[links()] Như PLVN đã phản ánh, hôm 5/1, 6 cán bộ chiến sĩ quân đội và công an đã bị bắn trọng thương khi UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang. Hậu quả nghiêm trọng từ cuộc cưỡng chế này buộc người ta phải nhìn nhận về nguồn cơn của sự việc…
Hành vi bắn trả lực lượng làm nhiệm vụ nêu trên của một số đối tượng trong là đặc biệt nguy hiểm... |
Cần phải khẳng định ngay rằng, hành vi bắn trả lực lượng làm nhiệm vụ nêu trên của một số đối tượng trong là đặc biệt nguy hiểm, cần sớm bị nghiêm trị. Nhưng phải chăng, hành vi tiêu cực và manh động trên đã nằm ngoài dự liệu và không có phương án để phòng ngừa trong kế hoạch cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng và cơ quan chức năng?
Được biết, cuộc cưõng chế này diễn ra sau khi ông Vươn không chịu thi hành Quyết định thu đồi đất của UBND huyện Tiên Lãng và liên tiếp có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi 2 tuần trước khi diễn ra buổi cưỡng chế này, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét thời điểm cưỡng chế cho phù hợp, phụ thuộc vào điều kiện khách quan và nhiều yếu tố liên quan. Đầm tôm thu hồi xong sẽ giao cho xã quản lý, cho thuê theo quy định”.
Khi được hỏi thêm về quá trình giao đất, thu hồi đất của ông Vươn, ông Hiền từ chối trả lời và cho hay, “công việc của tôi rất bận, có nội dung gì cần trao đổi thì anh để lại nội dung để chúng tôi trả lời bằng văn bản…. Chúng tôi có quy chế người phát ngôn, không thể ai cũng trả lời được”.
Người dân đã đầu tư rất nhiều tiền làm bờ bao và cống lấy nước phục vụ việc nuôi trồng thủy sản |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tương tự như việc thu hồi đất nêu trên còn có trường hợp của ông Vũ Văn Luân- ở ngay sát khu đầm của ông Vươn- cũng đã được lên kế hoach cưỡng chế thu hồi đất. Quyết định thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của hai hộ này, được UBND huyện Tiên Lãng ban hành từ năm từ năm 2004 với lý do “đất giao sử dụng đã hết thời hạn”.
Thời hạn mà UBND huyện Tiên Lãng tính toán là 14 năm (như nêu trong Quyết định giao đất). Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng, thời hạn sử dụng đất trên là không đúng với quy định tại luật đất đai (đủ 20 năm) và thời hạn sử dụng đất lại tính từ trước khi có quyết định giao đất 3 năm, không đảm bảo quyền lợi của người dân khai hoang đất.
Tuy nhiên, có lẽ cái mà làm người dân bức xúc hơn cả là cách hành xử của chính quyền sau khi các hộ dân khởi kiện Quyết định ra toà hành chính: Khi bị bác đơn khởi kiện ở Toà cấp sơ thẩm thì người khởi kiện đã kháng cáo. Tại cuộc hoà giải ngày 9/4/2010 tại trụ sở TAND TP Hải Phòng do Thẩm phán Ngô Văn Anh chủ trì thì người kiện (ông Luân) đã đồng ý rút đơn khi được đại diện UBND huyện Tiên Lãng (ông Phạm Xuân Hoa - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện) hứa rằng “nếu ông Luân rút đơn thì huyện sẽ cho ông Luân tiếp tục thuê đất theo quy định”.
Còn ngày 25/6/2010, TAND TP Hải Phòng cũng đã từng gửi văn bản trả lời ông Vươn (với tư cách là người khởi kiện) rằng, “trong qúa trình giải quyết ở cấp phúc thẩm, TANDTP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thoả thụân với nhau để giải quyết vụ án…, đại diện UBND huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo quy định của pháp luật”.
Từ việc hoà giải trên đây, TAND TP Hải phòng đã ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện, án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, sau khi có việc hoà giải và Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nêu trên thì phía UBND huyện Tiên Lãng đã quyết định cưỡng chế thu hồi đất mà chưa làm thủ tục cho ông Vươn, ông Luân thuê đất theo nội dung thoả thuận tại Toà.
Hơn nữa, kế hoạch sử dụng đầm tôm sau khi bị thu hồi cũng thiếu rõ ràng, công khai khiến người dân càng chống đối Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng.
Khoa Lâm