Một cuộc không kích của Nga được thực hiện ở Homs, Syria. Ảnh: AP |
Căng thẳng gia tăng
Theo Washington Post, việc Nga điều động không quân can thiệp sâu vào tình hình ở Syria có nguy cơ gây ảnh hưởng tới những chiến lược mà Mỹ đang theo đuổi tại đây, giữa lúc các quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố họ bước đầu đạt được tiến triển trong cuộc chiến chống IS.
Động thái của Moscow đồng thời còn làm sâu sắc hơn mối bất đồng quan điểm giữa Nga và Mỹ về tương lai của Syria. Ông chủ Điện Kremlin hồi đầu tuần tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhấn mạnh sự ổn định của chính quyền Syria là chìa khóa giải quyết khủng hoảng kéo dài suốt 4 năm qua ở quốc gia này. Song, người đứng đầu Nhà Trắng phản bác rằng "thế cân bằng" mà ông Putin nhắc tới không thể đứng vững.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết máy bay chiến đấu nước này đã thực hiện khoảng 20 đợt tấn công nhằm vào các địa điểm mà IS kiểm soát. Các cơ quan truyền thông nhà nước Syria cũng nói phi cơ Nga xới tung nhiều "sào huyệt" của IS ở Rastan, Talbiseh và Homs.
Nhưng giới chức Mỹ lại tỏ ra nghi ngờ trước các thông báo từ phía Nga và Syria bởi theo thông tin của Washington thì những khu vực xung quanh Homs không phải là thành trì của quân khủng bố. Họ cho rằng mục tiêu của các đợt dội bom của Nga là những lực lượng nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà Mỹ và phương Tây đang huấn luyện.
Charles Lister, chuyên gia từ Trung tâm Brookings Doha, đánh giá những cuộc tấn công này dường như là một phần của nỗ lực nhằm làm suy yếu các thế lực chống đối chính quyền Assad chứ không phải IS.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn khẳng định những mục tiêu Moscow hướng tới hoàn toàn giống với "các nhóm khủng bố" mà liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công bấy lâu nay.
Nguy cơ đụng độ
Theo giới phân tích, ngoài việc khiến căng thẳng Nga - Mỹ tiếp tục leo thang thì các cuộc không kích của Moscow còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới những tình huống chạm trán bất ngờ trên thực địa mà không bên nào mong muốn xảy ra.
Trong tương lai, nếu cả hai siêu cường vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch không kích của riêng mình và những mối bất đồng khiến họ ngừng việc liên lạc, thông báo cho nhau về kế hoạch dội bom thì khả năng xảy ra rủi ro là không tránh khỏi.
"Bạn không có thời gian để báo cáo sự việc lên tới cấp tổng thống khi mà hai phi cơ đang lao vào nhau với vận tốc 32 km/h", Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói.
Việc Nga hành động quá gấp gáp và báo tin cho phía Mỹ chóng vánh, chỉ một giờ trước khi tiến hành không kích, cũng khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về một nguy cơ đụng độ trên không có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
"Đó không phải là cách mà những nước có trách nhiệm thường làm", một quan chức Mỹ giấu tên bình luận.
Thái độ cứng rắn của Mỹ cũng là một yếu tố khiến rủi ro tăng cao. Cáo buộc Nga đang "đổ thêm dầu vào lửa", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 30/9 tuyên bố phi công Washington vẫn sẽ tiếp tục các chiến dịch không kích nhằm vào IS ở Syria, bất chấp việc Moscow yêu cầu máy bay Mỹ tránh xa khỏi khu vực chiến đấu cơ Nga hoạt động.
Theo National Post, Washington cùng ngày đã thực hiện một số đợt dội bom gần thành phố Aleppo của Syria nhưng không thông báo cho Moscow biết về địa điểm cũng như thời gian hành động.
"Không, chúng tôi không báo", một quan chức Mỹ nói. "Việc không kích này đòi hỏi tính bất ngờ", ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, trái ngược với sự lo ngại của nhiều người, quan sát viên Emma Ashford lại cho rằng nguy cơ xảy ra đụng độ Nga - Mỹ ở Syria là không đáng lo ngại. Thay vào đó, các nhà lập pháp Mỹ nên nhìn vào những khía cạnh tích cực của bước phát triển mới này.
Sự đóng góp của Nga vào tình hình tại Syria sẽ giúp giải tỏa một số sức ép mà Mỹ đang phải gánh liên quan đến việc giải quyết tình trạng hỗn loạn ở khu vực này. Dù Nga từ trước đến nay đều lên tiếng ủng hộ chính quyền ông Assad, trái ngược với Mỹ, nhưng đề nghị thành lập một liên minh mới chống IS của Tổng thống Putin là hoàn toàn chính đáng.
Thực tế, cái bắt tay giữa Mỹ với các lực lượng do Nga và Iran hậu thuẫn ở Syria có thể là cách hữu hiệu nhất để làm suy giảm sức mạnh của IS trong dài hạn.
Mặt khác, số lượng máy bay chiến đấu mà Nga cam kết điều động tới Syria khá ít ỏi, chỉ vỏn vẹn 32 chiếc, kết hợp với việc nước này hiện phải đối mặt với khá nhiều khó khăn như tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine, lệnh phong tỏa, cấm vận của phương Tây khiến kinh tế lao dốc... nên khả năng Nga duy trì hiện diện lâu dài ở Syria là không cao, Ashford nhận định.
Theo ông Dave Deptula, trung tướng về hưu thuộc không quân Mỹ, mức độ rủi ro cũng được giảm thiểu bởi các giới hạn đặt ra đối với năng lực triển khai của quân đội Mỹ ở Syria.
"Hoạt động của không quân Mỹ ở Syria không quá mạnh mẽ", ông Deptula, hiện là giám đốc Viện nghiên cứu Không gian Vũ trụ Mitchell, nhận xét.
Paul Schwartz, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói nguy cơ xảy ra một cuộc không chiến giữa Mỹ và Nga trên bầu trời Syria là rất hãn hữu.
"Đôi bên đang cố gắng hết sức để tránh những xung đột kiểu như vậy", Schwartz nói.
Theo ABC News, các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ hôm qua đã kịp tổ chức một phiên thảo luận bàn về cách thức để né tránh kịch bản va chạm trên không ở Syria khi mà đôi bên cùng tiến hành không kích.
Peter Cook, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, miêu tả cuộc họp qua mạng này diễn ra trong không khí "thân tình và chuyên nghiệp". Mỗi nước đều đưa ra nhiều đề xuất khác nhau nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến với các phi công của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Hai nước cũng đàm phán để thống nhất một tần số quốc tế dành cho các cuộc gọi khẩn cấp cũng như ngôn ngữ sử dụng khi liên lạc qua điện đàm.
"Mục tiêu của những cuộc đối thoại này là nhằm tìm ra cách hiệu quả và chuyên nghiệp nhất để các phi đội của chúng tôi không phạm sai lầm hoặc đưa ra những tính toán thiếu chính xác", ông Cook nhấn mạnh.
Khu vực kiểm soát của các lực lượng ở Syria. Đồ họa: NYTimes |