Chất thải rắn “tung tăng” xuống phố
Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, riêng lượng chất thải rắn phát sinh từ xây dựng chiếm khoảng 25%. Lượng rác thải rắn một phần được chuyển tới 4 bãi tập kết do các đơn vị vệ sinh môi trường (VSMT) xã hội hóa phối hợp với các chủ sở hữu đất lập ra để chôn lấp là: Vân Nội, Nguyên Khê (Đông Anh), Vĩnh Quỳnh (Thường Tín) và bãi tại huyện Đan Phượng...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu hiện các bãi này đã quá tải và có thể đóng cửa vào năm 2019. Đáng chú ý, theo quy hoạch của UBND TP Hà Nội, hiện đã có chủ trương lập 14 điểm tập kết, xử lý phế thải xây dựng, vậy nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có quỹ đất để bố trí thực hiện.
Hệ lụy là, ngoài số lượng được các đơn vị VSMT chở đi chôn lấp thì hàng ngày, hàng giờ, còn một lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt, chất thải phát sinh từ xây dựng đều do các đơn vị hoặc cá nhân không chuyên, tự phát, vận chuyển đi đổ “trộm” xuống các ao hồ hoặc bãi đất trống.
Điều này có thể thấy rải rác tại các quận, huyện ngoại thành như: Đông Anh, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm... Nạn đổ trộm rác thải này đang làm đau đầu chính quyền các địa phương trong việc xử lý và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Đáng nói, việc thu gom, vận chuyển, xử lý lượng chất thải rắn hiện chưa hiệu quả, thiếu những quy định cụ thể với các chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do chất thải này gây ra đối với môi trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến phố phường nhếch nhác, mất mỹ quan, gây ô nhiễm khói bụi.
Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời đối với vấn đề xử lý chất thải rắn. Một trong những giải pháp được UBND TP Hà Nội quan tâm hiện nay là sử dụng máy móc nghiền chất thải nhằm 2 mục đích: tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, xử lý và tái chế tại chỗ thành vật liệu phục vụ làm đường, nhà thấp tầng...
Đó là với khu vực nội thành, ở các vùng nông thôn, theo ghi nhận của phóng viên hiện chất thải rắn phát sinh nhiều hộ vẫn tự gom và đem chôn lấp hay đổ ra vườn nhà, đổ ra đường hoặc các bãi đất trống... Đáng nói, phần lớn các hộ dân sống tại nông thôn vẫn chưa hình thành thói quen phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ, đâu là chất thải rắn sinh hoạt, đâu là chất thải rắn nguy hại.
Nhiều hộ cứ bỏ chung vào một chỗ chứa rác và chờ công nhân đến thu gom. Chị Đinh Thị Thuỷ (huyện Ứng Hòa) cho biết, rác thải sinh hoạt của gia đình hàng ngày có cả những bịch nylon đựng thức ăn, các chai nhựa, chai thuỷ tinh, đều bỏ chung vào một cái bọc, để vào sọt rác trước nhà chờ công nhân đến lấy.
Chế tài có, sao vẫn khó quản?
Hiện nay, một trong những khó khăn của công tác VSMT được nhắc nhiều là công tác thu gom, vận chuyển đối với loại chất rắn sinh hoạt cồng kềnh trong khi TP chưa có quy định cụ thể nào về thu gom, xử lý loại chất thải này.
Theo tìm hiểu, tại Điều 11 Quy định số 16/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định các với loại chất thải xây dựng nêu rõ: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm phát sinh chất thải xây dựng phải có biện pháp đảm bảo môi trường, không làm phát tán bụi bẩn, ô nhiễm môi trường; không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ chất thải rắn xây dựng; phải ký hợp đồng với đơn vị VSMT để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng về đúng nơi quy định của TP”.
Như vậy, đối với hành vi đổ trộm phế thải xây dựng ra đường phố, thậm chí đổ lẫn với chất thải sinh hoạt là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt nghiêm theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Thế nhưng, hình ảnh cả một chiếc giường, tủ, đệm mút, sofa, hay từng chồng bao tải vật liệu xây dựng… được các hộ gia đình “thải bỏ” ngổn ngang ở vỉa hè đã không còn xa lạ và các đơn vị duy trì VSMT với chức năng, nhiệm vụ của mình “buộc” phải dọn. Chia sẻ về vấn đề liên quan, theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển - nguyên Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường TP thì Hà Nội cần giao quyền tự quyết nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp duy trì VSMT.
Theo đó, các đơn vị VSMT phải công khai cung cấp số điện thoại đường dây nóng và khi có nhu cầu, người dân liên hệ để đơn vị duy trì VSMT đến chuyển các loại chất thải cồng kềnh này đi xử lý theo nguyên tắc xả thải bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.
Nếu không thực hiện, các tổ chức, hộ gia đình xả thải phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt theo quy định. Đơn vị duy trì VSMT có quyền từ chối phục vụ đối với các trường hợp cố tình xả bậy và không hợp tác.
Khách quan nhìn nhận, việc xử lý triệt để tình trạng đổ chất thải cồng kềnh ra hè, đường phố còn phụ thuộc rất nhiều vào sự giám sát, kiểm tra, xử phạt của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp phường, xã và cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là cần có quy định và hướng dẫn cụ thể, rộng rãi cho người dân cách thức xử lý từng loại chất thải, coi việc phân loại là hành động bắt buộc trước khi bỏ rác.
Đối với các hành vi cố tình vi phạm, chính quyền địa phương cần mạnh tay xử lý theo đúng Nghị định 155/2016/NĐ-CP, đồng thời buộc phải khắc phục hậu quả và trả phí cho đơn vị VSMT để dọn dẹp. Khi toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ, tin rằng không lâu nữa tại các con đường, tuyến phố của Thủ đô Hà Nội sẽ không còn những hình ảnh xấu xí nói trên.