Theo AP, Tòa Trọng tài tại The Hague ngày 3/6 đã ra tuyên bố, theo đó đặt ra thời hạn đến ngày 15/12/2014 để Trung Quốc đệ trình các lập luận bằng văn bản và bằng chứng chống lại đơn kiện bác bỏ giá trị của cái gọi là tuyên bố “đường 9 đoạn” của nước này do Philippines đệ trình. Tuyên bố “đường 9 đoạn” đề cập đến ranh giới thô mà Trung Quốc vẽ ra trên bản đồ chính thức của nước này về các tuyên bố lãnh thổ bao trùm gần như toàn bộ biển Đông.
Sau khi đệ đơn kiện Trung Quốc hồi năm ngoái, ngày 30/3 vừa qua, Philippines đã đệ trình bộ hồ sơ gần 4.000 trang gồm các văn bản biện luận và các bằng chứng để bác bỏ tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Tòa Trọng tài gồm 5 Thẩm phán sau đó đã yêu cầu Trung Quốc phản hồi nhưng Chính phủ Trung Quốc hồi tháng trước đã gửi thông báo tái khẳng định rằng họ không chấp nhận tiến trình trọng tài do Philippines khởi xướng. Tòa Trọng tài cho biết thêm, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố việc họ gửi thông báo cho Tòa sẽ không được xem là sự chấp nhận hay tham gia của Trung Quốc trong thủ tục trọng tài.
Trong Thông báo số 2 được đưa ra hôm 3/6, Tòa Trọng tài cho biết sẽ tiếp tục xem xét đơn kiện của Philippines kể cả trong trường hợp Trung Quốc không tham gia. “Hội đồng Trọng tài sẽ quyết định quá trình tiếp theo trong thủ tục tố tụng, trong đó có sự cần thiết và lên kế hoạch cho việc đệ trình các văn bản và các phiên điều trần khác tại một giai đoạn hợp lý sau này, sau khi xem xét quan điểm của các bên” – tuyên bố của Tòa Trọng tài cho hay. Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc từ chối không tranh luận có thể đẩy nhanh vụ kiện và trong trường hợp này, một phán quyết có thể sẽ được đưa ra vào giữa năm sau.
Theo Philstar, sau khi Tòa Trọng tài đưa ra yêu cầu nói trên, các quan chức Philippines ngày 4/6 đã tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tham gia vào tiến trình trọng tài với lý do đây là một giải pháp hòa bình và bền vững đối với các tranh chấp lãnh thổ kéo dài trên biển Đông, vốn đã bùng nổ trong những năm gần đây và dấy lên những hồi chuông báo động trên khắp châu Á và cả thế giới.
Tuy nhiên, Reuters đưa tin, lời kêu gọi của Philippines đã một lần nữa bị Trung Quốc bác bỏ ngay trong ngày 4/6. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cùng ngày tuyên bố Trung Quốc sẽ không tham gia vào tiến trình trọng tài mà tiếp tục giữ quan điểm về cách tiếp cận song phương để giải quyết các xung đột.
PCA là cơ quan liên chính phủ được thành lập theo Công ước Hague năm 1899 về giải quyết các tranh chấp quốc tế tại Thái Bình Dương. Tòa này là nơi thực hiện việc trọng tài, hòa giải, tìm kiếm sự thật và thủ tục giải quyết các tranh chấp khác giữa các nước, các thực thể nhà nước, các tổ chức liên chính phủ và cá nhân.
Ngoài Trung Quốc và Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau trên biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn ngang ngược nói rằng họ có chủ quyền “không thể chối cãi” đối với gần như toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên này từ thời cổ đại. Những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong thời gian qua đã trở nên nghiêm trọng do các hành vi gây hấn của Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này đơn phương hạ đặt trái phép một giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền hồi tháng trước.
Những căng thẳng cao độ trong thời gian qua đã dấy lên lo ngại rằng những xung đột lãnh thổ trong khu vực trong thời gian qua, trong đó có tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông, có thể đưa đến một cuộc xung đột vũ trang tại châu Á, dù các nhà phân tích cho rằng khó có thể xảy ra một cuộc chiến lớn do các bên đều lo ngại sự bất ổn có thể phá vỡ các nền kinh tế đang có xu hướng đi lên trong khu vực.
Mới đây, Philippines cũng đã bày tỏ mong muốn các nước có tranh chấp ở biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia, cùng tham gia vụ kiện của Philippines hoặc tiến hành vụ kiện riêng. Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam cũng đang xem xét việc đệ đơn kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.