Hôm qua (8/1), Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014 đã diễn ra tại TP.HCM. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Những con số “đẹp”
Tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết hoạt động tư pháp trong năm 2013. Thứ trưởng khẳng định, ngành Tư pháp đã nâng cao vai trò, vị thế của mình, là người “cố vấn” đáng tin cậy cho Chính phủ trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Năm 2013, Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013; đã phối hợp với các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt công tác tổng kết thi hành, hoàn chỉnh Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng các dự án luật quan trọng, mang tính “rường cột” của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng đã tổ chức tổng kết, xây dựng định hướng của các dự án luật này và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong năm 2014.
Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, để bảo đảm công khai, minh bạch các quy định hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã kiểm soát chất lượng và công khai 12.009 hồ sơ thủ tục hành chính, hồ sơ văn bản trên Trang cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục đã công bố lên 111.626 hồ sơ thủ tục hành chính; số lượt truy cập để khai thác trong năm 2013 là hơn 1.387.144 lượt. Đặc biệt, Bộ đã xây dựng, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 và đang tích cực triển khai thực hiện.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực công chứng. Đó là việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng tiếp tục đạt được kết quả tốt, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của người dân. Đến nay, trên toàn quốc đã có 1.463 công chứng viên (tăng 26,8% so với năm 2012) đang hành nghề tại 730 tổ chức hành nghề công chứng. Năm 2013, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 2.514.155 hợp đồng, giao dịch, đóng góp cho ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế 203 tỷ đồng.
Năm 2013 cũng là năm mà công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) tiếp tục được tăng cường với 126.727 vụ việc được TGPL. Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại các địa phương từng bước được nâng cao, góp phần bảo đảm quyền của đối tượng được TGPL khi tham gia tố tụng. Nhiều địa phương đã tăng cường đưa hoạt động TGPL về cơ sở, chú trọng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân.
Nhiều sự kiện mới mẻ, nổi bật
Năm 2013 đã diễn ra nhiều sự kiện mới mẻ đánh dấu bước “chuyển mình” của ngành Tư pháp. Một trong những sự kiện “sáng” nhất, đi vào trong dân phải kể đến là Ngày Pháp luật. “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Bộ Tư pháp đề xuất và khởi xướng đã tạo sức lan tỏa lớn, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật.
Trong lĩnh vực công chứng, một sự kiện quan trọng cũng diễn ra, đó là Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn tất thủ tục để Công chứng Việt Nam gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế (UINL) và đã chính thức trở thành thành viên thứ 84 của tổ chức này. Để hoàn thiện thể chế về công chứng, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Quốc hội Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉnh lý, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới.
Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong năm 2013, ngoài các con số ấn tượng, cũng đã ghi dấu với nhiều sáng tạo đến từ Tư pháp cơ sở: Xuất phát từ mục đích để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, một số tỉnh, thành phố đã tổ chức thí điểm mô hình “một cửa liên thông” trong lĩnh vực hộ tịch - hộ khẩu - bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; áp dụng việc trả kết quả giấy tờ hộ tịch qua bưu điện. Những mô hình mang tính sáng tạo của tư pháp địa phương đã giúp công tác tư pháp trở nên gần gũi hơn, thực sự phát huy được vai trò, vị thế của mình trong lòng dân.
Năm qua cũng ghi dấu sự “vượt khó” của lĩnh vực giám định tư pháp khi thể chế về giám định tư pháp được tiếp tục hoàn thiện, đem đến những con số đáng khích lệ: Trên cả nước có tổng số 4.414 giám định viên. Trong năm 2013, các tổ chức giám định đã giải quyết được 121.544 vụ việc (tăng 15% so với năm 2012). Một niềm vui là ngày 20/9/2013, văn phòng giám định tư pháp đầu tiên, hoạt động trong lĩnh vực tài chính, đã được thành lập tại TP.HCM theo quyết định của Chủ tịch UBND TP - Văn phòng Giám định Tư pháp Sài Gòn, một trong những “viên gạch” đầu tiên thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.
Tất nhiên, bên cạnh những niềm vui, những điều mới mẻ, không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế: Nhiều lĩnh vực còn lúng túng, chưa thực sự chuyển mình, nhiều nơi còn sai sót, chưa hiệu quả, thậm chí phát sinh tiêu cực... Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, nguyên nhân của những hạn chế này xuất phát từ nhiều yếu tố: Số lượng, khối lượng nhiệm vụ bổ sung của ngành Tư pháp trong năm 2013 tương đối nhiều, trong khi đó nguồn lực bộ máy, cán bộ, kinh phí còn hạn chế. Một số lãnh đạo Bộ, cơ quan, địa phương chưa coi trọng vị trí, vai trò công tác tư pháp, pháp chế trong chỉ đạo điều hành kinh tế, xã hội dẫn đến việc bố trí chưa đủ nguồn lực để triển khai thực hiện...
Về kế hoạch triển khai công tác tư pháp năm 2014, xác định năm 2014 là năm “thể chế”, ngành Tư pháp tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành...
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta làm gì cũng cần thể chế”
“Cách đây một năm, tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2013, tôi đã đề nghị 10 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Tư pháp. Hội nghị này, chúng ta xem xét lại những nhiệm vụ đã nêu, kết quả chúng ta làm đến đâu? Tôi cho rằng, chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến hai ý kiến chỉ đạo quan trọng sau: thứ nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ; thứ hai là thông điệp của Thủ tướng, trong đó nói rất nhiều đến công tác tư pháp.
Chúng ta làm gì cũng cần thể chế, làm việc gì quan trọng không thể không cần đến sự thẩm định của Bộ Tư pháp, để xem xét xem có đúng hay trái pháp luật. Nói như thế để thấy tầm quan trọng của ngành Tư pháp. Và như thế, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta cũng rất lớn. Bên cạnh những nhiệm vụ đã được giao nhiều năm qua, ngành Tư pháp còn đứng trước những vai trò mới: những vấn đề quan trọng của Chính phủ như các vụ tranh chấp quốc tế… đều hỏi ý kiến Bộ Tư pháp xem cơ sở pháp lý như thế nào để từ đó mà giải quyết.
Về Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tư pháp vì tin tưởng ngành Tư pháp. Ngoài ra, nhiều luật mới cũng được giao cho Bộ Tư pháp như: Luật Giáo dục pháp luật, Hòa giải cơ sở… Đó là những công việc rất mới so với năm 2012, từ đó khẳng định vai trò của Bộ Tư pháp Việt Nam rõ hơn, liên quan đến dân, đến đời sống kinh tế - xã hội nhiều hơn…Về phía các địa phương, các đồng chí Sở Tư pháp phải luôn đặt cho mình câu hỏi: Mình đã là chỗ dựa quan trọng về cơ sở pháp lý, công tác chính sách cho địa phương hay chưa? Có xứng tầm vai trò của mình chưa?
Bên cạnh những kết quả tốt đẹp đã làm được, bao giờ cũng là những tồn tại, liên quan đến hệ thống pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, đến sự chậm lại của thủ tục hành chính, tiêu cực trong một số lĩnh vực công chứng, thi hành án, đây đó dân còn kêu ca…
Nguyên nhân chính của những tồn tại này, chúng ta phải nhìn nhận đây đó chưa đánh giá đúng vai trò của ngành Tư pháp; sự vào cuộc thiếu đồng bộ của các ngành, các cấp… Tôi tâm đắc với một ý mà Báo Pháp luật Việt Nam vừa nêu: Công tác tư pháp không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp mà của tất cả các Bộ, các ngành, các địa phương… Tư pháp là nhiệm vụ chung, phải chung tay thực hiện. Tôi cũng nói thêm, vai trò của báo chí rất quan trọng trong tuyên truyền giáo dục pháp luật, phải luôn có vai trò đồng hành cùng các ngành, các cấp trong truyền tải pháp luật sâu rộng.
Sắp tới, Chỉ số Cải cách hành chính sẽ được công bố. Tin vui là Bộ Tư pháp thuộc một trong những Bộ có chỉ số cao nhất về cải cách thủ tục hành chính… Nhìn chung lại, những việc ngành Tư pháp đã làm, thể hiện cụ thể ở những con số thống kê, và đặc biệt là trong thực hiện những nhiệm vụ mới phức tạp, đã đem đến những kết quả rất toàn diện, đáng trân trọng, rất đáng biểu dương”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng là lời động viên đối với ngành Tư pháp”
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cảm ơn sự quan tâm sát sao của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Tư pháp và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cảm ơn lời phát biểu chào mừng của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và phát biểu góp ý của một số tỉnh, thành (TP.HCM, An Giang, Lâm Đồng, Quảng Trị), đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam...
Bộ trưởng nhấn mạnh: Phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng là những lời động viên đối với ngành Tư pháp. Ngành Tư pháp xin tiếp thu những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ để từ đó phát huy những mặt đã làm được, khắc phục những hạn chế, tiến đến hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Chính phủ giao. Bộ Tư pháp cũng sẽ chung sức, chung lòng phối hợp với các địa phương, các Bộ, ngành để hoàn thành mọi nhiệm vụ của ngành.