Theo AP, đây là cuộc họp đầu tiên của Ngoại trưởng các nước G7 kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua. Cuộc họp ở thành phố Lucca thuộc vùng Tuscan của Italia này có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cùng các ngoại trưởng của các nước G7 khác.
Cuộc họp diễn ra sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 80 người thiệt mạng ở thị trấn Khan Sheikhoun của Syria hồi tháng 3 vừa qua đã dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công nhằm vào lực lượng của Chính phủ Syria.
Theo lệnh của ông Trump, các tàu chiến của Mỹ đã bắn 59 tên lửa hành trình vào căn cứ không quân của Syria mà Mỹ cho là nơi khởi động vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Vụ tấn công này đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên căng thẳng hơn. Trước đó, Mỹ đã tham gia chống IS ở Syria nhưng vẫn tránh tấn công lực lượng chính phủ nước này do lo ngại có thể bị kéo vào một cuộc xung đột với Nga.
Song, động thái của Mỹ lại nhận được sự ủng hộ của một số nước trên thế giới. Ngoại trưởng Anh Johnson đã quyết định hủy chuyến thăm Nga và cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Sergey Lavrov lẽ ra diễn ra trước cuộc họp G7 vào phút chót với lý do vụ tấn công hóa học ở Syria đã thay đổi căn bản tình hình.
Ông Johnson nói rằng, thay vào đó, ông quyết định hợp tác với Mỹ và các nước G7 để xây dựng sự ủng hộ quốc tế với một thỏa thuận ngừng bắn trên thực địa và tiến trình chính trị để giải quyết tình hình tại Syria. Còn Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói ông sẽ “gửi thông điệp rõ ràng tới người Nga” khi đến thăm Nga ngay sau cuộc họp G7.
Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano – người chủ trì cuộc họp – sự ủng hộ rộng rãi của châu Âu đối với hành động quân sự của Mỹ đã góp phần tạo ra “sự hòa hợp mới” giữa Mỹ và các đối tác. “Chúng ta cần phải nhớ là không cần 10 năm trước mà chỉ 100 hoặc 120 ngày trước, ở châu Âu đã có những lo ngại rằng EU và Mỹ đang dần xa cách. Tôi chào đón sự hòa hợp mới này”, ông Alfano nói. Theo ông này, các quan chức ngoại giao G7 đang hy vọng cuộc họp của họ có thể được tận dụng để đưa đến thúc đẩy ngoại giao mới nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua ở Syria.
Sau vụ tấn công ở Syria, ông Trump nói rằng thái độ của ông với ông Assad đã thay đổi rất nhiều và ông Tillerson được chỉ đạo thực hiện các bước đi để loại bỏ ông Assad. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trước cuộc họp G7, ông Tillerson nói rằng ưu tiên của Mỹ ở khu vực vẫn là đánh bại IS.
Các diễn biến khác diễn ra trước thềm cuộc họp bao gồm việc Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân tới khu vực bán đảo Triều Tiên nhằm tăng cường hiện diện sau khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo. Cuộc họp của những nhà ngoại giao hàng đầu G7 cũng diễn ra trong lúc đe dọa khủng bố nhằm vào khu vực được nhấn mạnh bởi vụ đánh bom chết người ở các nhà thờ tại Ai Cập và vụ tấn công bằng xe tải ở Stockholm, Thụy Điển hôm 7/4 vừa qua.