Tháng Chạp, mùi của cố hương
Tại sao sau tháng 10 Âm lịch lại là “tháng Một”? Theo lịch pháp thời cổ đại Trung Quốc, khi vua Hoàng Đế quy định tháng đầu tiên trong năm tính từ ngày bắt đầu trung khí Đông chí. Theo đó, từ ngày này trở đi là “tháng một” (tính theo địa chi là tháng Tý), tháng tiếp theo là “lạp nguyệt” (tháng Chạp), rồi “chính nguyệt” (tháng Giêng), nhị nguyệt, tam nguyệt... Cứ vậy tính tới thì cuối năm là tháng 10. Thế nên, dẫu mỗi năm có 12 tháng, nhưng do cách gọi tên thứ tự các tháng như vậy (3 tháng mùa Đông chỉ tính như một tháng) nên tháng cuối năm là “tháng 10”. Và tháng sau đó đương nhiên phải là “tháng một”.
Và như thế, tháng cuối cùng của năm theo lịch âm luôn gây thương nhớ với người Việt. Không chỉ là thời gian năm hết Tết đến, không chỉ bởi cảm thức về nhà ăn Tết, nơi nào có mẹ, nơi ấy là nhà. Mà xưa trong xã hội nông nghiệp là thời gian đã thu hoạch, trồng trọt xong, trong nhà đã có chút của ăn của để, lo sắm sửa chuẩn bị ăn tết. Ấy cũng là lúc trộm cắp hoành hành, nhòm ngó, đục tường khoét vách. Bên cạnh đó, “tháng củ mật” cũng là tháng nhiều người quan niệm rằng hay gặp xui xẻo... Người xưa quan niệm tháng Chạp là lúc ngày cùng tháng tận, nếu trong những ngày này mà tranh cãi với người khác thì dễ ảnh hưởng đến vận trình năm mới, dễ gặp nhiều chuyện phiền phức rắc rối.
Dẫu tháng Chạp là tháng út ít nhất trong mười hai tháng, nhưng mỗi tháng Chạp về làm lòng người xốn xang như chuyến tàu cuối sắp rời ga, nửa chừng hân hoan, nửa chừng bịn rịn trước khoảnh khắc giao thời. Gói ghém bao chộn rộn, chả thế nhà văn Vũ Bằng viết trong Thương nhớ mười hai: “Yêu tháng Chạp không biết bao nhiêu nhưng yêu nhất là những ngày giáp tết, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”…
Có người nói, tháng Chạp là tháng của mùi thơm. Thơm của nhang trầm, thơm của mứt gừng, thơm mùi dưa món... Và hơn cả, đó là mùi của cố hương bởi qua bao tháng năm, dù đi xa tới đâu, mùi hương ấy luôn hiện diện trong tâm thức mỗi người khi tháng Chạp về. Ấy là những ngày giáp Tết chộn rộn, là mùi Tết. Thật kỳ lạ, Tết đánh thức mọi giác quan của con người.
Bởi những màu sắc sặc sỡ, ấm áp của bánh mứt kẹo, hoa đào, quất, hoa xuân, phong bao lì xì... Tết là hương thơm của hoa lá, hoa quất trong chợ Tết quê, chỉ mở mỗi năm một lần. Tết là khoảnh khắc háo hức đón giao thừa với tiếng pháo đùng đoàng. Mùi thuốc pháo khen khét, âm ấm của những năm tháng xa ngái. Tết là những sớm mai, mùi lá dong, gạo nếp, đỗ xanh thơm nồng nàn trong căn bếp nhỏ bập bùng của mẹ. Mẹ lui cui chuẩn bị gói bánh chưng trong bếp. Thế nhưng, có lẽ hương vị Tết như chạm tới được là khi chúng ta được sắm sửa đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa để đón Xuân. Hay khi cả nhà lúi húi quanh bếp để ngâm măng, ngâm miến, cuốn nem...
Và “tháng Giêng làm nghiêng bồ thóc”
Dân gian gọi tháng cuối cùng của năm Âm lịch là tháng Chạp, tháng đầu tiên của năm mới Âm lịch là tháng Giêng. Những tên ấy đâu có phải là số đếm! Mà cũng thật lạ, tháng Chạp cũng “chỉ có giá trị” đến ngày 22 thôi. Từ ngày 23 trở đi lại hóa thành “Tết”. Đến tháng Giêng cũng vậy. Có ai gọi là mồng Một, mồng Hai tháng Giêng đâu. Mãi đến Rằm mới thấy tên gọi tháng Giêng. Không hiểu sao tháng Chạp nào cũng trôi nhanh đến thế! Vèo cái là mùng một Tết. Thế còn ra Giêng, đúng là ngày rộng tháng dài, đi mãi vẫn chưa hết lễ hội tháng Giêng… gắn với làn mưa bụi bay bay, màu nắng non chập chờn trong vòm lá, với tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc của xứ Bắc...
Có thể nói, tháng Giêng là mùa lễ tết lớn nhất của dân tộc như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu... đều diễn ra trong tháng này. Mọi người, dù đang làm ăn sinh sống ở đâu, trên mọi miền đất nước hay ở nơi xa xứ, đều cố gắng tìm cách trở về hay hướng về với cội nguồn tổ tiên trong những ngày thiêng liêng này.
Tháng Giêng được coi là tháng của các ngày tết lớn nhưng cũng là một thời điểm mà dân ta được phép nghỉ ngơi, nông nhàn. Lúc này mùa màng, lúa má, rau màu... thu hoạch đã xong. Những chân ruộng cần cấy sớm cũng đã được cấy trước tết. Thời tiết lúc này cũng vào trà rét đậm, nếu tiếp tục triển khai công việc đồng áng cũng không thật thuận lợi. Vì vậy, cùng với việc sắm sanh lo liệu tết nhất, thăm viếng, hỏi han và chúc tụng nhau, người ta cũng tổ chức các lễ hội cho bõ những tháng ngày làm lụng vất vả suốt năm.
Chẳng thế, “tháng Giêng là tháng ăn chơi” với đủ các lễ hội từ ngàn xưa đến nay hãy còn tấp nập: Hội chùa Hương, Hội Phủ Giầy, Hội chùa Thầy, Lễ Bà Chúa Kho, Hội Lim, Hội Gióng, hội đâm trâu, hội đua ghe ngo, hội vật... bắt đầu mở màn và sôi động từ ngay sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến tận tháng Hai, tháng Ba âm lịch…
Từ xa xưa, người Việt nói chung và người theo đạo Phật nói riêng thường xuất hành ngày đầu Xuân bằng việc đi lễ chùa, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình trong một năm mới. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện, mà là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm như là gạo, muối, diêm...
Với câu thành ngữ quen thuộc: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” gắn với hai tập tục của người Việt trong năm mới. Đó là vào những ngày đầu tiên của năm mới, người ta có thói quen mua một ít muối về nhà lấy may cho cả năm và vào những ngày cuối năm, người ta mua vôi về để quét lại nhà, tường, cổng cũng như tránh những điều không may.
Việc mua muối đầu năm của mỗi gia đình thường bắt đầu trong buổi sớm mồng 1 Tết. Chính vì thế, ngay từ sáng mồng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố, đường làng hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa. Ngày nay, để thu hút khách, nhiều người còn khéo léo đóng muối vào các túi vải màu đỏ rồi gắn ông thần tài loại nhỏ lên.
Nhiều gia đình đi chợ đầu năm cũng phải tìm mua lấy may cho cả năm và không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ. Đặc biệt, với những vùng có thói quen đong bằng bát sát miệng (bằng miệng) như gạo, thóc, kê, đậu, vừng thì muối bao giờ cũng đong có ngọn, chứ không gạt miệng sợ về sẽ mất lộc, mất mặn mà.
Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm để giữ cho quanh năm tình người cũng mặn mà, gia đình hòa khí, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái. Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Cùng với đó, người Việt vốn cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm. Ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Ngược lại với tục mua muối, người ta thường tránh mua vôi đầu năm vì vôi trắng, người xưa quan niệm vôi là biểu tượng cho sự bạc bẽo, ca dao xưa cũng đã có câu “bạc như vôi”. Tránh mua vôi vào đầu năm là tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt. Và cũng bởi, xưa các cụ làm nhà vật liệu phải tích cóp hàng năm trời hoặc mấy năm trời trong đó có cả vôi làm vữa xây. Việc tôi vôi chỉ dám thực hiện vào cuối năm tôi vôi, vôi sẽ rã ra hết và đó sẽ là điều không may mắn.
Vôi cũng là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Ngôi nhà được quét vôi mới cũng là để xóa đi những điều không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua. Ở nông thôn, nhiều gia định cũng có quan niệm rằng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ.
Ngày nay, việc đi lễ đầu năm đã không còn giữ được nét đẹp mà ít nhiều đã bị “thương mại hóa”, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của việc đi lễ đầu Xuân, vãn cảnh chùa, hay du Xuân. Nhiều người đi lễ không mang tâm thức, tâm linh, linh thiêng mà chỉ nghĩ đến việc mưu cầu đạt được thành tựu cho riêng mình bằng cái tâm “sân si”, việc đi lễ đầu năm không còn mang ý nghĩa và nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt. Và không ít người đi theo phong trào, khi tất cả đều chùa chiền, phật pháp như một món trang sức thời thượng… Và lễ hội mùa xuân vì thế mà vẫn đi dọc suốt Giêng, hai…
Chẳng thế: “Tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc” với hàm ý đây là quãng thời gian “tiêu tốn” nhiều vật lực, sức lực của con người và qua đó cũng nhắn nhủ ta đừng để “tháng Giêng” làm… nghiêng bồ thóc. Bởi mùa xuân quá rình rang và kéo dài, bởi thời tiết khắc nghiệt, nên trước đây, cứ sau Tết là phần lớn các gia đình ở làng quê đều không đủ no. Mưa rét và đói đến se sắt. Khi mà quanh năm chỉ ba ngày Tết mới được ăn đủ đầy các món truyền thống, mới được no. Còn nhớ những năm bao cấp ở nhiều vùng quê miền trung, bánh chưng được làm từ nhân xương băm và củ sắn thay cho thịt và đỗ… Và hết Tết là đói lòng… Bởi thế, những người con đi xa càng thêm quay quắt thương cha mẹ mình…
Thế nên, trong tâm thức mỗi chúng ta, dù không còn trong cảnh “no ba ngày Tết” nhưng tháng Chạp, tháng Giêng vẫn luôn là miền thương nhớ, của yêu thương đong đầy trong ký ức…