Tìm hướng đi cho đường sắt
Nói về dự án phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Dự án đang được nghiên cứu kĩ lưỡng về tính khả thi, huy động nguồn lực, đánh giá cung - cầu. Qua nghiên cứu, kinh nghiệm nhận thấy luôn có một lượng hành khách nhất định từ Bắc vào Nam, vận tải tầm trung và ngắn không có loại hình nào khác đảm nhận ngoài đường sắt. Do đó, nhu cầu xây dựng tuyến mới là cần thiết. Còn tốc độ bao nhiêu, mở rộng đường thế nào, thời gian xây dựng cụ thể phụ thuộc vào lộ trình huy động nguồn lực. Nếu chưa đủ nguồn lực thì phân kỳ, phân đoạn để đầu tư.
Thứ trưởng Đông thông tin, theo lộ trình từ nay tới năm 2018 sẽ tiếp tục nghiên cứu, thẩm định dự án trên. Nếu khả thi sẽ trình Quốc hội phê duyệt. Theo đề án, trước tiên sẽ đầu tư xây dựng các tuyến ngắn như Hà Nội - Phủ Lý (Hà Nam), TP HCM - Long Thành (Đồng Nai) để chứng minh tính khả thi cũng như đáp ứng nhu cầu đào tạo, chạy thử. Về lâu dài đầu tư tuyến dài Hà Nội- Vinh - TP HCM tạo thành hệ thống xuyên suốt. Ông Đông nhấn mạnh dự án đường sắt cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng, đảm bảo tính an toàn cao bởi nếu xảy ra tai nạn sẽ gây hậu quả lớn.
Trong bối cảnh bức thiết về nguồn vốn, nhu cầu hiện nay, ông Đông trả lời dự án đường sắt Bắc - Nam phụ thuộc vào nguồn lực quốc gia. Nếu không huy động được nguồn lực thì chọn cách làm từ từ, phân kỳ, phân đoạn đầu tư. Trước mắt, ngành Đường sắt được Chính phủ bố trí 7 ngàn tỷ đồng đầu tư cải tạo đường sắt hiện hữu, nối dài ga.
Trả lời về hướng phát triển loại hình vận tải đường sắt thời gian tới, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết trước mắt cần duy trì hạ tầng để nâng cao năng lực khai thác. Thứ hai, sẽ tập trung vào vận tải hàng hóa trong bối cảnh vận tải hành khách có xu hướng giảm. Thứ ba, ngành Đường sắt tập trung vào vận tải hành khách tầm trung và ngắn vì phần lớn khách đi đường dài đã chọn hàng không. Ví dụ như chặng Huế, Quảng Bình ra Hà Nội hay từ Nha Trang đi TP HCM rất phù hợp với đường sắt. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ có chính sách về khung giá linh hoạt nhằm thu hút khách, hàng hóa.
Trả lời câu hỏi liệu có nên kêu gọi tư nhân đầu tư vào đường sắt, Thứ trưởng Đông trả lời tư nhân chủ yếu tham gia quản lý, khai thác sau khi Nhà nước đã đầu tư hạ tầng. Tư nhân không thể đầu tư hạ tầng vì vốn quá lớn, khả năng thu hồi vốn khó. Không chỉ ở Việt Nam mà nguyên lý chung trên thế giới đều như thế.
“Ở Nam Mĩ người ta làm rất tốt việc kêu gọi tư nhân tham gia khai thác đường sắt bằng cách nhượng quyền cho đơn vị tư nhân vào khai thác, duy tu tàu máy”, ông Đông nói và cho biết có những lĩnh vực đường sắt kêu gọi mãi không có đơn vị tư nhân tham gia đầu tư. Chẳng hạn tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai hứa hẹn sẽ vận chuyển lượng hàng hóa lớn từ Trung Quốc nhưng vốn dự kiến lên tới 10 tỷ đô la Mỹ.
Hàng không đắt khách
Cung cấp bức tranh cho thấy sự trái ngược với vận tải đường sắt, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HKVN, Vietnam Airlines) cho biết năm 2016 đã triển khai hoàn thành chương trình tái cấu trúc và chào sàn cổ phiếu từ ngày 3/1/2017 với giá khởi điểm 28 ngàn đồng/cổ phiếu. Và chỉ sau hai ngày đã tăng lên 51 ngàn đồng/cổ phiếu. Điều này phản ảnh tốc độ phát triển của loại hình vận tải hàng không cũng như đánh giá của thị trường.
Đến ngày 21/12/2016, Vietnam Airlines đã chào đón hành khách thứ 20 triệu. Năm 2017 này công ty dự kiến vận chuyển 21 triệu lượt khách và “chắc chắn” đến tháng 11 sẽ chào đón vị khách thứ 200 triệu. Đặc biệt số hành khách vận chuyển nội địa năm 2016 đã vượt con số dự báo đến năm 2020.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, năm 2016 ngành Hàng không đã vận chuyển 20,6 triệu lượt hành khách, vận chuyển hàng hóa đạt 264 ngàn tấn với 128 ngàn chuyến bay. Doanh thu công ty mẹ đạt 59 ngàn tỷ đồng, doanh thu hợp nhất là 76 ngàn tỷ đồng. Tổng hợp cho thấy lợi nhuận trước thuế của Tổng Công ty đạt 1.590 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất gần 2.500 tỷ đồng. Vietnam Airlines cho biết đây là mức lãi kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, cao hơn 5 lần so với năm 2015.
Năm 2017, ngành Hàng không đặt mục tiêu vận chuyển 21,7 triệu lượt khách, 290 ngàn tấn hàng hóa với 130 ngàn chuyến bay. Hiện Tổng Công ty HKVN đã lập báo cáo gửi lên Bộ GTVT đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất 1.186 tỷ đồng trong bối cảnh cạnh tranh, giá dầu tăng mạnh. Theo đó, hàng không tập trung đảm bảo chất lượng, tăng trưởng thị phần với mũi nhọn phát triển hàng không giá rẻ.
Trong khi đường sắt loay hoay tìm cách hút khách thì lãnh đạo Tổng Công ty HKVN cho biết chỉ 5 năm vừa qua loại hình vận tải này đã phát triển vượt bậc. Riêng đường bay Hà Nội – TP HCM đang là đường bay nhộn nhịp thứ 4 toàn cầu theo xếp hạng của Tổ chức kinh tế thế giới. Trong khi hạ tầng hàng không Việt Nam thấp hơn nhiều nước khu vực. Đó là lí do người ta đang tính tới các giải pháp trước mắt như tăng chuyến bay đêm, cải tạo hạ tầng Tân Sơn Nhất.
Trước nghịch cảnh trên, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cần tăng cường quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, tái cấu trúc vận tải toàn ngành, hướng đến phát triển các phương thức vận tải hài hòa, hợp lý: “Hiện nay năng lực vận tải hành khách đường sắt dưới 2%, chủ yếu tập trung vào đường bộ nên áp lực đường bộ, đường hàng không rất lớn. Chúng ta cần đẩy mạnh vận tải đa phương thức, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.