Tại cuộc Hội thảo khoa học “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” vừa diễn ra, đa số đại biểu cho rằng, phát triển xanh là một trong những con đường để doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu mạnh, phát triển bền vững.
Nhiều tiềm năng
Phát triển xanh hay còn gọi là tăng trưởng xanh được hiểu là sự gia tăng kinh tế gắn với các yếu tố tự nhiên, đảm bảo sự trong lành, không hóa chất độc hại, bền vững. Trong bối cảnh môi trường xã hội đang ngày càng ô nhiễm, thực phẩm bẩn tràn lan thì việc phát triển thương hiệu cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng gắn với các tiêu chí xanh, sạch được nhiều người chú ý.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng (Cty Nielsen Việt Nam) cho biết, nhiều khảo sát cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưa chuộng và quan tâm đến những sản phẩm xanh, sạch. “Sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam”, bà Hà khẳng định sau khi cty của bà có những khảo sát tỷ mỉ.
Theo khảo sát, 5 yếu tốt hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam gồm: có lợi cho sức khỏe; sản phẩm hữu cơ, tự nhiên; niềm tin vào nhãn hàng; thân thiện với môi trường và có cam kết về giá trị xã hội.
“Người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch””, bà Hà nhấn mạnh. Dẫn chứng cho nhận định trên, đại diện Nielsen Việt Nam cho biết, theo khảo sát thì có đến 80% người tiêu dùng Việt lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo, 79% sẵn sàng trả tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn. Khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng có nhu cầu cao đối với các sản phẩm có cam kết bền vững gắn với thương hiệu xanh và sạch.
Theo đại diện Nielsen Việt Nam, do tâm lí người tiêu dùng thích sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe nên cơ hội, tiềm năng cho các DN có cam kết sản phẩm xanh và sạch là rất lớn. Khảo sát cho thấy, những DN có cam kết này có mức tăng trưởng bình quân khoảng 4%/năm, trong khi các DN không có cam kết điều này thì tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 1%/năm.
Đặc biệt, với nhóm ngành thực phẩm và nước giải khát, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “Sạch” có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với thị trường từ 2,5% - 11,4%.
Nhiều thách thức
Theo ông Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Bộ Công Thương), nhiều DN ở Việt Nam có xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu. Ông Trường dẫn chứng, Tập đoàn Thế giới Di động có các chuỗi siêu thị “Bách hóa xanh”, “Điện máy xanh”; Khu đô thị Ecopart cũng lấy hình lá cây và màu xanh để phát triển thương hiệu; bóng đèn Điện Quang sử dụng các yếu tố thân thiện với môi trường để phát triển sản phẩm. “Tất cả những DN trên đều lấy màu xanh làm chủ đạo để phát triển thương hiệu, gắn với bảo vệ môi trường. Đó là điều tích cực”, ông Trường nói.
Ông Trường còn cho rằng, vũ khí để xây dựng thương hiệu xanh, sạch ngoài việc tuyên bố trong truyền thông thì các DN cần phải “nói đi đôi với làm”, đã cam kết thì phải thực hiện để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ông Trường dẫn chứng ví dụ điển hình là trường hợp của thương hiệu Cam Vinh.
Theo đó, dù đây là DN nhỏ nhưng tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đăng ký nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ. Đặc biệt họ cam kết cam sạch, không hóa chất bảo quản, không thuốc bảo vệ thực vật, trực tiếp giao hàng. “Tôi đã thử mua cam này một lần, họ nói cam được hái trước khi giao hàng chỉ một ngày. Khi mua xong, nhìn cam vẫn tươi mới, rõ ràng họ thực hiện đúng cam kết”, ông Trường nói. Cũng theo vị này, để xây dựng thương hiệu, các DN cần lưu ý đến uy tín, nói đi đôi với làm để tránh việc người tiêu dùng tẩy chay, không tin tưởng vào độ xanh và sạch.
Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là kinh phí để xây dựng thương hiệu theo hướng phát triển xanh. Để xây dựng thương hiệu theo hướng này, DN phải bỏ ra nhiều vốn hơn, tốn kinh phí hơn; do đó giá cũng đắt hơn.
“Khó khăn lớn nhất của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ là vấn đề vốn và công nghệ. Phần lớn các DN loại này thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Hơn nữa, công nghệ xanh trên thế giới có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam có nhiều hạn chế”, ông Vũ Xuân Trường băn khoăn.
Theo chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh, Việt Nam phấn đấu có khoảng 10 thương hiệu có tiếng trên thế giới. Dù số lượng không quá nhiều nhưng để có được 10 DN có thương hiệu như mong muốn thì còn nhiều việc phải làm.
Ông cũng cho rằng, nếu không biết phát triển các thương hiệu nông sản có thế mạnh như gạo, cà phê, tôm… thì DN Việt Nam mãi thiếu sức cạnh tranh và ít mang lại giá trị kinh tế. “Không có thương hiệu thì tốt biết mấy sản phẩm của chúng ta vẫn không được giá”, chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Chương trình xúc tiến thương mại dài hạn của Chính phủ, nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị: Chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong.