Đảm bảo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ tăng cường tiếp cận vaccine và năng lực Hệ thống Y tế để Việt Nam Ứng phó với COVID-19” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua UNDP.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao cơ hội Việt Nam được tiếp cận công nghệ mới mRNA để phục vụ cho việc sản xuất vaccine. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả tính bền vững tài chính của hoạt động chuyển giao công nghệ mới này đòi hỏi Việt Nam phải xem xét cẩn thận các bước, thời gian, quy mô, nguồn vốn đầu tư cần thiết cũng như tập trung phát triển, nâng cao chuyên môn.
Ông Patrick Haverman phát biểu khai mạc. |
Theo ông Haverman, kết quả của các nghiên cứu sẽ cung cấp thêm thông tin cho những cân nhắc này. Sự phối hợp giữa các cục, vụ, viện, doanh nghiệp, chuyên gia cao cấp và các đối tác quan trọng tại hội thảo sẽ góp phần xây dựng một chiến lược quốc gia hiệu quả nhằm tăng cường tiếp cận vaccine tại Việt Nam và khu vực rộng hơn trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các nghiên cứu viên đã chia sẻ những phát hiện của 3 nghiên cứu bao gồm: tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển và sản xuất vaccine nội địa; lập bản đồ năng lực sản xuất vaccine hiện tại của Việt Nam; các chính sách và thủ tục cấp phép vaccine quốc tế, bao gồm kinh nghiệm cấp phép vaccine COVID-19 quốc tế.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS.BS Ong Thế Duệ, Phó trưởng Khoa Tài chính y tế và đánh giá công nghệ y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, sau đại dịch COVID-19 đã hiện ra một bức tranh rõ nét trong vấn đề sản xuất vaccine COVID-19 nói riêng và sản xuất vaccine nói chung...
Thời gian qua, năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển vaccine; mở rộng hợp tác quốc tế.
Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine khu vực
Đánh giá về thế mạnh trong sản xuất vaccine của Việt Nam, TS Nguyễn Khánh Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, Việt Nam có bề dày kinh nghiệm sản xuất vaccine với 4 doanh nghiệp nhà nước và một số cơ sở tư nhân đều đạt GMP; Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ sản xuất vaccine bởi trước đó đã làm chủ công nghệ như: vaccine bất hoạt, vaccine giải độc tố, vaccine tiểu đơn vị…
Việt Nam cũng là một trong số ít nước gần như chủ động toàn bộ vaccine trong tiêm chủng mở rộng (10/11 vaccine). Năm 2015 hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đã đạt được chứng nhận “Hoạt động tốt” theo Bộ công cụ đánh giá vaccine của WHO.
TS Nguyễn Khánh Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế chia sẻ tại Hội thảo. |
Để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine khu vực, theo TS Nguyễn Khánh Phương, chúng ta cần tập trung các hoạt động chủ chốt. Thứ nhất là công tác phát triển nhân lực; trong đó, tham gia chương trình đào tạo sản xuất vaccine của WHO; hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ từ công ty đa quốc gia cho các công ty trong nước; xây dựng chiến lược phát triển nhân lực sản xuất vaccine và sản phẩm sinh học
Hai là, xây dựng cơ sở sản xuất; bao gồm xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể cơ sở sản xuất vaccine; xây dựng Dự án đầu tư nâng cao năng lực mạng lưới sản xuất vaccine; thành lập Trung tâm quốc gia nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Ba là, nâng cao quản lý chất lượng. Theo đó, các cơ sở sản xuất duy trì GMP (thực hành sản xuất tốt); Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế phát triển các quy trình kỹ thuật cập nhật mới, nâng cao năng lực của Viện…
Bốn là, nâng cao năng lực cơ quan quản lý vaccine. Cụ thể, Bộ Y tế xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý, đặc biệt về chuẩn bị cho đại dịch; đẩy nhanh tiến trình đạt chứng nhận NRA của WHO; Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo nâng cao phát triển nhân lực và đào tạo về vaccine.
Nhiệm vụ thứ năm là xây dựng chính sách hỗ trợ. Cần có cơ chế điều phối chính sách hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất vaccine; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế giá vaccine tiêm chủng mở rộng phù hợp và công bằng; có chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ thành công.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đánh giá cao bộ tài liệu chuyên sâu kết quả nghiên cứu sản xuất vaccine. Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, để nâng cao khả năng tiếp cận và sản xuất vaccine tại Việt Nam, thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao năng lực của các nhà sản xuất vaccine, trung tâm nghiên cứu cần phát triển, nâng cao năng lực của các trung tâm thử nghiệm lâm sàng.
PGS.TS Lê Văn Truyền trao đổi tại Hội thảo. |
“Sau chuyến đi thực tế tại các tỉnh Điện Biên, Đắk Lắk thì có hai vấn đề đặt ra. Một là, chúng ta phải có ít nhất 2 trung tâm thử nghiệm lâm sàng tiếp cận trình độ thế giới… Hai là, còn thiếu tổ chức độc lập để giám sát và thử nghiệm, tổ chức thẩm định dữ liệu”- PGS.TS Lê Văn Truyền nêu rõ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng như đánh giá tài liệu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế trong phát triển và sản xuất vaccine trong nước, tập trung vào việc lập bản đồ năng lực sản xuất vaccine hiện tại của Việt Nam và cung cấp những thông tin có giá trị cho việc lập kế hoạch trong tương lai; đề xuất lộ trình đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực; rà soát toàn diện các quy định liên quan đến cấp phép sản xuất vaccine quốc tế tại Việt Nam...