Lo ngại về vũ khí hóa học bùng lên sau vụ tấn công chết người ở Syria

Các nạn nhân trong vụ tấn công vừa xảy ra ở Syria.
Các nạn nhân trong vụ tấn công vừa xảy ra ở Syria.
(PLO) -Vụ tấn công được cho là có liên quan đến vũ khí hóa học vừa xảy ra ở Syria một lần nữa khiến nhiều người không khỏi rùng mình trước những hậu quả ghê gớm mà thứ vũ khí này gây ra.

Vụ tấn công đầy tranh cãi

Trong những ngày này, vụ tấn công chết nhiều người tại Syria đang làm nóng các diễn đàn trên thế giới. Theo AFP, vụ việc xảy ra vào rạng sáng 4/3 vừa qua ở Khan Sheikhun, phía tây bắc tỉnh Idlib, Syria. Phần lớn tỉnh này hiện nằm trong tầm kiểm soát của các nhóm thánh chiến và phe nổi dậy tại Syria, trong đó có nhóm từng liên kết với Al-Qaeda là Mặt trận Fateh al-Sham.

Các nhân chứng và Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria cho biết, các máy bay tiến hành các cuộc không kích đã khiến khí độc rò rỉ ra ngoài. “Chúng tôi chạy vào một số ngôi nhà và nhìn có những nơi cả gia đình đã chết trên giường” – một người dân tên Abu Mustafa kể lại. 

Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria, hơn 100 người đã thiệt mạng do vụ tấn công và 160 người bị ảnh hưởng bởi khí độc. Trong số các nạn nhân tử vong có 20 trẻ em. Các nguồn tin y tế cho biết nhiều người trong số này bị nôn mửa, ngất xỉu, khó thở và sùi bọt mép. 

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết qua quá trình điều trị cho những người bị thương được đưa sang nước này họ đã phát hiện những bằng chứng cho thấy đây là một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Tổ chức Y tế thế giới xác nhận các nạn nhân của vụ tấn công có các triệu chứng phù hợp với việc bị tiếp xúc với một chất độc thần kinh.

Cơ quan này trong một tuyên bố nói rằng “khả năng các nạn nhân đã tiếp xúc với chất độc hóa học được củng cố khi họ không có dấu hiệu bị tổn thương ngoài da trong khi suy hô hấp là nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong”. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học chết người nhất tại Syria kể từ năm 2013 cho đến nay.

Syria đã chính thức từ bỏ kho vũ khí hóa học của nước này từ năm 2013 và trong cùng năm đã ký Công ước của LHQ về cấm vũ khí hóa học sau khi bị cáo buộc đã tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, chính quyền Syria vẫn liên tục bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Một cuộc điều tra của LHQ cho rằng chính phủ Syria có liên quan đến ít nhất 3 vụ tấn công bằng chlorine trong các năm 2014 và 2015.

Ngay sau vụ tấn công mới nhất nói trên, nhiều nước đã đồng loạt cho rằng vụ việc do quân đội Syria gây ra. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 5/4 nói vụ việc kinh hoàng vừa xảy ra cho thấy tội ác chiến tranh vẫn đang diễn ra ở Syria. 

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson thì khẳng định tất cả các bằng chứng mà ông nhận được đều cho thấy chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau việc. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đưa ra cáo buộc tương tự. Ủy ban điều tra về Syria của LHQ cũng đã bắt đầu điều tra về “cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học”. 

Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết họ vô cùng quan ngại trước các thông tin về vụ tấn công nói trên. Anh, Pháp và Mỹ cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng bảo an LHQ trong ngày 5/4, đồng thời đệ trình một dự thảo nghị quyết kêu gọi OPCW nhanh chóng vào cuộc điều tra về vụ việc. 

Song, quân đội Syria đã bác bỏ việc sử dụng vũ khí hóa học. Đồng minh của Syria – Nga - cho rằng vụ việc xảy ra khi quân đội Syria không kích nhằm trúng một nhà kho có chứa các chất độc hại được lưu trữ nhằm mục đích chế tạo bom của các phần tử khủng bố. 

Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ quốc phòng Nga không nói rõ vụ không kích là vô tình hay cố ý. Tuyên bố của bộ này cũng cho rằng các thông tin hoàn toàn đáng tin cậy cho biết kho vũ khí hóa học đã bị tấn công dự kiến sẽ được chuyển tới cho các phần tử khủng bố đang hoạt động ở Iraq. 

Các nạn nhân trong vụ tấn công vừa xảy ra ở Syria.
Các nạn nhân trong vụ tấn công vừa xảy ra ở Syria.

Mối đe dọa đang gia tăng

Ít ngày trước vụ tấn công ở Syria, cụm từ vũ khí hóa học cũng được nhắc đến nhiều sau vụ việc công dân Triều Tiên mang hộ chiếu Kim Chol – nhưng theo giới chức Malaysia thì chính là ông Kim Jong Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – bị sát hại ngay tại một sân bay quốc tế của Malaysia. 

Theo kết quả điều tra của giới chức Malaysia, nạn nhân tử vong do bị tấn công bằng chất độc thần kinh cực mạnh VX – một chất được LHQ xếp vào danh mục vũ khí hủy diệt hàng loạt và bị cấm theo Công ước cấm vũ khí hóa học. 

Theo các chuyên gia, chỉ một lượng vô cùng nhỏ VX đã có thể gây chết người. Ví dụ, trong vụ việc tại Malaysia, thủ phạm chỉ cần giấu một lượng nhỏ VX trong một cây bút hay một vật nhỏ tương đương đã đủ để gây án. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng cho đến nay thủ phạm trong vụ việc vẫn chưa bị lôi ra ánh sáng. 

Hồi tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Anh Ben Wallace cũng đã lên tiếng cảnh báo nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang lập kế hoạch tấn công nước Anh bằng vũ khí hóa học nhằm gây thương vong hàng loạt và khiến người dân sợ hãi nhiều nhất có thể. Không chỉ vậy, theo ông Wallace, các thông tin tình báo cho thấy IS tìm cách tuyển mộ những kẻ phản bội làm việc trong chính quyền và quân đội để phục vụ cho âm mưu trên. 

“Chúng tôi đã nhận được tin báo cho biết IS đã sử dụng vũ khí hóa học ở Iraq và Syria và chúng chắc chắn đang tìm cách tấn công tương tự ở châu Âu” – ông Wallace nói. Theo ông này, dù chưa phát hiện âm mưu nào cụ thể nhưng tình báo Anh cho rằng IS có thể đang sản xuất khí mù tạt sulphur từng được sử dụng trong Chiến tranh thế giới I để thực hiện âm mưu của chúng. Mù tạt sulphur gây chết người bằng việc gây rộp phổi và cổ họng.

Hồi tháng 2 năm ngoái, một thành viên IS ở Morocco cũng đã bị bắt vì hành vi chế tạo vũ khí hóa học. Theo giới chức Morocco, họ đã phát hiện các hóa chất độc hại, bao gồm các chất sinh học và phân bón mà khi kết hợp với nhau có thể tạo thành bom tự chế và chất độc chết người ở nhà đối tượng bị bắt giữ. 

Chính vì vậy nên giới chức Anh đã thúc giục người dân báo cáo về bất kỳ hành vi đáng ngờ nào của những người xung quanh nhằm phát hiện sớm những “kẻ thù ngay trong nước”. Ngoài ra, giới chức các nước thời gian qua cũng liên tục cảnh báo về nguy cơ các nhóm cực đoan tấn công bằng vũ khí hóa học.

Các vụ việc nói trên đã cho thấy rõ những mối nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng nếu những loại vũ khí hóa học rơi vào tay những kẻ lẽ ra không nên sở hữu chúng. Ông Cheong Seong Chang từ Viện nghiên cứu Sejong thì kêu gọi thế giới chú ý hơn tới vũ khí hóa học vì nó còn nghiêm trọng và thực tế hơn nhiều so với những mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo.

Theo Công ước về cấm vũ khí hóa học của LHQ, khái niệm vũ khí hóa học được áp dụng đối với bất kỳ hóa chất hay tiền chất độc hại nào có thể gây tử vong, bị thương, làm mất năng lực tạm thời hoặc gây kích ứng do tác động của hóa chất đó. Các loại đạn dược hay các thiết bị dẫn xuất khác được thiết kế để chứa vũ khí hóa học cũng được xem là vũ khí hóa học. 

Các loại vũ khí hóa học phổ biến nhất hiện nay bao gồm chất độc gây nghẹ thở chlorine và phosgene, chất độc gây rộp hay tràn dịch phổi là mù tạt và lewisite, chất ức chế máu như hydro cyanide, và các chất độc thần kinh sarin, soman, VX. 

Điều đáng nói là, một số hóa chất độc hại hay tiền chất được sử dụng trong các ngành công nghiệp trên toàn cầu. Ví dụ, một số hóa chất độc hại được sử dụng như các tác nhân chống ung thư, chất khử trùng hay thuốc trừ sâu. Những hóa chất này được xem là vũ khí hóa học nếu chúng được sản xuất và lưu trữ ở khối lượng vượt quá khối lượng quy định cho các mục đích không bị cấm theo Công ước về cấm vũ khí hóa học.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.