Mỹ - Trung bên thềm “cuộc chiến” thương mại

Liệu có thể xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa hai bên?
Liệu có thể xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa hai bên?
(PLO) - Xung đột trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây ngày càng trở nên căng thẳng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu hai nước không cam kết tập trung giải quyết các bất đồng và chia rẽ thì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ thành hiện thực.

Theo nhận định của giới phân tích, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai rất khó đạt được đột phá do luôn tồn tại những bất đồng mà không bên nào chịu nhượng bộ.

Nhiều bất đồng

Thứ nhất, Mỹ sẽ không nhượng bộ trước các ưu tiên của Trung Quốc. Mỹ sẽ không thừa nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường và sẽ không đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc về việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng công nghệ cao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc tăng đầu tư vào Mỹ, trừ khi Trung Quốc có những động thái tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại thị trường nội địa của mình. Mỹ cũng không ưu tiên đàm phán hiệp định đầu tư song phương với Trung Quốc trong bối cảnh họ còn đang phải phân tâm về nhiều vấn đề khác như tái đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) hay Thỏa thuận Thương mại Tự do Mỹ-Hàn. 

Thứ hai, Trung Quốc không chịu áp lực buộc phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ. “Kế hoạch hành động 100 ngày” của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đem lại những kết quả hết sức khiêm tốn, đáng kể nhất chỉ là mở cửa thị trường xuất khẩu thịt bò cho các sản phẩm của Mỹ. Dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn rất hoan nghênh những gì đạt được.

Trong khi đó, giới chức Mỹ đã kín đáo đánh tiếng với phía Trung Quốc rằng họ hoàn toàn hiểu việc giải quyết sự mất cân bằng trong cán cân thương mại hay các thách thức về việc thâm nhập thị trường đều cần có thời gian. Những tín hiệu, cả công khai và kín đáo, từ phía Mỹ đã khiến Trung Quốc không cảm thấy bị áp lực trong việc phải tìm cách có những nhượng bộ về ngắn hạn, và thậm chí còn tạo điều kiện để quốc gia này có thêm cơ hội giải quyết các khúc mắc có từ lâu bằng việc tham gia đối thoại hay các cam kết khác.

Thứ ba, quyết định đánh thuế mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ trong tương lai sẽ khiến các cuộc thảo luận trở nên khó lường. Thực tế Mỹ nhập khẩu không nhiều thép từ Trung Quốc (chỉ chưa đầy 5% nhu cầu tiêu thụ), và các nhà xuất khẩu thép hàng đầu cho Mỹ là Canada, Mexico, Hàn Quốc cùng nhiều đối tác khác. Tuy nhiên, sản lượng thép dư thừa và nguồn xuất khẩu lớn của Trung Quốc ra các thị trường thế giới là vấn đề cần quan tâm và đáng được đưa vào nội dung thảo luận của hai bên. Mặc dù vậy, vấn đề này không thể giải quyết chỉ bằng việc Mỹ áp thuế với mặt hàng này.

Trái lại, cách làm của Mỹ có thể sẽ gây tổn hại tới hầu hết các đồng minh và doanh nghiệp, cũng như người lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp có sử dụng thép, trong khi tác động đối với Trung Quốc là không hề đáng kể. Thậm chí, việc áp thuế với mặt hàng thép càng phản ánh lập trường bảo hộ của Mỹ, và tác động trực tiếp tới quan điểm của Trung Quốc khiến họ càng tỏ ra cứng rắn hơn với Mỹ. 

Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa hề dịu bớt
Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa hề dịu bớt

Không bên nào chịu bên nào

Trên thực tế, mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung xấu đi không hề làm cho các nhà quan sát cảm thấy ngạc nhiên.

Tổng thống Mỹ Trump ngay từ lúc tranh cử đã có những phát biểu chỉ trích gay gắt thuyết coi trọng thương mại của Trung Quốc và cho rằng sự thặng dư thương mại lớn của nước này đã gây ra những thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ và ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân Mỹ. 

Ngày 19/7/2017 vừa qua đánh dấu mốc kết thúc khoảng thời gian 100 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ấn định cho việc hai bên thống nhất được một kế hoạch toàn diện để cài đặt lại mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc Đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ vòng 1 đã kết thúc mà không ra được tuyên bố chung về bất kỳ kế hoạch nào chứng tỏ họ đã không đạt được mục tiêu tự đề ra, cũng như không đạt được thỏa thuận cụ thể nào về chương trình nghị sự trong tương lai. 

Việc chưa có những bước đi cụ thể để thu hẹp khoản thâm hụt mậu dịch 374 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc - chiếm 70% nhập siêu của Mỹ với thế giới - đang làm gia tăng áp lực buộc chính quyền Mỹ phải thay đổi chủ trương hợp tác với Trung Quốc theo hướng đối đầu hơn. Giới chức Mỹ đã xem xét một loạt chính sách mậu dịch cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, từ áp đặt rào cản nhập khẩu mới đối với thép và các tấm pin năng lượng mặt trời, đến thắt chặt những hạn chế đối với đầu tư, song cho tới nay vẫn quyết định chưa thực thi những biện pháp này. 

Nicholas Lardy, học giả về Trung Quốc thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc không đồng thuận được ngay cả biện pháp khiêm tốn nhất là dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Trung “đang rất bất ổn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cao”. Theo chuyên gia Huo Jianguo, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu về Tổ chức Thương mại Thế giới của Trung Quốc: “Giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều khoảng cách lớn về lợi ích kinh tế, và hầu như không có sự thống nhất về cách tiếp cận để hàn gắn những bất đồng. Cả hai bên đều cần có thời gian để điều chỉnh tâm lý”.

Trong khi đó, ông John Frisbie, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, bày tỏ sự thất vọng vì đàm phán kinh tế Mỹ-Trung đã kết thúc trong tình trạng bế tắc. Ông khẳng định: “Điều quan trọng là hai chính quyền phải có những bước đi cụ thể để giải quyết những vấn đề tồn đọng lâu nay và đảm bảo quan hệ thương mại vẫn là nhân tố duy trì sự ổn định trong mối quan hệ tổng thể”. 

Trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa hề dịu bớt, giới điều hành các tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc cũng như Tập đoàn đa quốc gia General Motors và JPMorgan Chase của Mỹ đã kêu gọi lãnh đạo hai nước giải quyết tranh cãi thông qua đàm phán thay vì dùng tới các biện pháp như trừng phạt có thể gây ra chiến tranh thương mại. 

Các chuyên gia kinh tế dự báo, Chính quyền Mỹ có thể sẽ sớm công bố việc đánh thuế nhập khẩu thép mà thế giới đang dư thừa do Trung Quốc sản xuất vượt cầu. Giới chức Mỹ đang xem xét áp đặt các mức thuế với lý do việc nhập khẩu đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ, song giới kinh doanh và phân tích lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ gây ra sự trả đũa từ phía Trung Quốc và các nước khác. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhiệm kỳ 2011-2014, ông Gary Locke cho rằng những đòn trừng phạt thương mại của Mỹ sẽ bị Trung Quốc đáp trả, ảnh hưởng tới kinh tế cả hai bên. Ông Locke nhấn mạnh: “Trong chiến tranh thương mại, bên nào cũng thiệt hại, chẳng ai thắng cả”. 

Hệ lụy sau “cuộc chiến”

Nếu nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành hiện thực thì những quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) - những nền kinh tế mở, dựa vào trao đổi thương mại - dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trong thời kỳ sắp tới. Thậm chí, điều này sẽ làm phức tạp hoá các nỗ lực của Nhật Bản nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát, ảnh hưởng xấu tới các quốc gia đang thâm hụt tài chính như Indonesia hay Ấn Độ và cả những nước sống dựa vào kiều hối như Philippines hay Sri Lanka, làm cản trợ cải cách ở Malaysia…

Nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây bất ổn cho những nền kinh tế lớn nhất châu Á là hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn tới việc làm giảm đầu tư và chi tiêu ở khu vực này. Từ năm 2008, Trung Quốc đã hỗ trợ tăng trưởng với hàng chục nghìn tỷ USD cho tín dụng mới. Điều này đã dẫn tới những bong bóng nợ nần trong các hoạt động ngân hàng và bất động sản. Xung đột với Mỹ có thể dễ dàng làm giảm 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc như một số chuyên gia dự đoán. Dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ không thể ngồi yên.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ có thể phải cắt giảm 180.000 việc làm nếu Trung Quốc chọn mua máy bay của Airbus. Hai bang Missouri và Mississippi của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu đậu tương. Trong khi đó, các thị trường châu Á có thể sẽ bị chao đảo nếu việc Trung Quốc bán phá giá 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ thực sự xảy ra. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Xung đột Mỹ-Trung có thể sẽ là dấu chấm hết cho chương trình kinh tế Abenomics, cơ hội tốt nhất cho nền kinh tế lớn thứ hai châu Á quay trở lại những thập kỷ phục hồi tăng trưởng. 

Nói tóm lại, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn tới dòng chảy thương mại của Trung Quốc, mà rộng hơn là châu Á và quỹ đạo tăng trưởng của châu Á có nguy cơ bị phá hủy... 

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.