Ngày 8/9, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay nam công chức của cơ quan này sẽ mặc áo dài vào thứ hai đầu mỗi tháng, để góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa và "nhớ về trang phục truyền thống của dân tộc".
Trước ý kiến cho rằng nam công chức mặc áo dài đến công sở là không phù hợp, ông Hải giải thích "ngày thứ hai và thứ sáu hàng tuần, các nữ công chức đều mặc áo dài đi làm, nên việc nam công chức mặc áo dài mỗi tháng một lần cũng không bất tiện".
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin thêm, áo dài ngũ thân truyền thống là trang phục có từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và trở thành phổ biến dưới thời vua Minh Mạng.
"Đây từng là thường phục, mặc rất tiện lợi bởi tà ngắn, quần hai ống cắt ngắn ngang mắt cá, cho phép đi giày tây. Bộ áo dài ngũ thân đảm bảo gọn gàng, trang nghiêm, kín đáo", ông Hải nói và cho rằng hiện nay đàn ông Việt Nam chưa có một bộ trang phục mang đúng bản sắc dân tộc. Áo dài ngũ thân từng được các thế hệ trước đây mặc hàng ngày. Do quá trình tây hóa, áo dài ngũ thân của đàn ông Việt Nam dần biến mất trong đời sống, chỉ còn áo dài của phụ nữ.
"Phụ nữ mặc áo dài được sao đàn ông không mặc được. Nếu trong các dịp lễ, thay vì mặc áo vest, đàn ông mặc áo dài cũng rất ý nghĩa với tư cách là trang phục truyền thống" ông Hải nói.
Ngoài việc cho nhân viên mặc áo dài ngũ thân đi làm, Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế đã đề xuất lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành trên địa bàn may áo dài ngũ thân để mặc trong các dịp lễ, các sự kiện quan trọng của địa phương.