Bên trong phản đối
Chính phủ Israel ngay từ đầu đã bác bỏ sáng kiến này của Pháp, thẳng thừng tuyên bố sẽ không tham gia và ngầm ám chỉ sẽ không công nhận bất cứ kết quả nào của hội nghị này.
Chính quyền tự trị Palestin cũng không tham dự phần vì vướng mắc chuyện nội bộ, nhưng trước hết vì thái độ nói trên của Israel. Sự vắng mặt của hai phe xung khắc nhau trực diện này đã làm hạn chế rất đáng kể tính thiết thực của hội nghị.
Dù vậy, ý nghĩa chính trị và tác động tâm lý của hội nghị này vẫn rất đáng kể. Thực tiễn lịch sử từ trước đến nay cho thấy nếu cứ để tự thân vận động thì chắc chắn Israel và Palestin không bao giờ ngồi lại được với nhau để bàn bạc và nhất trí về giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột.
Mỹ vốn là đồng minh quân sự chiến lược quan trọng nhất và là sự đảm bảo an ninh cho Israel vậy mà thúc ép Israel vẫn không thành công với việc buộc nước này phải đi vào đàm phán hòa bình thực chất với Palestin.
LHQ đã ra rất nhiều nghị quyết buộc Israel phải chấm dứt hoạt động quân sự và xây dựng những khu định cư cho người do thái trên các khu vực lãnh thổ của người Palestin, thậm chí đã nâng cấp quy chế pháp lý và ngoại giao cho Palestin, nhưng phía Israel vẫn bất chấp.
Một cơ chế với tên gọi là Bộ tứ về Trung Đông bao gồm Mỹ, Nga, LHQ và EU vận hành nhiều năm rồi mà vẫn chưa đưa tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestin thoát ra khỏi tình trạng bế tắc và trì trệ.
Bên ngoài gây áp lực
Trong bối cảnh tình hình ấy, sáng kiến nói trên của Pháp thể hiện cách tiếp cận mới là tập hợp đông đảo các nước và các đối tác trên thế giới để bàn về việc giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông.
Bản chất cách tiếp cận này vẫn là gây dựng tác động và áp lực từ bên ngoài, dùng tập hợp lực lượng bên ngoài này để thôi thúc và cả răn đe hai đối tác bên trong là Israel và Palestin phải chuyển động, phải thiện chí và sẵn sàng nhượng bộ cũng như phải chấp nhận giải pháp mà bên ngoài cho rằng là thỏa đáng, hợp tình và hợp lý.
Cái mới trong cách tiếp cận mới này là có nhiều bên tham gia hơn và các bên tham gia không bị ràng buộc vào bất cứ điều gì đã được sử dụng làm tiêu chí hay nguyên tắc trong tiến trình hòa bình từ trước tới nay.
Nói như vậy để cho dễ thương thảo ở hội nghị thôi chứ ai tham dự cũng đều biết rằng mọi giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột ở Trung Đông bao giờ cũng phải bao hàm những nội dung như thành lập nhà nước Palestin độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ, Israel phải chấm dứt việc xây dựng trái phép những khu định cư dành cho người do thái trên lãnh thổ của người Palestin và phải phục hồi đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967.
Sự tham gia của Mỹ đóng vai trò rất quyết định đối với thành công của hội nghị và đối với giá trị thiết thực của kết quả hội nghị.
Quan hệ giữa Mỹ và Israel dưới thời ông Barack Obama cầm quyền ở Mỹ không được êm thấm và hài hòa. Mối quan hệ cá nhân giữa ông Obama và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không được tốt đẹp. Chính phủ Israel và ông Netanyahu đang án binh bất động để chờ người kế nhiệm ông Obama ở Mỹ.
Chính vì thế, sự tham gia của Mỹ ở hội nghị này dẫu có khiến ông Netanyahu không hài lòng thì cũng vẫn như sự định hướng cho chính sách của chính quyền kế nhiệm ông Obama về giải quyết cuộc xung đột này. Một khi chính phủ Israel ngày càng thêm lùi chứ không sẵn sàng tiến trong tiến trình đàm phán hòa bình với Palestin thì mọi tác động và áp lực từ bên ngoài như thế này càng thêm quan trọng và quyết định…/.