê, qua con đường đất đỏ gồ ghề sỏi đá. Đúng giờ cơm trưa, 74 con người đang ngoan ngoãn xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt lấy cơm. Những đôi mắt ngơ ngác ngước ra nhìn khách lạ.

Bên trong căn bếp khoảng 10m2, chị Huỳnh Thị Hạc (vợ anh Phước) đang lau nhanh những giọt mồ hôi trên gương mặt, tất bật chia khẩu phần ăn vào 74 chiếc tô cho từng người. Vừa chia cơm, chị vừa luôn miệng dặn dò tỉ mỉ những người bạn “đặc biệt”: “Nhớ ngồi một chỗ, ăn nhanh chóng, gọn gàng và phải ăn hết phần cơm Hạc chia trong chén nhé”. 

Xong công việc chia cơm, chị kể: “Để chuẩn bị bữa ăn cho 74 người, 2 con nhỏ, một mẹ già và 2 vợ chồng, tôi phải dậy từ sớm, đi chợ mua đủ thức ăn cho gần tám chục người ăn. Cả buổi sáng chỉ xoay trong bếp với công việc nấu nướng và chuẩn bị khẩu phần ăn cho mọi người.

Xong bữa trưa lại sắp sửa chuẩn bị cho bữa tối. Cứ vậy hơn chục năm nay, hầu như không ngày nào tôi rời khỏi nhà. Có đi công chuyện thì cũng đi chút xíu thôi, chớ đi lâu ai lo cho mọi người?”.

Gia đình anh Phước có 5 người. Mẹ anh bị mất một chân không đi lại được, thêm hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Vậy nhưng chục năm nay, vợ chồng anh Phước đã cưu mang thêm hơn 70 người mắc chứng bệnh tâm thần, bị chất độc da cam... Trong khi thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào 5 sào cà phê và số tiền ít ỏi anh Phước kiếm được từ việc đi chở  hàng thuê.

Trò chuyện với chị Hạc được ít phút, chiếc xe tải của anh Phước cũng vừa vào đến sân. Chiếc xe này chính là phương tiện nuôi sống gần 80 con người nơi đây.

Chị Hạc chuẩn bị bữa ăn trong căn bếp nhỏ
Chị Hạc chuẩn bị bữa ăn trong căn bếp nhỏ 

Anh Phước kể về cơ duyên đưa anh chị đến với những người tâm thần tại nhà mìn. Năm 2003, kinh tế gia đình anh rất khó khăn, vừa chăm lo con nhỏ, vừa lo thuốc thang cho người mẹ già tật nguyền. Hằng ngày anh đi lái xe thuê kiếm từng đồng, còn chị lên rẫy làm cà phê, ai thuê gì là làm nấy, chỉ mong sao có đủ tiền để lo cho gia đình. 

Một buổi chiều “định mệnh”, trong lần chạy xe thuê ở dưới huyện, anh Phước tình cờ gặp một thanh niên đi lang thang ngoài đường, một bên chân bị trói, anh sợ xe đụng vào liền xuống hỏi. Nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu ngơ ngác. Thấy thương, anh Phước cho người thanh niên lạ lên xe, đưa về nhà chăm sóc. 

Đến tận thời bây giờ, chị Hạc vẫn gọi vui đó là buổi chiều mang “nghiệp”. “Hôm đó, thấy anh Phước dìu từ trên xe xuống một người lạ, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, miệng liên tục lảm nhảm những câu chuyện vô nghĩa, rồi cả nụ cười ngây ngô… anh nói sẽ nuôi họ, tôi cứ ngỡ anh đang nói đùa.

Nhưng sau câu nói ngang xương của anh: “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Mình không nuôi thì ai nuôi?” thì tôi hiểu đó là câu nói thật lòng”. 

Chị tâm sự lúc đó không ngờ anh làm thật. Ai đời nhà đã nghèo, con nhỏ, mẹ già tàn tật, lại còn cái nhìn của hàng xóm láng giềng xung quanh, làm sao có thể đưa một người tâm thần về sống chung? Chị kịch liệt phản đối, thậm chí còn dọa sẽ ly hôn nếu như anh Phước còn giữ ý định đó. 

Ngỡ dồn anh vào thế đường cùng anh sẽ từ bỏ ý định, ai ngờ anh Phước vẫn một mực vay tiền đào giếng, cất nhà và chung sống với “anh bạn mới” của mình. Chị nhận ra mình sẽ không thể thay đổi được quyết tâm của chồng.

Chỉ một thời gian ngắn thấy chồng tận tụy chăm sóc cho người thanh niên trên, chị nhận ra người điên không hung dữ như chị tưởng. Mà chồng mình làm điều thiện, mang phước cho đời chứ đâu phải làm việc bất lương? Chị vừa thương chồng, thương cả anh bạn “điên” ngây ngô và dần bị thuyết phục. 

Ban đầu, anh Phước chỉ đưa một người, rồi vài người về nhà. Sau này, càng đi anh lại càng dẫn về nhiều hơn. Tiếng lành đồn xa, những người mắc bệnh tâm thần ở khắp nơi như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Thọ… cũng tự tìm đến hoặc đưa người nhà tới gửi nhờ anh chị chăm sóc giúp.

Với số lượng ngày càng tăng, đến nay đã 74 người. Sợ ảnh hưởng tới gia đình và làng xóm nên anh chị quyết định rời nhà vào trong rẫy để sống tách biệt. Vừa nhằm mục đích tạo không gian thoải mái cho các bệnh nhân điều trị bệnh, vừa đỡ làm phiền hàng xóm, lại tránh được những tai nạn không đáng có cho bệnh nhân và mọi người.

Điều kiện kinh tế khó khăn nên anh chị vẫn phải chạy vạy kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Cứ hễ ở đâu có người kêu chạy xe thuê là ngay lập tức anh Phước có mặt. Những chuyến xe không còn đơn thuần mang ý nghĩa công việc, mà nó còn là cả mồ hôi, công sức, tấm chân tình anh Phước gửi đến 74 người bạn đặc biệt của mình.

Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, các thành viên trong nhà dường như thấu hiểu sự vất vả của vợ chồng anh nên sống vui vẻ, ít đi lang thang, không còn gây gổ đánh nhau. Có những lúc hết gạo, hết thức ăn, vợ anh phải ra chợ xin hàng xóm, bà con tiểu thương ít gạo, ít mắm muối về lo cho từng bữa. 

Những mảnh đời bất hạnh

Những mảnh đời bất hạnh trước khi đến với “ngôi nhà cổ tích” của anh chị Phước - Hạc đều đã trải qua biết bao sóng gió, bao chuyện buồn trước đó. Trong số 74 người bạn, có những người vẫn nhớ, vẫn biết tên tuổi, quê quán, gốc gác quá khứ của mình, nhưng cũng có những người không biết hoặc đã cố quên đi cái quá khứ đau buồn ấy. Thậm chí có những người đã gây ra án mạng khiến bản thân điên loạn, để đến giờ họ vẫn luôn mang trong mình những mặc cảm về tội lỗi mình đã gây ra.

Trường hợp của anh Nguyễn Quang Vinh (SN 1987, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cũng là một ví dụ điển hình. Năm lên 19 tuổi, Vinh mắc bệnh, có lần lên cơn bỏ nhà đi lang thang dài ngày, nhiều lần quậy phá khiến gia đình hoảng sợ rồi được đưa đến bệnh viện tâm thần.

Đến năm 2009, anh được gia đình đón về nhưng bệnh lại tái phát. Năm 2011, nghe tin vợ chồng anh Phước ở Gia Lai nhận nuôi người tâm thần, gia đình Vinh đưa anh đến. Sau gần hai năm ở đây, bệnh Vinh đã thuyên giảm nhiều và có thể tự tắm rửa, làm một số việc vặt.  

Chờ lấy suất cơm
Chờ lấy suất cơm

Còn A Sak (32 tuổi, ở xã Ngọc Réo, huyện Đắk Hà, Kon Tum), sau thời gian “phát điên” vì một cuộc tình đau khổ, giờ đây anh đã vui vẻ, hoạt bát trở lại, là người hát hay, đàn giỏi nhất ở đây. A Sak tâm sự:

“Trước đây, mình và nó có yêu nhau, mình đã tính đến chuyện về nhà hỏi cha mẹ đem heo, đem gà qua nhà nó bắt vợ. Nhưng rồi đột nhiên nó bỏ mình đi theo người khác, sau đó mình chẳng còn nhớ được gì ngoài chuyện nó bỏ mình, mình hận lắm đem dao đi chém gia đình nó, cũng may họ chỉ bị thương thôi, nhưng đến giờ mình vẫn còn hối hận, mình không muốn về nơi đó nữa, chỉ ở đây thôi”.

Anh Phước chia sẻ: “Công việc của tôi là lái xe thuê nên hầu như tất cả các tuyến đường từ huyện đến phố tôi đều đã đi qua. Chính vì đi nhiều nên tôi đã gặp không ít những người tâm thần đi lang thang, hay những hộ gia đình nhốt con vào lồng sắt không quan tâm chăm sóc. Động lòng thương, tôi xin được đưa về nhà mình nuôi dưỡng.

Lúc ban đầu, mới đưa họ về nhà thì vợ tôi phản đối dữ lắm. Trong hoàn cảnh khó khăn, nhà đã nghèo lo miếng ăn cho gia đình thôi còn khó, huống chi việc tôi liên tục đưa những người dưng, lại còn bị tâm thần về nhà nuôi, làm sao kham nổi. Nhưng bằng tấm lòng nhân hậu vốn có trong con người của vợ tôi, tôi biết thế nào cô ấy cũng chấp nhận”.

Một bệnh nhân khác là ông Rơ Châm Siu (dân tộc Jrai, huyện Mang Yang, Gia Lai) hồn nhiên chia sẻ: “Trước đây mình cũng có mẹ, có cả vợ và 2 đứa con nữa, chúng nó thương mình lắm. Nhưng từ khi “con ma” nhập vào người mình, mình chỉ thích uống rượu thôi, uống về là đập phá nhà.

“Con ma” làm cho mình hết thương chúng nó, làm cho chúng nó ghét mình. Rồi mình bỏ nhà đi gặp Phước. Phước mắng mình nhưng Phước thương mình lắm, không cho mình uống rượu. Bây giờ mình chỉ sống với Phước, với Hạc, với các anh em ở đây thôi”.

Tình thương xoa dịu bệnh tật

Dù không học qua một trường lớp nào, thuốc men, ăn uống chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân nhưng không hiểu sao, các bệnh nhân tâm thần nặng hay nhẹ sau một thời gian ở đây đều có dấu hiệu thuyên giảm. Những người được anh chị nhận về nuôi đã dần ổn định hơn về mặt tinh thần, có những người đã biết giúp đỡ chị Hạc lo toan các việc nhỏ nhặt trong nhà. 

Khi được hỏi về phương pháp điều trị giúp các bệnh nhân hồi phục nhanh, anh Phước chia sẻ: “Cũng chẳng có phương pháp gì, vợ chồng tôi xem tất cả bệnh nhân ở đây như những thành viên trong gia đình. Các bệnh nhân với nhau xem như là anh em. Đối với bệnh tâm thần thì vấn đề tâm lý là điều rất quan trọng, chỉ có xây dựng cuộc sống vui vẻ, hòa đồng như một gia đình lớn mới nhanh bình phục được”.

Để cho những người bệnh ít có thời gian để nghĩ vu vơ về chuyện quá khứ ảnh hưởng đến việc điều trị của họ, anh Phước phân công cho họ những công việc nhẹ nhàng. Sau mỗi bữa ăn, mọi người tự động cất gọn gàng chén bát của mình vào thau nước, sẽ có những người được phân công rửa chén, lo sắp xếp gọn gàng mọi thứ.

Bữa trưa của các thành viên “ngôi nhà cổ tích”
Bữa trưa của các thành viên “ngôi nhà cổ tích”

Những phần cơm rơi vãi trên mặt đất cũng nhanh chóng được quét dọn sạch sẽ trước khi chuyển sang làm việc tiếp theo. Cứ như thế, những người bạn này đã dần tự ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với cả tập thể 74 con người.

Mỗi lúc rảnh rỗi, anh chị Phước - Hạc thường tập trung mọi người lại chơi đàn, ca hát để quên đi mệt mỏi, đau đớn. Bình thường, những người không bị lên cơn vẫn được tự do đi lại quanh khu vực nhà. Trước lúc ngủ, anh mở băng đĩa kinh Phật cho người bệnh nghe và đọc theo để tâm hồn họ có phần thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn.

Không chỉ nuôi dưỡng hơn 74 người điên, anh Phước còn làm những việc ít ai dám làm như: tắm rửa cho những người qua đời trước khi khâm liệm, nhặt xác người chết vì tai nạn giao thông hay chết đuối. Anh làm nghề này ngoài chạy xe trước là xuất phát từ cái tâm, sau nữa kiếm thêm ít tiền lo cho cái ăn, cái mặc của các bệnh nhân tâm thần. 

Những ngày lễ tết, để động viên tinh thần cho các anh em, anh Phước và chị Hạc vẫn cố gắng tổ chức và tạo cho các anh em một bầu không khí đầm ấm, sum vầy nhất. 

Bà Hiên, một thành viên trong “ngôi nhà cổ tích” chia sẻ: “Mình ở đây cũng được 3 cái Tết, năm nào cũng có bánh chưng, đồ ăn. V chồng anh Phước còn cho mọi người tự tay làm hoa mai, hoa đào chưng tết. Còn làm hang đá, tượng chúa mỗi lần Noel nữa. Ở đây mình chẳng nhớ nhà. Mình chỉ biết ở đây vui lắm”.

Một thành viên trong “ngôi nhà cổ tích” là anh Đinh Quốc Huy (40 tuổi, quê Quảng Bình) nói: “Hồi xưa ở Quảng Bình nghèo khổ quá, trong người lại mang bệnh, mỗi lúc tức giận, tôi không thể nào kiềm chế được bản thân, đập phá mọi thứ trong nhà, đuổi đánh người thân, làng xóm…
Tôi làm khổ gia đình, ai cũng kì thị, xa lánh tôi. Buồn quá, tôi bỏ vào Tây Nguyên, lang thang ở chợ tỉnh thì gặp anh Phước. Anh đã cưu mang, chữa trị bệnh cho tôi nên mang ơn vợ chồng anh chị.
Giờ tôi ở đây với mọi người, phụ giúp chị Hạc những việc bếp núc, lo bữa cơm cho các anh em và chính bản thân mình. Chỉ có ở đây tôi mới không bị hắt hủi, tôi được sống hòa đồng. Hơn nữa, được làm việc giúp đỡ cho anh chị, tôi thấy bản thân có ích, cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.