Thông tin từ Đoàn kiểm tra sau đó cho biết, đã làm việc trực tiếp với 11 NMTĐ gồm: Nậm Pông, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Đồng Văn, Hủa Na, Nậm Mô, Bản Ang, Nậm Nơn, Xoỏng Con, Khe Bố, Chi Khê/ Đồng thời có văn bản yêu cầu chủ sở hữu các nhà máy Bản Vẽ, Ca Nan 1, Ca Nan 2, Nậm Cắn 2, Ca Lôi, Bản Cốc, Sao Va, Bản Cảnh tự kiểm tra và có báo cáo.
Trong tháng 9/2020, Sở Công Thương liên tiếp có 2 báo cáo về độ an toàn các đập và hồ chứa nước được kiểm tra lên lãnh đạo tỉnh. Qua kiểm tra, một số vi phạm ở một số NMTĐ đã được chỉ ra như: Chưa mua sắm, trang bị vật tư, thiết bị đầy đủ theo danh mục kèm theo phương án bảo vệ đập hồ chứa; Lực lượng bảo vệ chuyên trách đa số không có chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ; Chưa thực hiện nghiêm quy trình bảo vệ, tuần tra…
Trong quá trình kiểm tra còn phát hiện máy phát điện Diesel của NMTĐ Xoỏng Con không hoạt động được, trong khi đây là sự cố nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến việc đóng mở cửa van, phục vụ công tác phòng ngừa, khắc phục sự cố nếu có lũ lớn xảy ra.
Cũng theo báo cáo, hầu hết các chủ sở hữu đập, hồ chứa chưa lập kế hoạch và triển khai diễn tập theo phương án đã được phê duyệt; một số hoạt động không được cấp phép trong phạm vi bảo vệ hồ chứa như: neo đậu thuyền bè khu vực hồ chứa và hạ du đập thủy điện Nậm Nơn, nuôi cá lòng hồ tại thủy điện Châu Thắng.
Theo quyết định thành lập, nhiệm vụ của Đoàn là kiểm tra việc thực hiện các quy định hiện hành của Nhà nước về an toàn hồ đập, an toàn điện với các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, hoặc báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương xử lý. Đồng thời, tổng hợp kiểm tra báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định mọi vi phạm hành chính phải cần được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Với nhiệm vụ như trên, lẽ ra quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm, cần kiến nghị để xử lý, xử phạt các trường hợp sai phạm; nhưng Đoàn kiểm tra đã không lập biên bản với các hành vi vi phạm đến mức phải xử lý, mà chỉ lập biên bản kiểm tra và yêu cầu “khắc phục các tồn tại". Với vi phạm hoạt động trong lòng hồ, đoàn kiểm tra cũng chỉ yêu cầu chủ sở hữu đập, hồ chứa phối hợp lực lượng chức năng địa phương cấm các hoạt động không phép diễn ra trong phạm vi bảo vệ lòng hồ.
Trao đổi với PV, Trưởng Đoàn kiểm tra cho biết: Sau kiểm tra đoàn đã kịp thời báo cáo kết quả kiểm tra để UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. Còn việc phải có 2 báo cáo là nhằm chi tiết và đầy đủ hơn về phần kiến nghị, đề xuất với các nhà máy thủy điện và UBND tỉnh. “Việc kiểm tra diễn ra hàng năm, chỉ nhằm mục đích nhắc nhở các nhà máy khắc phục đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ”, vị này nói.
Có ý kiến cho rằng các vi phạm trong lĩnh vực thủy điện đã được quy định cụ thể tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP. Trước diễn biến mưa lũ rất phức tạp tại các tỉnh miền Trung như hiện nay, tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm túc, khắc phục ngay các vi phạm nêu trên, thậm chí cần đình chỉ có thời hạn việc tích nước hồ chứa thủy điện cho đến khi hoàn thành việc kiểm định an toàn, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.