Mới đây, nền tảng Quản lý trường học MISA QLTH do Công ty Cổ phần MISA phát triển đã làm lễ ra mắt do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Nền tảng này không chỉ giúp thầy trò dạy và học trực tuyến mà đặc biệt còn tích hợp thanh toán các khoản thu trực tuyến.
Tích hợp tất cả nghiệp vụ giáo dục trên một nền tảng
Đáp ứng kịp thời yêu cầu chuyển đổi số ngành Giáo dục, MISA QLTH đã ứng dụng các công nghệ số mới nhất để hợp nhất mọi nghiệp vụ quản lý giáo dục trên một hệ thống. Nền tảng được phát triển từ năm 2013, hiện đang ứng dụng tại hơn 18.000 trường học, 248 Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng 48 Sở Giáo dục và Đào tạo.
Được nghiên cứu và phát triển dựa trên các công nghệ mũi nhọn 4.0 như Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud) và Dữ liệu lớn (Big Data), MISA QLTH không chỉ là trợ thủ đắc lực cho các đơn vị quản lý giáo dục, nhà trường mà còn góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia toàn ngành, hướng tới chuyển đổi số ngành và một nền giáo dục thông minh. Việc cung cấp và ứng dụng nền tảng quản lý trường học hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình về trường học số.
MISA QLTH tập trung vào 4 mảng chính gồm: quản lý giáo dục, quản lý trường học, cổng thông tin nhà trường - phụ huynh và phân tích dữ liệu giáo dục với đầy đủ nghiệp vụ: Tuyển sinh trực tuyến, Quản lý hồ sơ học sinh, Thời khóa biểu, Dạy và học trực tuyến, Thi kiểm tra trực tuyến, Quản lý Cán bộ công chức viên chức, Dinh dưỡng, Thiết bị, Thư viện, Khoản thu, Tài liệu…
Việc tích hợp tất cả nghiệp vụ trên một nền tảng của MISA QLTH giúp các đơn vị quản lý cấp Bộ, ngành và nhà trường dễ dàng tổng hợp và xem tất cả các báo cáo chi tiết theo realtime (thời gian thực), hỗ trợ công tác quản lý hiệu quả, minh bạch. Nền tảng cũng đã kết nối Cổng dữ liệu quốc gia của ngành Giáo dục và Đào tạo, mọi số liệu đều báo cáo liên cấp nhanh chóng và cập nhật trên cổng dữ liệu chung theo đúng tiêu chuẩn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Ra mắt phần mềm quản lý trường học. |
Theo chủ trương thanh toán học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt của Chính phủ, MISA QLTH đã kết nối hệ thống nhiều ngân hàng lớn, trung gian thanh toán như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MSB, VNPAY hay ví điện tử ViettelPay, để phụ huynh có thể nộp học phí trực tuyến, không cần mất thời gian chờ đợi tại trường. Điều này còn hỗ trợ nhà trường tự động ghi nhận biến động khoản thu và làm báo cáo nhanh chóng, chính xác hơn.
Bên cạnh đó, thông qua Dịch vụ chia sẻ thông tin Nhà trường – Phụ huynh SISAP được tích hợp trên nền tảng, phụ huynh nhận được thông tin chi tiết khoản thu và thanh toán trực tiếp trên ứng dụng. Giáo viên cũng có thể trao đổi và gửi thông báo quan trọng khác tới phụ huynh kịp thời về kết quả học tập, rèn luyện, thời khóa biểu, sự kiện… của từng học sinh qua ứng dụng này.
Hướng đến xây dựng nền tảng mở, MISA QLTH sẵn sàng kết nối đối tác thứ 3 vào nền tảng như: Cổng thanh toán trực tuyến, Hóa đơn điện tử, Chữ ký số, Phần mềm kế toán, Chia sẻ thông tin nhà trường - phụ huynh, công cụ dạy và học trực tuyến, kho học liệu số… Đây cũng là điểm nổi bật của MISA QLTH trên thị trường, nền tảng mở giúp các bên cùng tương tác trao đổi thông tin và tăng tính liên thông dữ liệu giữa các phần mềm, giảm bước ghi nhận số liệu thủ công, chồng chéo như trước.
Giáo dục - 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số
Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030, ngành Giáo dục là trọng điểm cần phải ưu tiên chuyển đổi số trước.
“Việc ra mắt các nền tảng công nghệ "Make in Vietnam" liên quan đến ngành Giáo dục có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy và học mà còn góp phần gìn giữ chủ quyền số quốc gia, khi dữ liệu cơ bản nguồn nhân lực của Việt Nam nằm trong nền tảng số "Make in Vietnam". Từ nguồn dữ liệu nhân lực này sẽ góp phần rất lớn phục vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao nỗ lực bền bỉ của MISA trong suốt 30 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; kiên trì, bền bỉ một chiến lược sản xuất và làm ra sản phẩm thương mại đóng gói. Đây là một thành tựu không nhiều doanh nghiệp trong ngành Công nghệ thông tin đạt được.
Ông Dũng cũng bày tỏ tin tưởng và hy vọng rằng nền tảng quản lý trường học sẽ liên tục được cập nhật, điều chỉnh, tiếp thu để phục vụ tốt hơn nhu cầu thực tế và được nhiều cơ sở giáo dục sử dụng hơn nữa. Ông cũng bày tỏ mong muốn MISA tiếp tục ra mắt thêm các nền tảng phục vụ công tác chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ về sự phát triển của nền tảng, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA, đơn vị phát triển nền tảng này cho biết: Đây là một hệ sinh thái nền tảng kết nối tất cả các nghiệp vụ trong trường học, kết nối trường học lên Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo. Từ nguồn dữ liệu kết nối này sẽ cho ra báo cáo của từng trường, địa phương về năng lực của học sinh để từ đó có những điều chỉnh hợp lý.
Như lời ông Dũng nói trên, giáo dục được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số với 4 mục tiêu chính bao gồm: dạy và học trực tuyến; đưa công nghệ vào công tác thanh tra, kiểm tra; xây dựng học liệu số và cơ sở dữ liệu quốc gia toàn ngành. Chuyển đổi số trong giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước, cả trước mắt và lâu dài.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội - di động - phân tích dữ liệu lớn - điện toán đám mây) đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số.
Theo đó, nhiều mô hình giáo dục thông minh đang được phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ đắc lực việc cá nhân hóa học tập (mỗi người học một giáo trình và một phương pháp học tập riêng không giống với người khác, việc này do các hệ thống công nghệ thông tin thực hiện tự động); làm cho việc truy cập kho kiến thức khổng lồ trên môi trường mạng được nhanh chóng, dễ dàng; giúp việc tương tác giữa gia đình, nhà trường, giáo viên, học sinh gần như tức thời...
Với ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Giáo dục càng chú trọng hơn bao giờ hết việc áp dụng các nền tảng công nghệ nhằm giữ vững chất lượng giảng dạy và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Trước những thách thức do dịch bệnh gây ra đối với ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh: “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiên trì với chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, không chỉ trong mùa dịch này mà còn phát triển trong thời gian tiếp đó. Từ đó biến “nguy” thành “cơ” và có được những kết quả tốt”.