Nhiều năm qua, hàng nghìn người dân sinh sống tại tổ dân phố số 12, 13 phường Trần Quang Khải đã phải “sống chung với lũ”, ngay cạnh cống nước thải ở thành phố Nam Định, trạm bơm Kênh Gia. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc, khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân, nhất là người già, trẻ nhỏ (cạnh Kênh Gia).
Theo phản ánh của người dân, cách đây hơn 1 năm, thành phố đã cho xây dựng phủ kín nhiều đoạn trong hệ thống cống nước thải để đảm bảo không gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thế nhưng công trình này vẫn để lại khoảng 100m đoạn cuối cùng bơm ra sông Đào, nước thải bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đang hàng ngày "bức tử" đến cuộc sống của người dân.
Ông Phạm Tuấn Anh, một người dân sống tại tổ 13, phường Trần Quang Khải cho biết: “Trạm bơm này mỗi lần vận hành thì toàn bộ nước thải của thành phố sẽ đổ về đây gây mùi hôi thối nồng nặc. Nhất là khi đêm xuống, nguồn nước xả trực tiếp ra sông không qua xử lý nên rất ô nhiễm. Sức khỏe của chúng tôi bị đe dọa mỗi ngày, nhiều người xung quanh khu vực này bị bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm phổi, ung thư”
Ông Tuấn Anh kể, gia đình ông và nhiều hộ dân xung quanh đã nhiều lần phản ảnh với Chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Kênh Gia xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa có phương án xử lý dứt điểm (Video: T/A) |
Ghi nhận thực tế của phóng viên, mùi nước thải bốc ra gần như suốt ngày, rồi theo gió và không khí bay vào khu dân cư "tra tấn" các hộ dân lân cận. Thậm chí những người lớn tuổi thường cảm thấy khó thở, đau đầu, tức ngực.
Theo Chủ tịch UBND phường Trần Quang Khải, ông Trần Đức Ánh cho biết: Kênh Gia dài khoảng 700m, là kênh mương cuối nguồn của TP còn một số điểm chưa được đầu tư làm cống hộp. Hệ thống nước thải công nghiệp của các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện trên địa bàn TP đều chảy qua kênh này và được bơm ra sông Đào.
Nhiều năm nay Kênh Gia gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của cư dân và hàng nghìn học sinh Trường THCS Hàn Thuyên. Điều đáng nói, đây không phải sự việc vừa mới xảy ra, tại các cuộc tiếp xúc cử tri cấp phường và TP, người dân nhiều lần kiến nghị và gửi đơn thư “kêu cứu" đến Hội đồng nhân dân các cấp; các Ban ngành, tìm giải pháp khắc phục thực trạng ô nhiễm môi trường trên; chính quyền địa phương cũng đã có văn bản báo cáo, kiến nghị cấp trên quan tâm bằng việc làm cụ thể, đầu tư xây cống hộp để bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị khu dân cư. Tuy nhiên đến nay vẫn chỉ dừng lại ở việc tiếp thu ý kiến và chuẩn bị tìm phương án chứ chưa được giải quyết triệt để.
Trước tình trạng ô nhiễm trên, để bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và an sinh của người dân nơi đây, đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Nam Định vào cuộc và có biện pháp đôn đốc chỉ đạo, xử lý, khắc phục thực trạng ô nhiễm trên.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tìm hiểu và tiếp tục thông tin./