Lào Cai là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, toàn tỉnh có 9 huyện, thành phố và 29 dân tộc. Địa hình rừng núi phức tạp chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đặc biệt là trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ngừng hoạt động, kéo theo đó là nhiều người lao động bị mất việc, thu nhập bị ảnh hưởng.
Trước thực tế đó, NHCSXH chi nhánh tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho lao động ngừng việc. Đồng thời, phối hợp rà soát những các hộ khó khăn, gia đình chính sách để hỗ trợ cho vay, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống trở lại.
Người dân đến giao dịch tại NHCSXH chi nhánh tỉnh Lào Cai. |
Qua thống kê, trong đợt dịch Covid-19, toàn tỉnh Lào Cai có 86 doanh nghiệp dừng hoạt động, sử dụng trên 4.900 lao động. Trong đó, số lao động bị ảnh hưởng trên 2.300 người, số lao bị chấm dứt hợp đồng 112 người, số lao động ngừng việc trên 2.100 người.
Để thực hiện công tác phòng chống dịch cũng như duy trì hoạt động giao dịch, Ngân hàng đã chỉ đạo chi nhánh các huyện, thành phố thực hiện việc phòng, chống dịch với tinh thần chủ động, có phương án hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân.
Nắm bắt những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với sản xuất kinh doanh của các khách hàng vay vốn, để có biện pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn NHCSXH tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay bổ sung khôi phục sản xuất kinh doanh. Riêng đối với các xã bị khoanh vùng, cách ly để phòng chống dịch, NHCSXH ngay lập tức áp dụng biện pháp tạm dừng thu nợ gốc, thu lãi cho đến khi có thể tổ chức hoạt động giao dịch bình thường.
Ông Phan Thanh Sơn - Trưởng phòng Hành Chính – Tổ chức, NHCSXH Lào Cai - cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, ngành gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, bởi đặc thù của ngân hàng là phục vụ các đối tượng chính sách, mà hoạt động giao dịch gần như dậm chân tại chỗ. Không như các ngân hàng thương mại, đối với NHCSXH, địa điểm tổ chức giao dịch thường là tại UBND các xã… Do vậy, khi người dân đến giao dịch, việc thực hiện cách ly rất khó khăn, vừa giao dịch vừa phải đảm bảo an toàn cho người dân và cán bộ ngân hàng như: Tuân thủ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang…
Song song với việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch. Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất của nhân dân, ngay sau khi hết giãn cách xã hội, NHCSXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại hộ nghèo, gia đình chính sách, thực hiện công tác đối chiếu, phân loại nợ của hộ vay… Trên cơ sở đó, xây dựng phương án nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách.
NHCSXH Lào Cai cũng tiến hành niêm yết các nội dung liên quan đến chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động. Đồng thời, chuẩn bị nguồn vốn để giải ngân cho vay kịp thời, bố trí bộ phận tiếp nhận, giải quyết những vướng mắc của khách hàng trong quá trình hoàn thiện các thủ tục vay vốn.
Theo ông Sơn, hiện nay ngân hàng đang tiếp tục thực hiện các chương trình cho vay hộ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, vay nhà ở xã hội... Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, thực hiện lồng ghép nguồn vốn ưu đãi với việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo tại địa phương.
Với kế hoạch tăng trưởng 8% như đã đề ra trong năm, sau dịch Covid-19, NHCSXH tỉnh đang tập trung cho vay để tăng trưởng dư nợ. Đặc biệt là tập trung vào một số vùng sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất trở lại sau thời gian đình trệ do dịch bệnh.
Tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh bám sát cơ sở, tổ chức giao dịch trở lại; tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường khảo sát xác định những hộ đủ điều kiện vay để làm ủy thác cho vay… Ngoài ra, ngân hàng còn trích ra một khoản quỹ hơn 50 triệu đồng hỗ trợ chi nhánh NHCSXH các huyện, thành phố hoạt động ổn định trở lại.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi cùng với việc chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần giải quyết kịp thời giải quyết nhu cầu vay vốn ở địa phương, NHCSXH Lào Cai đã trở thành địa chỉ tin cậy, tiếp sức cho người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách ở địa phương vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, bền vững thoát nghèo.