Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao những kết quả quan trọng đạt được trong công tác xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp. Tuy nhiên, so với yêu cầu, hệ thống pháp luật và hiệu quả cải cách tư pháp ở nước ta còn xa với mong đợi của nhân dân và quá trình phát triển. Rõ nhất là hệ thống pháp luật thiếu, chồng chéo, nhiều quy định lạc hậu, xa cuộc sống, thậm chí có quy định cản trở sự phát triển hay biểu hiện của “lợi ích nhóm”... Vì vậy, ông Hiểu đề nghị các đại biểu và cử tri tham dự cùng nhìn nhận thực trạng, chỉ rõ những hạn chế đang nằm ở khâu nào, quy trình nào, yếu tố nào để đề xuất giải pháp, sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Hoan nghênh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Chu Mạnh Hùng cho biết, trong số ĐBQH khóa XIV, có 78 đại biểu nguyên là giảng viên, cựu sinh viên, học viên của Nhà trường. Đây là điều đáng mừng với quá trình đào tạo, phát triển của Nhà trường vốn tích cực tham gia hoạt động của ngành Tư pháp cũng như trong hoạt động xây dựng pháp luật. Ông Hùng cho biết, mong muốn của Nhà trường là có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp xúc với các Đoàn ĐBQH để được chia sẻ, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm xây dựng pháp luật và truyền tải trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường.
Thừa ủy quyền của UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Tâng trình bày báo cáo đã nêu những kết quả nổi bật của công tác xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, do vẫn còn một số hạn chế nên để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp, bên cạnh các giải pháp khắc phục của địa phương, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu hướng dẫn cụ thể về quy trình xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng pháp luật, ban hành quy định cụ thể về kinh phí cho công tác xây dựng và đánh giá tác động của chính sách; hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng theo quy định của Luật Công chứng…
Tại Hội nghị, các cử tri đã nêu lên nhiều kiến nghị thẳng thắn đối với Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. GS Nguyễn Minh Đoan, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, UBND TP đã nhìn nhận là “chưa có cơ chế huy động hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, luật sư vào quá trình xây dựng pháp luật”. Vậy thì thành phố Hà Nội nên chủ động đề xuất cơ chế này. GS Nguyễn Đăng Dung lại đề xuất cần làm tốt phân tích chính sách để các cơ quan được giao soạn thảo thấy được trọng trách của mình trong việc xây dựng luật.
Theo TS Tô Văn Hòa, Đại học Luật Hà Nội, phải đề cao quyền lập pháp của Quốc hội, Quốc hội phải chịu trách nhiệm chính về sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, việc xây dựng pháp luật cần được tiếp cận dưới góc nhìn quyền của người dân, vì nhiều luật được ban hành mang tính hướng dẫn cơ quan nhà nước làm công việc của mình nhiều hơn là nói về quyền của công dân.
Đồng tình, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Văn Huyên chỉ ra thực tế là nhiều luật vẫn tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước, tạo rào cản đối với người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn như Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định luật sư chỉ được hỏi bị can, nếu điều tra viên đồng ý, dễ dẫn đến lạm quyền. Bởi thế, ông Huyên kiến nghị nên mở rộng thành viên Ban soạn thảo các dự án luật là các nhà khoa học để có tiếng nói phản biện độc lập, khách quan.