Nghề… chạy bộ ở làng dây thừng

Mảnh đất sinh kế của những người ở làng "chạy bộ"
Mảnh đất sinh kế của những người ở làng "chạy bộ"
(PLO) - Những người thợ làm dây thừng thường đùa, nhận làng mình là “làng chạy”. Ngoài công việc hàng ngày mỗi người thợ phải “chạy” từ 10 - 20 km kéo dây, thì việc dựng lều trại ở những bãi đất trống, khiến mỗi lần có quy hoạch hay chủ đất thu lại đất, khiến họ lại phải chất đồ đạc máy móc lên xe “chạy” tìm một bãi đất mới.

“Doanh trại” đặc biệt

Những người dân ở khu dân cư Vĩnh Lộc chỉ dẫn: “Chạy khi nào hết đường nhựa, gặp bãi dất trống rộng mênh mông, thấy dây rợ ngang dọc. Đó là làng dây thừng”. 12h trưa, tiếng máy rì rì vẫn phát ra từ bãi đất trống trong một góc biệt lập của khu dân cư Vĩnh Lộc, (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM).   
Chị Nguyễn Thị Ngây (39 tuổi, quê Chợ Mới, An Giang) nhẹ nhàng đặt đứa cháu ngoại vào võng để chuẩn bị xắn tay vào làm việc. Người phụ nữ hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi lên dây đã được 6 - 7 năm. Từ lúc 2 đứa con còn nhỏ, nay chúng đã… dựng vợ gả chồng hết ráo” .
Chị Ngây nhớ lại những ngày đầu mới lên Sài Gòn lập nghiệp: “Hồi đó, ở quê mần lúa không có ăn. Ông anh họ lên Sài Gòn được vài năm, điện về kêu cả hai vợ chồng lên cùng làm dây thừng. Mỗi trại ở đây đều có một chủ đầu tư. Họ thuê đất, nhà ở, máy móc, nguyên liệu, chúng tôi bỏ công, ăn thành phẩm. Mới đầu, vợ chồng tôi mất 3 ngày chỉ để học cách chia dây, cầm cào, se dây, quấn dây…
Thời gian đầu thấy khó quá, dây động chút là rối, gỡ mãi không được. Nản quá, nhưng dần quen, nay chúng tôi đã là thợ lành nghề. Hiện giờ, một ngày nếu chịu khó làm khoảng 14 - 15 tiếng cũng kiếm được khoảng 300 ngàn. Nhờ nghề này mà vợ chồng tôi nuôi được các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng”.
Mặc dù đã được chị Ngây giải thích cặn kỹ, nhưng người viết vẫn không thể nắm được những công đoạn của nghề đặc biệt này. Chúng tôi tiếp tục sang lán kế bên nơi cặp vợ chồng trẻ đang miệt mài chia dây, se sợi để học hỏi.
Người đàn ông trẻ, chỉ vào những ống cước màu xanh giảng giải: “Nguyên liệu chính là những sợi dây đơn. Để tạo thành một sợi dây thừng như vậy thì mất 15 sợi đơn. Sau khi se vào nhau chúng sẽ xoắn lại (người ta hay gọi xoắn thừng). Nên dây thừng sẽ rất bền chắc, khả năng chịu lực rất tốt”.
Nghề của những cặp vợ chồng
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng công đoạn để làm ra một sợi dây thừng đem bán trên thị trường thì phức tạp và tốn rất nhiều công.
Đầu tiên, người thợ sẽ chia dây đơn vào các kẽ lược. Mỗi kẽ lược là 5 dây đơn.  Lược là một thanh gỗ nằm ngang, răng lược là những đoạn sắt nhỏ uốn hình chữ U. Khoảng trống ở giữa hai thanh sắt gọi là kẽ lược. Mỗi lược như vậy khoảng 20 - 30 kẽ.  
Những dây đơn được luồn qua kẽ lược, sau đó buộc vào một dụng cụ mà những người làm dây thừng gọi là chiếc cào. Người thợ sẽ cầm cào này di chuyển ra bãi đất trống đi qua các “ngựa”. (Thao tác này là việc để các sợi dây đơn được căng ra. Sau đó máy sẽ se chúng lại mới nhau. Một “ngựa” được cấu tạo bởi 2 trụ đứng và một trụ ngang bằng gỗ. Trụ ngang cũng cấu tạo y như 1 lược. Các dây sẽ được luồn qua lược của “ngựa”).
Tổng cộng có 11 “ngựa” như vậy, cho đoạn chiều dài 150 m. Đi một lượt, người thợ sẽ vòng lại lượt thứ hai. Về đến lán, những dây đơn được buộc vào giàn sa. Giàn sa sẽ se các sợi dây đơn khiến chúng xoắn lại với nhau. Lần đầu là 5 sợi dây đơn se thành 1 cọng. Sau đó, 3 cọng sẽ se thành 1 sợi dây thừng. Như vậy một dây thừng thành phẩm làm từ 15 sợi dây đơn. Công đoạn cuối cùng là dùng dàn quay, cuộn sợi dây thừng thành phẩm lại thành từng cuộn.
Các “thợ” ở các lán thường là cặp vợ chồng. Người vợ làm những công việc tỉ mẩn như chia dây, quấn dây. Người chồng nhận nhiệm vụ căng dây (kéo cào) và se dây.
Nghề này không thể làm một mình, luôn đòi hỏi có sự kết hợp giữa hai người. Người chia dây, người cầm cào kéo để căng dây. Người chia phải nhả dây từ từ, nếu quá nhanh sẽ rối, còn chậm người kéo sẽ rất nặng. Không may, một sợi dây đơn bị đứt hoặc bị rối (điều này diễn ra thường xuyên), người vợ sẽ ra hiệu từ xa, người chồng quay lại tìm đoạn chùng, đoạn đứt để xử lý.Công việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự phối hợp ăn ý. Vì vậy theo thời gian những người thợ sẽ rèn luyện được đức tính kiên trì, nhẫn nhịn. Đặc thù công việc như vậy nên những cặp vợ chồng ở các doanh trại dây thừng rất ít cãi vãi.
Một số công đoạn làm dây thừng
 Một số công đoạn làm dây thừng
Chị Ngây chia sẻ: “Hồi đầu, mới làm không có kinh nghiệm, dây hết rối lại đứt. Hai vợ chồng cáu gắt nhau to tiếng hoài”. Thấy vậy mấy người thợ cũ cười bảo: “Càng nóng càng rối. Đến khi nào cả ngày không cãi nhau một tiếng thì mới thành thợ giỏi”. Dần dần, chúng tôi phối hợp nhịp nhàng hơn. Mỗi lần xảy ra sự cố, cả hai bình tĩnh tìm cách sửa. Từ đó vợ chồng tôi hiểu nhau hơn, làm việc ăn ý tiếng qua tiếng lại cũng thưa dần”.
Cũng người phụ nữ này chia sẻ: “Nghề này nhìn tưởng nhàn hạ, nhưng rất vất vả. Để làm ra khoảng 100kg dây thừng, vợ chồng tôi phải thức dậy từ 3h sáng làm quần quật tới 9-10h đêm. Người đàn ông phải đi bộ kéo dây 10km. Mỗi ngày như vậy thu nhập mới được khoảng 300 ngàn”.
Làng chạy
Những người thợ dây thừng thường đùa, nhận làng mình là “làng chạy”. Ngoài công việc hàng ngày mỗi người thợ phải di chuyển 10-20 km đi bộ để kéo dây; thì việc dựng lều trại ở những bãi đất trống, khiến mỗi lần có quy hoạch hay chủ đất thu lại đất bán hoặc xây nhà, họ lại chất đồ đạc máy móc lên xe “chạy” tìm một bãi đất mới, đóng lán trại. Đặc thù như vậy nên, những người thợ dây thừng có cuộc sống rất giống cuộc sống của những người “du mục” nay đây mai đó.
Khu nhà ở của những người thợ này giản đơn chỉ là một lán dựng bằng những tre, gỗ, tấm tôn và cả những nilon cũ. Mỗi lán như vậy gọi là một trại. Khu trại vợ chồng chị Ngây ở gồm 10 gia đình.
Mỗi gia đình được chia một sạp nhỏ kiểu giống như nhà sàn của đồng bào vùng Tây Bắc nhưng thô sơ hơn. Sàn cách mặt đất khoảng 70cm, được ghép từ ván gỗ. Diện tích mỗi sạp chừng 10m2. Chỗ ở của hai gia đình được ngăn cách bằng tấm ván gỗ hoặc tôn. Vì diện tích rất nhỏ, nên trên vách nhà nào cũng lủng lẳng quần áo, xoong chậu. Bởi cuộc sống nay đây mai đó nên họ chẳng có vật dụng gì đáng giá. Một vài gia đình thì có chiếc vô tuyến xem giải trí, còn đâu ngồi bên máy thu thanh nghe thời sự.
Người thợ dây thừng không có ngày nghỉ, họ chỉ dừng tay khi trời mưa hoặc cúp điện.
 Người thợ dây thừng không có ngày nghỉ, họ chỉ dừng tay khi trời mưa hoặc cúp điện.
Người phụ nữ gốc An Giang cho biết: “Vì nền đất, xung quanh lại đầy cỏ dại nên tối ngủ sợ rắn chuột bò vào. Hơn nữa, cứ mưa là ngập nên chúng tôi phải làm kiểu “nhà sàn” như vậy”. Người ngồi phía trên nói chuyện, dưới sàn gà mẹ đang dẫn lũ con bới đất lấy chỗ làm ổ nằm tránh nắng. Sàn bên, đàn chó 6 con còn chưa mở mắt, bò lổm ngổm trên nền đất cát, bụi lấm lem.
Thu nhập theo thành phẩm, nên ai cũng cố gắng chăm chỉ. Người thợ dây thừng không có ngày nghỉ, họ chỉ dừng tay khi trời mưa hoặc cúp điện. Vì vậy, những đứa con của họ từ nhỏ đã gắn bó với máy sa, cây cào. Chúng rất ít được giao tiếp với thế giới bên ngoài. Việc dựng vợ gả chồng thường cũng chỉ bó hẹp trong trại với nhau.
Nhiệt tình chia sẻ về cái nghiệp làm dây thừng là vậy, nhưng khi phóng viên có ý muốn chụp hình, hay xin tên tuổi, những người thợ ở đây lại tỏ vẻ ngần ngại. Người thợ lâu năm nhất của doanh trại thật thà :“Nghề này tuy vất vả, nhưng nếu chịu khó chúng tôi cũng nuôi được vợ con. Hôm trước có nhà báo đến quay phim chụp ảnh, chẳng biết sao họ gọi chúng tôi là “khu ổ chuột”. Sau đó phía chính quyền đến gây khó khăn, yêu cầu chúng tôi di dời giải tỏa. Giờ mất nghề, mấy trăm lao động chúng tôi biết đi đâu mà sống?”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.