Theo AFP, các cuộc hội đàm giữa hai cường quốc thế giới sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/7 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Đoàn của Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew dẫn đầu. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương dẫn đầu nhóm đàm phán của Bắc Kinh.
Chấm dứt đánh cắp dữ liệu mạng
Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua đã phản ứng đầy giận dữ và dừng hoạt động của nhóm làm việc chung về an ninh mạng mới được thành lập giữa hai nước sau khi Mỹ thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ là truy tố 5 quan chức quân sự của Trung Quốc về tội gián điệp mạng, cáo buộc những người này đã tấn công các máy tính của Mỹ để đánh cắp các bí mật thương mại.
Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel cho biết, bất chấp sự khó chịu của Trung Quốc, Ngoại trưởng Kerry vẫn sẽ đề cập đến vấn đề này với các đối tác đối thoại của Trung Quốc. Tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 6, ông Kerry cũng sẽ thúc đẩy việc bắt đầu lại nhóm hoạt động chung về không gian mạng ở cấp chuyên gia được thành lập một năm trước để đưa ra những quy định đối với việc sử dụng và bảo vệ internet.
Ông Russel nói thêm rằng, vấn đề số 1 của Mỹ là việc các dữ liệu của các công ty Mỹ đang bị các chủ thể ở Trung Quốc đánh cắp bằng các phương tiện mạng và những thông tin đó đang được chuyển tới các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc sau đó đã sử dụng tài sản sở hữu đánh cắp để tăng lợi nhuận.
“Đang có ngày càng nhiều những bằng chứng chỉ rõ Chính phủ Trung Quốc liên quan đến hành vi này. Chúng tôi cho rằng điều đó có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc có khả năng ngăn chặn việc này” – ông Russel khẳng định.
Bên cạnh đó, những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông cũng là một vấn đề nóng trong chương trình nghị sự của cuộc Đối thoại sắp diễn ra, nhất là sau sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Theo thông báo của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, Washington sẽ thẳng thắn đưa ra một số quan điểm mà nước này cho rằng Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông có thể thực hiện để giảm thiểu căng thẳng, từ đó giảm nguy cơ các vụ việc có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tại vùng biển này.
Năm bão tố
Phó Tổng Biên tập tạp chí The Diplomat Shannon Tiezzi cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua một năm đầy bão tố với việc hai nước đã có tranh cãi gay gắt quanh hàng loạt các vấn đề, từ việc Mỹ truy tố các quan chức quân đội Trung Quốc hay việc nước này mạnh mẽ chỉ trích hành vi hung hăng khiêu khích của Bắc Kinh trên biển Đông đến những tranh cãi quanh quyết định thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông của Trung Quốc…
Căng thẳng giữa hai nước đã lan tới cả các sự kiện gặp gỡ ngoại giao cấp cao. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thẳng thừng tranh cãi với người đồng cấp Trung Quốc khi đến thăm Bắc Kinh. Sau đó, tại Đối thoại Shangri-La, Tướng Trung Quốc Vương Quán Trung đã chỉ thẳng ông Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông này bác bỏ những chỉ trích của họ nhằm vào Trung Quốc. Trong bối cảnh này, giấc mơ về một “kiểu quan hệ giữa các nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc” trở nên khó đạt được hơn cả năm ngoái, khi ông Tập Cận Bình tới thăm Mỹ và cuộc đối thoại có thể sẽ chỉ mang tính chất biểu tượng./.