Mỹ công bố báo cáo ngân sách quốc phòng của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc
(PLO) - Lầu Năm Góc ngày 5/6/2014 đã công bố báo cáo hàng năm về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Dù không đưa ra những thông tin gây chấn động nào, bản báo cáo dài 96 trang đã phác thảo bức tranh toàn diện về những nỗ lực trên diện rộng của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa và mở rộng các lực lượng quân sự của mình với những tham vọng chính trị của nước này.
Tháng 3/2013, Trung Quốc tuyên bố tăng 5,7% ngân sách quân sự hàng năm lên thành 119,5 tỉ USD, tiếp tục chuỗi hơn 2 thập kỷ tăng đều chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, theo ước tính của Lầu Năm Góc, chi tiêu ngân sách quốc phòng thực sự của Trung Quốc trong năm 2013 đã vượt mức 145 tỉ USD, cao hơn 21% so với thông báo chính thức. 
Báo cáo có tên gọi “Các hoạt động quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2014” do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cũng lưu ý việc Trung Quốc tăng trưởng chi tiêu quốc phòng ở mức độ cao là để phục vụ ý chí chính trị của nước này.
Quân đội
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang tăng cường khả năng gây sát thương của lực lượng tên lửa Pháo binh thứ 2 - đơn vị kiểm soát hầu hết các tên lửa đạn đạo hạt nhân và thông thường của nước này - bằng cách đưa vào biên chế những tên lửa đạn đạn đạo tầm trung thông thường mới nhằm cải thiện năng lực tấn công tới các mục tiêu không chỉ tại Đài Loan mà còn tại các địa điểm khác trong khu vực.
Các tên lửa đạn đạo tầm trung mà Trung Quốc đang tăng cường số lượng gồm có tên lửa đạn đạo chống tàu CSS-5 Mod 5 DF-21D, có khả năng tấn công các tàu có kích cỡ lớn, trong đó có tàu sân bay, ở phía Tây Thái Bình Dương. Tên lửa này có tầm bắn vượt mức 1.500 km và được trang bị một đầu đạn cơ động. 
Báo cáo cho biết thêm, quân đội Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào lực lượng bộ binh, nhấn mạnh vào khả năng triển khai các lực lượng trên một khu vực rộng một cách nhanh chóng. 
Hải quân 
Báo cáo lưu ý rằng, hồi tháng 11 năm ngoái, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã lần đầu tiên được đưa vào thử nghiệm khi được triển khai tới biển Đông. Song, con tàu này vẫn tiếp tục tiến hành thử nghiệm và dự kiến sẽ chưa thể để máy bay hạ cánh cho đến năm 2015 hoặc muộn hơn. 
Bản báo cáo không nêu trực tiếp về việc Trung Quốc đang tiến hành đóng thêm một tàu sân bay thứ hai mà chỉ lưu ý rằng nước này đang tiếp tục theo đuổi một chương trình tàu sân bay nội địa và nhiều khả năng sẽ tiếp tục xây dựng nhiều tàu sân bay nữa trong thập kỷ tới. Tàu sân bay do người Trung Quốc tự sản xuất dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tiếp tục mở rộng lực lượng tàu ngầm. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới lớp Jin, mang theo các tên lửa JL-2 với tầm bắn ước tính khoảng 7.400km dự kiến sẽ tiến hành lượt tuần tra ngăn chặn đầu tiên của mình trong năm 2014 này. Tàu ngầm tấn công mang tên lửa dẫn đường sử dụng năng lượng hạt nhân loại mới 095 do Trung Quốc tự sản xuất dự kiến sẽ xuất hiện vào năm tới, từ đó tăng cường khả năng tấn công mặt đất từ tàu ngầm, kết hợp tốt hơn với các công nghệ tĩnh và mang theo các tên lửa hành trình chống tàu. Trong khi đó, các tàu khu trục và tàu chiến mang tên lửa dẫn đường sẽ cho phép mở rộng đáng kể năng lực phòng không của Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). 
Quân đội Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc 
Không quân
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, không quân của PLA hiện đã xếp ở vị trí thứ ba thế giới, đang theo đuổi việc hiện đại hóa ở quy mô “chưa từng có tiền lệ” trong lịch sử của đơn vị này và đang thu hẹp nhanh chóng khoảng cách với lực lượng không quân của các nước phương Tây với một loạt các thiết bị chỉ huy và kiểm soát, thiết bị làm nhiễu, chiến tranh điện tử...
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lần đầu lưu ý về nỗ lực của Trung Quốc để mua máy bay tiêm kích Su-35 của Nga cùng hệ thống radar điện tử tối tân IRBIS-E. Lầu Năm Góc cho rằng, nếu Bắc Kinh thành công trong việc mua loại máy bay trên, các máy bay sẽ được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2016 và 2018. Chiếc Su-35 sẽ tăng cường đáng kể năng lực không quân của Trung Quốc trên biển Đông.
Không gian mạng
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc vẫn dựa vào các nguồn lực nước ngoài khi mua các công nghệ tiên tiến nhưng quân đội Trung Quốc cũng đang tập trung vào phát triển và nghiên cứu để tạo điều kiện hiện đại hóa quân đội. Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhắc lại những cảnh báo về các vụ xâm nhập mạng do Trung Quốc tiến hành. “Trung Quốc đang sử dụng năng lực của mình để hỗ trợ hoạt động thu thập thông tin tình báo nhằm vào các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chương trình quốc phòng của Mỹ”, báo cáo cho hay. 
Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến việc chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc cũng đang tăng cường tập trung đầu tư vào một loạt các nhiệm vụ như chống cướp biển, gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Báo cáo lưu ý PLA đang gia tăng tần suất tham gia các cuộc tập trận song phương và đa phương. 
Trong năm 2013, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đã tiến hành 7 cuộc tập trận  song phương và đa phương, trong đó có 3 cuộc trập trận với Nga. “PLA đạt được lợi ích chính trị thông qua việc tăng cường ảnh hưởng và mở rộng các mối quan hệ với các nước và các tổ chức đối tác. Các cuộc tập trận này đem đến cho PLA cơ hội để cải thiện năng lực và hiểu rõ hơn về chiến thuật giám sát, chỉ huy cũng như sử dụng các thiết bị từ các lực lượng quân đội tiên tiến hơn”, báo cáo viết. 
Chuẩn bị cho xung đột trên biển Đông
Cũng theo báo cáo, trọng tâm và động lực chính của hoạt động đầu tư quân sự của Trung Quốc là để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng ở eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc ngăn chặn hay đánh bại sự can thiệp của bên thứ ba. Tuy nhiên, PLA cũng đang đặt trọng tâm vào việc chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ khác ngoài vấn đề Đài Loan, trong đó có các khả năng xung đột trên biển Đông và biển Hoa Đông. 
Tháng 10/2013, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận lớn nhất trên biển từ trước đến nay có tên gọi Maneuver-5 (Thao diễn-5) trên biển Philippines với sự tham dự của tất cả 3 hạm đội hải quân của PLA, gồm Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội biển Đông và Hạm đội Nam Hải. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đã tiến hành 3 phần của 1 loạt các cuộc tập trận quân sự chung trong suốt 6 tuần của tháng 9 và tháng 10/2013. Trong khuôn khổ các cuộc tập trận này và các cuộc thao diễn quy mô lớn với sự tham dự của các lực lượng không quân, hải quân và bộ binh khác của PLA đều diễn ra ở các bờ biển phía Nam và Đông Nam Trung Quốc.
Chính sách bành trướng
Báo cáo cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục và ngày càng mở rộng các tranh chấp lãnh thổ trên các khu vực biển Đông và biển Hoa Đông đã đưa đến các cuộc đối đầu với nhiều nước trong khu vực và đôi khi lôi kéo cả sự tham gia của các tàu của Mỹ. Bắc Kinh cũng đang tăng cường sự hiện diện trên khắp thế giới. Chính những lợi ích đang ngày càng “phình” ra của Trung Quốc đã dẫn tới xích mích với các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có những đồng minh và đối tác của Mỹ. 
Báo cáo nói trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã dùng những phát biểu mạnh mẽ, cáo buộc Bắc Kinh gây mất ổn định trong khu vực nhằm theo đuổi những tuyên bố chủ quyền vô lý của nước này. “Bất chấp việc quảng bá hình ảnh là một quốc gia hòa bình, trong những năm gần đây, Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực và thể hiện thái độ đối đầu”, báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo cũng cho rằng Trung Quốc luôn sử dụng các chính sách trừng phạt thương mại như một công cụ đe dọa và có những hành vi gây sức ép với Việt Nam, Philippines trên biển Đông và Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Có vẻ như Bắc Kinh đã từ bỏ chiến lược “trỗi dậy hòa bình, ẩn mình chờ thời” và thay vào đó bằng sự sẵn sàng thể hiện thái độ cứng rắn với Mỹ và các nước trong khu vực.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.