Ngày 'tận số' của tội phạm ma túy tại Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
(PLO) - Mặc dù 4/5 tướng cảnh sát đương nhiệm và về hưu bị tân Tổng thống Rodrigo Duterte cáo buộc có liên quan tới hoạt động mua bán ma túy đã thanh minh, cùng tuyên bố sẵn sàng hợp tác điều tra, nhưng dư luận chung đều cho rằng, họ sẽ có hồi kết giống với tội phạm ma túy hiện nay - đến ngày tận số. Bởi ông Rodrigo Duterte đang thực hiện nghiêm túc lời hứa khi tranh cử và tại lễ nhậm chức hôm 30/6.

Ngày 6/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Cảnh sát Quốc gia Philippines (Napolcom), ông Rogelio Casurao cho biết, Napolcom đang thu thập chứng cứ có liên quan tới “hoạt động ma túy” của 3 tướng cảnh sát đương nhiệm vừa bị tân Tổng thống Rodrigo Duterte cáo buộc “đã bao che cho một số băng đảng ma túy địa phương”. 

Làm trong sạch lực lượng cảnh sát

Phó Chủ tịch Napolcom cũng thông báo, vì 2 tướng cảnh sát đã nghỉ hưu và đang bị cáo buộc có liên kết với tội phạm buôn bán ma túy, nên họ được bàn giao cho cơ quan dân sự điều tra. Và 5 nhân vật kể trên sẽ có 5 ngày để biện giải cho những cáo buộc chống lại họ.

Là một trong 5 nhân vật kể trên, cựu Giám đốc Cơ quan Huấn luyện Cảnh sát quốc gia Vicente Loot, hiện là Thị trưởng một thành phố vừa tuyên bố, cáo buộc nhằm vào ông là không đúng sự thật.

Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa cho rằng, tân Tổng thống Rodrigo Duterte có thể sẽ tiết lộ thêm những cảnh sát tham gia vào buôn bán ma túy thời gian tới. Đồng thời khẳng định, không ngần ngại đổi ngày sinh nhật của bọn tội phạm sang 2/11, ngày lễ dành cho người chết của cộng đồng Công giáo Philippines.

Ông Ronald dela Rosa cũng thừa nhận, một số cảnh sát đang chuyển từ “bảo kê” sang “trừng phạt” tội phạm ma túy. Mặc dù đang phải chấp hành án tại nhà tù New Bilibid, nhưng một số trùm ma túy khét tiếng vẫn quyết định treo giải thưởng trị giá 50 triệu peso (hơn 1 triệu USD) cho bất cứ ai giết được tân Tổng thống sau khi biết quyết tâm chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy của ông Rodrigo Duterte.

Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa là người thông báo việc này và còn cho biết, một số trùm ma túy cũng chi tiền để ám sát ông. Ông Ronald dela Rosa cũng tuyên bố, sẽ xem xét công tác quản giáo ở nhà tù New Bilibid để các trùm ma túy không thể chỉ đạo đàn em. Đồng thời cho biết, ông có bản danh sách các trùm ma túy cùng một số cảnh sát nhận tiền của chúng.

Theo giới truyền thông, chỉ 5 ngày sau khi nhậm chức, hôm 5/7, ông Rodrigo Duterte đã chính thức cáo buộc 5 tướng cảnh sát kể trên từng chống lưng cho một số băng đảng ma túy địa phương, và ra lệnh mở cuộc điều tra, làm rõ vấn đề này.

Đồng thời cảnh báo, các sĩ quan và nhân viên cảnh sát phải tuân thủ pháp luật, chỉ được phép bắn tội phạm khi đối mặt với tình thế nguy hiểm đến tính mạng và khẳng định, chiến dịch chống ma túy là một “cuộc chiến đẫm máu”.

Phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 30/6, ông Rodrigo Duterte tuyên bố, sẽ làm mọi cách để loại bỏ những kẻ buôn ma túy và các loại tội phạm khác, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ hãy "xông tới và kết liễu bọn tội phạm còn hơn để gia đình họ phải đau đớn làm điều tương tự". 

“Là luật sư và cựu công tố viên, nên tôi biết giới hạn của sức mạnh và quyền lực của Tổng thống. Tôi biết những gì hợp pháp và ngược lại”, ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh. Không những cảnh báo sẽ bắn bọn buôn bán ma túy, ông Rodrigo Duterte còn khẳng định, những cảnh sát tiếp tay cho bọn ma túy cũng bị trừng phạt đích đáng, và những nhà báo lợi dụng bài viết để đòi hối lộ cũng đáng bị bắn bỏ!

Giới truyền thông cho biết, ông Rodrigo Duterte sẽ sa thải những quan chức cảnh sát có liên quan tới ma túy, và công bố danh tính của họ trên các phương tiện truyền thông. Ông Rodrigo Duterte được gọi với biệt danh “người trừng phạt”, từ khi còn là Thị trưởng thành phố Davao.

Và ông đang kêu gọi tái lập hình phạt tử hình đã bị bãi bỏ 10 năm trước (2006-2016), cũng như cho phép cảnh sát quyền bắn chết những đối tượng chống đối khi bị bắt giữ. Bởi khi làm Thị trưởng Davao, ông Rodrigo Duterte đã cho phép cảnh sát nổ súng tiêu diệt tội phạm, nếu chúng chống đối hoặc bị đe dọa tính mạng.

Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) kiểm tra thi thể của 1 trong 5 kẻ buôn ma túy bị giết hôm 3/7 ở Manila
Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) kiểm tra thi thể của 1 trong 5 kẻ buôn ma túy bị giết hôm 3/7 ở Manila

Và mạnh tay với tội phạm ma túy

Theo thống kê, mới nhậm chức hôm 30-6, nhưng đến nay đã có ít nhất 30 kẻ mua bán ma túy bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Con số này là hơn 100 tội phạm ma túy bị giết kể từ cuộc bầu cử hơn 2 tháng trước (9/5) và gần 5.000 nghi can bị bắt trong chiến dịch chống tội phạm ma túy được phát động trên cả nước.

Đây là một tỷ lệ “đáng nể” và con số này sẽ gia tăng trong thời gian tới bởi ông Rodrigo Duterte không những ủng hộ việc bắn chết tội phạm ma túy, mà còn khuyến khích người dân tham gia tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy, nếu chúng chống lại sự bắt giữ.

Ông Wilben Mayor, người phát ngôn cảnh sát quốc gia Philippines cho biết, trước khi ông Rodrigo Duterte đắc cử, chỉ có 39 tên buôn bán ma túy bị cảnh sát bắn chết. Có người cho rằng, từ ngày 9-5 (thời điểm diễn ra bầu cử), bình quân mỗi ngày có 1 nghi phạm ma túy bị cảnh sát hoặc lực lượng dân phòng bắn chết, cao hơn so với tỉ lệ 2 người/tuần trong 4 tháng đầu năm 2016.

Giới truyền thông cho biết, những cuộc truy quét mạnh tay, không khoan nhượng đã được lực lượng cảnh sát thi hành ngay sau khi ông Rodrigo Duterte làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Bởi tân Tổng thống thề quét sạch tội phạm ma túy tại Philippines trong 6 tháng - sẽ tiêu diệt khoảng 100.000 tên.

Theo giới truyền thông, ngày 3/7, cảnh sát đã bắn hạ 5 nghi phạm buôn bán ma túy sau cuộc đấu súng gần dinh tổng thống Malacanang, thu giữ 4 khẩu súng và 200 gam ma túy đá. Ông Rodrigo Duterte từng treo giải thưởng trị giá 5 triệu peso (khoảng 108.000 USD) cho đầu của một trùm ma túy địa phương, 3 triệu peso cho “phó tướng” của chúng, còn những kẻ chịu trách nhiệm phân phối, thành viên băng đảng và những người bán ma túy nhỏ lẻ lần lượt được thưởng 2 triệu peso, 1 triệu peso và 50.000 peso.

Chỉ huy cảnh sát tỉnh Nueva Ecija cho biết, một số địa phương trong tỉnh đã phân bổ ngân sách để thưởng cho cảnh sát truy lùng tội phạm ma túy và việc trao thưởng sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Trước khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức, Thị trưởng thành phố Cebu Tomas Osmena tuyên bố, thưởng 1.000 USD cho cảnh sát nếu bắn hạ được tội phạm ma túy.

Số tiền này gấp 3 mức lương cơ bản của một nhân viên cảnh sát. Quyết định của ông Tomas Osmena được đưa ra sau khi ông Rodrigo Duterte cam kết sẽ “giết sạch hàng ngàn tên tội phạm”, và cho phép cảnh sát được quyền tiêu diệt tội phạm mà không cần xin lệnh. 

Theo giới truyền thông, lực lượng cảnh sát Philippines đang thể hiện quyết tâm trấn áp tội phạm bằng những việc làm cụ thể - nhiều nghi phạm ma túy đã bị tiêu diệt ngay tại chỗ. Chỉ trong mấy ngày cuối tháng 5, cảnh sát Philippines đã tiêu diệt 15 nghi phạm buôn bán ma túy và họ tiêu diệt chúng một cách hợp pháp - chỉ nổ súng đáp trả sau khi bị bắn trong các cuộc truy bắt.

Theo giới truyền thông, hàng trăm người sử dụng ma túy ở Philippines đã ra đầu thú và việc này diễn ra trước khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống. Ông Rodrigo Duterte cũng khẳng định, những ai giúp cơ quan chức năng chống lại tội phạm đều được khen thưởng; đồng thời đề xuất ý tưởng, trang bị vũ khí để một số người dân (phải có kiến thức tối thiểu về sở hữu súng và thực thi pháp luật) để họ chống tội phạm...

Luật sư về nhân quyền Azadeh Shahshahani cảnh báo, những vụ giết người thời gian qua là "xu hướng đáng lo ngại", còn Tổng thư ký liên đoàn luật sư Philippines Edre Olalia cho rằng, các vụ buôn bán ma túy phải được chấm dứt, nhưng những vụ nổ súng bắn hạ tội phạm cũng nên dừng lại.

Nhiều người lo ngại chính sách đàn áp tội phạm của tân Tổng thống Rodrigo Duterte có thể đẩy Philippines rơi vào tình trạng bùng phát bạo lực. Và những thông tin kể trên cũng khiến Tổng giám mục Socrates Villegas, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines quan ngại, nhất là khi nghi phạm bị cảnh sát bắn chết đang gia tăng sau khi ông Rodrigo Duterte chính thức nhậm chức.

Ông Socrates Villegas còn cho rằng, việc nhận tiền thưởng để giết người là không thể chấp nhận về mặt đạo đức! Bởi theo Tổng giám mục, cảnh sát chỉ có thể bắn chết người nếu gặp tình trạng bị khiêu khích hoặc khi bị đe dọa đến tính mạng và sự an toàn. Nhưng quan điểm của Tổng giám mục Socrates Villegas lại trái ngược hoàn toàn với những kêu gọi trước đó của tân Tổng thống.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.