Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến cuối 2015 cả nước đã xây dựng 11.637 TSPL xã, phường, thị trấn và 60.308 TSPL cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Ngay từ khi mới ra đời, TSPL đã thực sự đã trở thành một địa chỉ để người dân địa phương đến tìm đọc, tra cứu thông tin pháp luật khi có nhu cầu, khuyến khích việc tìm hiểu chính sách pháp luật trong nhân dân. Đồng thời, mô hình này cũng là một kênh cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, đầy đủ, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của internet cùng các phương tiện truyền thông hiện đại thì mô hình TSPL gặp phải không ít những thách thức trong việc tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò tích cực vốn có. Ví dụ như tại Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có hơn 2.800 TSPL, mỗi tủ có khoảng 30 – 400 đầu sách về rất nhiều các lĩnh vực, nội dung như Hiến pháp, luật, nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, các tài liệu phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ… Nhưng trái ngược với sự đa dạng đó, việc sử dụng, tìm đọc các loại sách này lại rất hạn chế khi trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 100 lượt người đọc hoặc mượn sách tại mỗi tủ sách.
Còn tại một số xã thuộc thành phố Nha Trang, mỗi tủ sách được đầu tư khoảng 2 triệu đồng nên ngoài các đầu sách pháp luật còn có thêm nhiều sách thuộc các lĩnh vực khác như y tế, nông nghiệp, văn hóa… Các đầu sách được sắp xếp khá gọn gàng, dễ tìm kiếm, tủ sách thường được đặt ở nhà văn hóa xã để thuận tiện cho đông đảo người dân tìm đến. Tuy nhiên theo thống kê, TSPL của mỗi xã mỗi năm chỉ có khoảng gần 200 người đến mượn và tham khảo tại chỗ, hy hữu có những xã không có người dân nào đến sử dụng tủ sách. Trong số người đến mượn và đọc sách, phần lớn là cán bộ thôn còn cán bộ, công chức, người dân rất ít sử dụng bởi họ thường truy cập internet để tìm hiểu vì vừa nhanh vừa tiết kiệm thời gian.
Không chỉ tại riêng hai địa phương trên mà đây còn là thực trạng chung đáng buồn xảy ra tại rất nhiều nơi trên cả nước. Do vậy, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, quản lý và khai thác TSPL là đòi hỏi thực tiễn vô cùng cần thiết để qua đó có thể nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tìm hiểu, tiếp cận pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.
Muốn vậy, các ngành, địa phương cần có sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh khai thác, sử dụng hiệu quả các TSPL. Thiết nghĩ, ngoài TSPL truyền thống, nên phát triển các loại hình mới như ngăn sách tại trụ sở thôn, túi sách pháp luật cho các trưởng thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa kết nối mạng internet để người dân tranh thủ ngoài thời gian lao động tìm hiểu, tham khảo tài liệu pháp luật. Song song với đó, cần xây dựng các TSPL điện tử để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý của người đọc hiện nay.
Các địa phương cũng cần chú trọng tới việc bổ sung mua sách, tài liệu mới để cung cấp cho TSPL, phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Định kỳ thực hiện luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu giữa các TSPL, giữa TSPL cấp xã, phường với các cơ quan, đơn vị thông tin cơ sở như thư viện, bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng…
Ngoài ra, có thể xã hội hóa tủ sách bằng việc vận động cơ quan, tổ chức, người dân, bạn đọc tham gia đóng góp sách cho tủ sách, đồng thời khuyến khích các cá nhân tham gia quản lý loại hình tủ sách tự quản này để phục vụ tốt hơn công tác thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở. Đặc biệt, tủ sách cần đặt tại một vị trí thích hợp để cán bộ và nhân dân đến tìm đọc được thuận lợi, đối với TSPL cấp xã, có thể đặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã để đông đảo người dân biết đến.