Nỗi lo “bùa lưỡi” bủa vây trường học
“Bùa lưỡi” là những miếng giấy bìa thể có kích thước 1,5×1,5cm, in hình các nhân vật, các ca sĩ nổi tiếng hay những hình ảnh ngộ nghĩnh, bắt mắt. Mỗi bìa giấy có khoảng 25 con tem được tẩm hợp chất LSD (Axit Lysergic Diethylamide), gây ảo giác rất mạnh. Người sử dụng chỉ cần ngậm “bùa lưỡi” sẽ gây cảm giác hoang tưởng, kích thích ảo giác, rối loạn thần kinh, không kiểm soát được hành vi và gây nghiện tùy mức độ sử dụng. Nguy hiểm hơn, nếu sử dụng loại ma túy này lâu dài, LSD tích tụ dần trong cơ thể khiến cơ thể nhờn thuốc và cần liều cao hơn. Người sử dụng sẽ bị tổn thương tâm lý dẫn đến trầm cảm, tâm thần phân liệt và đối mặt với nguy cơ tử vong do sốc thuốc.
Dù với hàm lượng nhỏ nhưng “tem giấy” lại gây cảm giác thích thú, khoái chí, bay bổng cho người dùng khiến họ thấy mình như một vĩ nhân, thiên tài, ảo tưởng về việc nghe được tiếng nhạc du dương hay thấy bầu trời toàn màu hồng đẹp đẽ. Nhưng đấy là những mặt được trước mắt, còn khi đã lạm dụng thì hậu quả nguy hiểm hơn nhiều, nó không còn là những cảm giác nhẹ nhàng mà có thể xuất hiện tình trạng hoang tưởng, ảo giác mạnh. Khi không có nó, người dùng rơi vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi, biểu hiện thèm khát sử dụng.
Với đặc điểm gọn nhẹ, hình thù bắt mắt và rẻ tiền nên nhiều người cho rằng ma túy “tem giấy” phù hợp với tâm lý và túi tiền của học sinh, sinh viên. Do vậy, những bậc làm cha, làm mẹ lo lắng, hoang mang trước sự tấn công của loại ma túy trên cũng hoàn toàn có lý. Nhiều phụ huynh cho biết: ngoài giờ làm việc, họ thường xuyên lên mạng đọc thông tin về loại ma túy này và in ra để mang về cho con đọc từ đó căn dặn con đủ điều.
Chưa phát hiện nhưng vẫn phải đề phòng
Trao đổi về vấn đề trên, Thiếu tá Nguyễn Khắc Tuế, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), Công an TP Hải Phòng cho biết, hiện nay ma túy dưới dạng “tem giấy” chưa xuất hiện tại thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của mình chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới đông đảo nhân dân đặc biệt là học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy nói chung, đồng thời nhấn mạnh để mọi người nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên cảnh giác về sự xuất hiện của loại ma túy “tem giấy” như một số phương tiện thông tin đã nêu.
Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền thường kỳ lãnh đạo Công an thành phố mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Cỏong, Phó Giám đốc Công an thành phố thường xuyên có buổi tuyên truyền, trò chuyện và chia sẻ với các em học sinh, sinh viên về phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng.
Ngoài ra, Thiếu tá Tuế cũng cho biết, hiện nay nhận thức của cộng đồng, cơ quan đơn vị đặc biệt là các trường học trên địa bàn thành phố về tác hại của ma túy ngày càng nâng cao, họ thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về vấn đề này và nhiều trường học chủ động mời lãnh đạo Phòng PC47 về nói chuyện, giảng dạy cho học sinh của mình.
Thiếu tá Tuế cho biết: “Thực tế, Hải Phòng chưa xuất hiện trường hợp nào nên nếu quy chụp đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên tôi e là quá sớm”.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Giám đốc Trung tâm GDLĐXH số 2, Hải Phòng cho biết, khi các phương tiện truyền thông cảnh báo về sự xuất hiện của loại ma túy mới này, chúng tôi đã chủ động cử cán bộ, y tá của trung tâm đi xác minh và nằm vùng tại một số cơ sở và tụ điểm ma túy nhưng sau gần 1 tháng nắm tình hình thì hiện nay chúng tôi cũng chưa phát hiện ra trường hợp nào mắc nghiện loại ma túy “tem giấy” cả.
“Ma quỷ” từ các loại ma túy từ sẵn sàng gõ cửa, đe dọa bất kỳ gia đình nào nếu mỗi người trong chúng ta không nêu cao cảnh giác, chủ động phòng các tệ nạn xã hội đang ngày đêm rình rập. Việc phòng chống ma túy sẽ hiệu quả hơn nếu bắt đầu từ cảnh giác từ khi các loại ma túy chưa xâm nhập vào đời sống. Với tinh thần cảnh giác của các bậc phụ huynh và sự chủ động của các cơ quan chức năng trong việc đối phó với ma túy “tem giấy”, TP Hải Phòng sẽ ngăn ngừa nguy cơ phá hoại của loại ma túy có thể cướp đi tương lai của giới trẻ này.