Dấu hiệu khởi sắc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 9 tháng qua, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 bắt đầu khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp trong 9 tháng qua của Bộ Công Thương cho thấy, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Trong đó, các mức sụt giảm cao nhất thuộc về ngành chế biến, chế tạo - vốn luôn được coi là điểm sáng trong tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 10 năm gần đây; Ngành sản xuất và phân phối điện cũng ở vào tình trạng giảm trầm trọng khi trước đây luôn tăng trưởng 2 con số thì 9 tháng qua chỉ tăng 2,8%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như khai thác quặng kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản phẩm thuốc lá; giấy và sản phẩm; hóa chất và sản phẩm hóa chất; khai thác than cứng và than non. Một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước như sản xuất xe có động cơ; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; mô tô, xe máy; đồ uống; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; trang phục; da và các sản phẩm có liên quan...
Tuy nhiên, bước vào tháng 9, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành công nghiệp (dù tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm mạnh so với cùng kỳ). Trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế...
Đáng chú ý, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng đạt 75,6% (cùng kỳ năm trước là 72,1%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như dệt 119,3%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 108,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 104%; sản xuất chế biến thực phẩm 96,5%; sản xuất xe có động cơ 91,9%.
Chuỗi nguồn cung ổn định trở lại
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành điện tử, dệt may, da giày là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sau quý I năm nay, khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi. Đến nay, chuỗi nguồn cung đã gần trở lại như cũ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ một số nội dung tháo gỡ khó khăn sau đại dịch về nguồn tiêu thụ sản phẩm như: Kế hoạch hạn chế tác động của các yếu tố quốc tế; Bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành như dệt may, gạo, da giày nhằm đáp ứng nguồn cung để trình Chính phủ ban hành trong năm 2020...
Cùng với đó, Lãnh đạo Bộ cũng đã trực tiếp điện đàm với các cơ quan, DN của nước ngoài nhằm tránh tình trạng đứt gãy kết nối với DN, giúp duy trì và tìm kiếm nguồn cung mới với các đối tác mới, thị trường mới. Về thuế, phí, Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ các chính sách tháo gỡ khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, lùi thời hạn thuế tiêu thụ đặc biệt…
Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nói chung, sản xuất công nghiệp nói riêng, Bộ đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình để hỗ trợ tối đa cho các mặt hàng công nghiệp sớm ổn định trở lại. Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo các vụ chức năng đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường thay thế cho nhóm hàng dệt may, trước mắt tập trung vào thị trường trong nước.
Với các DN FDI trong lĩnh vực điện tử, Bộ đã có các cuộc làm việc nhằm tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các DN này với DN trong nước để có thể bước đầu tiếp cận công nghệ sản xuất, tham gia cung ứng nguyên phụ liệu và dần trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng, nhất là trong điều kiện các DN FDI đang giảm dần sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ một quốc gia. Đại diện Bộ cũng khẳng định Bộ sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.