Siết tải trọng, “xe vua” vẫn hoành hành
Quản lý vận tải, phương tiện và người lái là một trong những nhiệm vụ được chú trọng thực hiện để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) năm 2014. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của hơn 80.000 xe ô tô kinh doanh vận tải, gửi thông tin về 63 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để xử lý vi phạm. Các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng xe, đưa vào hoạt động 63 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, tăng cường sử dụng cân điện tử xách tay để ngăn chặn tình trạng xe “né” trạm cân chạy vào các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ. Đồng thời kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm về xếp hàng, chở quá tải trọng cho phép trong và ngoài khu vực cảng, bến…
Từ ngày 1/4 đến hết ngày 3/11/2014, trên toàn quốc đã kiểm tra 312.041 xe, phát hiện, xử lý 46.267 xe vi phạm về tải trọng xe (chiếm tỷ lệ 14,83%). Từ 1/8 đến hết ngày 12/12/2014 đã kiểm tra xe cải tạo trái phép kích thước thùng chở hàng đối với 5.954 xe của 983 doanh nghiệp, dự án. Trong đó có 1.118 xe vi phạm, cắt thùng tại chỗ 337 xe; giữ tem kiểm định 235 xe, yêu cầu chủ xe, lái xe tự khắc phục 546 xe. Nhưng từ thực tế tại các địa phương, Ủy ban ATGT Quốc gia thừa nhận tình trạng “xe vua” (phương tiện chở quá tải trọng) vẫn còn xảy ra.
Kiểm soát tận gốc
Đó là kinh nghiệm đã được tỉnh Hà Tĩnh thực hiện và đạt kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực ngăn chặn sự hoành hành của “xe vua”. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nguồn, không để hình thành nên các “xe vua” nên cơ bản đã được giải quyết được tình hình. Đánh giá cao kinh nghiệm này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương học tập, dành số tiền xử lý “xe vua” cho việc triển khai kinh nghiệm “kiểm soát từ nguồn” của Hà Tĩnh.
Còn tại Lạng Sơn, mặc dù có nhiều nỗ lực ngay từ đầu năm đã siết chặt quản lý tải trọng phương tiện, song do địa bàn phức tạp, lực lượng mỏng nên khó khăn trong việc kiểm soát tải trọng. Nhất là đa số các “xe vua” là từ các tỉnh khác đến, hoặc chở thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, xe đông lạnh… khó cho việc hạ tải. Vì thế, ông Nguyễn Minh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị xử lý đồng bộ giữa các tuyến, nâng tiêu chuẩn kỹ thuật về tải trọng nền đường cho phù hợp yêu cầu phát triển mới.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe quá tải |
Không tán thành kiến nghị này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói cứng rắn: “Năm 2015, xe quá tải trọng sẽ đều bị phạt và quay lại hạ tải, dù chở bất kỳ loại hàng hóa nào” vì “không thể làm đường cho xe chở quá tải. Xe 10 tấn quá tải là phá hoại, nhưng xe 100 tấn mà đúng tải thì không ảnh hưởng gì đến đường”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý các địa phương tập trung xử lý “xe vua” trên địa bàn mình quản lý, không thể chờ địa phương khác làm thì mình mới làm”.
Trước đề xuất của một số địa phương về việc có qui định đối với một số hàng tải trọng lớn phải chuyển sang vận tải bằng đường sắt, đường thủy, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chỉ cần đảm bảo vận chuyển đúng tải trọng thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn hình thức vận chuyển đường thủy, đường sắt chứ không cách nào chịu được chi phí vận chuyển đường bộ vì giờ chịu được là nhờ xe chở quá tải trọng thôi”. Đồng thời, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Bộ Công an “nghiên cứu xác định mức quá tải trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự vì đó là hành vi cố tình phá hoại”.