Bình luận: “Quỷ Cốc Tử” là bộ sách giáo khoa dạy các mưu sĩ theo thuyết tung hoành cách tiến hành đấu tranh chính trị và đi du thuyết các nước chư hầu, để được phú quý. Các mưu sĩ là người không có quyền, thế, nghèo tiền bạc, chỉ có một cái đầu thông thái mà thôi. Do đó Quỷ Cốc Tử đặc biệt nhấn mạnh vận dụng trí tuệ, dựa vào quyển thuật để mưu sự nghiệp.
Theo Quỷ Cốc Tử, kẻ sĩ làm việc đều khéo vận dụng đầu óc, nghĩ ra biện pháp, nên dễ thành công. Còn kém trí tuệ thì không biết dùng đầu óc, không nghĩ ra được các biện pháp, hay miễn cưỡng làm liều, công việc khó thành công, về mặt này mà xét, nếu một quốc gia do kém trí tuệ cầm quyền khi gặp nguy cơ sẽ rất dễ bị diệt vong, không ai có thể cứu vãn tình trạng hiểm nguy diệt vong đó. Vì vậy xử lý bất kỳ sự việc gì cũng phải dựa vào trí tuệ, trí tuệ là quý.
Vận dụng trí tuệ, mấu chốt là có cách làm độc đáo riêng, dùng trí tuệ vào chỗ người khác không biết, không thấy, như vậy mới dễ thành công.
Chuyện Gia Cát Lượng thi tốt nghiệp: Gia Cát Lượng thuở nhỏ thờ Thuỷ Kính làm thầy. Sau ba năm học tập, thầy Thuỷ Kính nói với Lượng và học trò: “Nay thầy ra một bài thi cho các con, ai đủ điểm sẽ được tốt nghiệp ra trường, ai không đủ điểm thì xin thôi, từ nay không được nhận là học trò của ta nữa. Đề thi như sau: Từ bây giờ đến giờ Ngọ ba khắc, ai được phép của ta ra khỏi am này coi như đã tốt nghiệp”.
Các học trò thừ người, vò đầu vò tai. Có người kêu “Trong làng có đám cháy”, có người cấp báo “nước lụt đã tràn tới cửa am”, thầy Thuỷ Kính đều điềm nhiên không đếm xỉa.
Từ Thứ cũng là học trò, viết một bức thư giả rồi khóc lóc nói với thầy: “Sáng nay có người mang thư đến, mẹ con bị ốm nặng, con xin tự nguyện bỏ kỳ thi này đế về nhà thăm mẹ”. Thầy Thuỷ Kính, lắc đầu nói: “Sau giờ Ngọ ba khắc sẽ về”.
Còn Bàng Thống thì bẩm báo: “Con thực sự không có cách gì xin được phép thầy ra ngoài am. Nhưng nếu con ở ngoài am thì sẽ có sáng kiến ngay, vậy xin thầy cho con ra ngoài đi đi lại lại một lúc”. Thầy Thuỷ Kính cười nói: “Bàng Sĩ Nguyên bỏ cái trò khôn vặt ấy đi”. (Bàng Sĩ Nguyên tức Bàng Thống).
Gia Cát Lượng thấy bọn họ đều không được phép thầy ra ngoài bèn nghĩ ra một cách: ông phủ phục trên bàn, đánh một giấc ngủ, tiếng ngáy vang tai, làm cho cánh thi cử láo nháo chẳng ra thể thống gì. Thầy Thuỷ Kính giận lắm, nếu như trước đây thì đã tống cổ Lượng đi luôn nhưng hôm nay thầy đành chịu nhịn.
Đã sắp đến giờ Ngọ ba khắc, Gia Cát Lượng ngáp dài đứng dậy, mặt hầm hầm tức giận, đá thúng đụng nia, xông lên nhà trên nắm lấy vạt áo thầy Thuỷ Kính hét to: “Ông là đồ mọt sách, ông ra cái đề thi quái ác hành hạ bọn tôi, tôi không làm học trò ông nữa, ông trả lại tôi ba năm tiền học phí, trả ngay cho tôi bây giờ”.
Thuỷ Kính là một danh sĩ trong thiên hạ, được mọi người tôn kính. Nay bị Gia Cát Lượng làm nhục, ông phiền muộn lắm, giận run lên, gọi Bàng Thống, Từ Thứ bảo: “Tống cổ ngay tên khốn khiếp Gia Cát Lượng ra ngoài am”. Lượng giằng co không chịu đi, làm loạn cả lớp học, Bàng Thống và Từ Thứ cố sức vật lộn mới lôi cổ được Lượng ra khỏi am.
Vừa ra khỏi am, Lượng đã cười ha hả. Bàng Thống, Từ Thứ chẳng hiểu ra sao cứ tưởng Lượng phát điên đang định hỏi thì thấy Lượng quay đầu chạy trở lại am, đến trước mặt thầy Thuỷ Kính quỳ xuống bái lạy nói: “Vừa rồi con đã xúc phạm đến thầy, tội thật đáng chết!”.
Thuỷ Kính ngây người nhưng rồi chợt hiểu ra, sắc mặt chuyển thành vui mừng, đỡ Lượng dậy và nói: “Con tốt nghiệp được rồi”.
Lượng nói: “Bàng Thống và Từ Thứ cũng đã ra khỏi am, xin thầy cho cùng tốt nghiệp”. Thuỷ Kính nghĩ một chút rồi cũng gật đầu đồng ý.
Qua chuyện trên thấy Gia Cát Lượng đã khéo dùng mưu kế để được thầy Thuỷ Kính cho ra khỏi am.
Ông biết rằng dùng phương pháp thông thường thì không sao lừa được thầy nổi giận, sau đó lại lăng nhục thầy, đòi trả lại học phí. Cuối cùng thầy đã nổi nóng báo Từ Thứ, Bàng Thống tống cổ Lượng ra khỏi am, và Lượng đã đạt được mục đích của mình.
Mạnh Thường Quân được cứu nạn: Danh sĩ Mạnh Thường Quân nước Tề thời Chiến Quốc có chuyện bất hòa với Tề Vương. Ông xin từ chức Tể tướng rồi về lãnh địa vùng đất Tiết của mình. Ông dự tính sẽ được nghỉ ngơi, an dưỡng nào ngờ một nước chư hầu ở phương Nam (tức nước Sở) lại đang trù tính tiến công vùng đất Tiết.
Phải nhờ Tề Vương mới có thể giải được nỗi hiểm nguy ngập trước mắt này, nhưng Mạnh lại vừa xích mích với vua Tề nên khó nói lắm. Vừa ngay lúc đó Thuần Vu Khôn nhận lệnh vua Tề sang nước Sỏ, trên đường về đã ghé qua vùng đất Tiết thăm hỏi Mạnh. Mạnh được tin mừng lắm nói “mọi việc phải nhờ ông này mới xong”.
Thuần Vu Khôn vốn là chàng rể của nước Tề, người cao năm thước (thước Trung Quốc củ), rất thông minh nhanh nhẹn, giỏi biện luận, thường được các nước chư hầu nhờ cậy công việc này nọ và bao giờ cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không làm nhục mệnh vua. Ông có kiến thức rộng, trí nhớ tốt, học vấn không phải chỉ đơn thuần một mặt, khi giao tiếp rất giỏi suy đoán theo nét mặt đối phương. Vì vậy Mạnh nhờ làm việc này là rất thích hợp.
Khôn vốn có quan hệ thân thiết với Vương thất nước Tề, quan hệ với Mạnh cũng rất chặt chẽ.
Khi Khôn đến đất Tiết, Mạnh tiếp đãi như thượng khách và tiễn đưa ra tận ngoại thành. Mạnh nói: “Người nước Sở muốn đánh chiếm đất Tiết, tôi sẽ không còn được hầu Ngài nữa”. Khốn gật đầu tỏ vẻ hiểu ý, trong bụng nghĩ cách cứu Mạnh.
Thuần Vu Khôn nhận lời cầu cứu của Mạnh Thường Quân, nhanh chóng quay trở lại Kinh đô Tề, xin yết kiến ngay Tề Vương. Ông lấy cương vị là sứ giả gặp Tề Vương nhưng thực tế là xin viện binh cứu Mạnh. Tề Vương hỏi: “Tình hình nước Sở hiện nay thế nào?". Khôn nắm ngay lấy cơ hội này, nói: “Tôi thấy rắc rối là ở chỗ nước Sở rất ngoan cố mà người đất Tiết lại rất không tự biết thân phận mình”.
Ở đây Khôn đã cố ý chuyển đề tài nói chuyện sang đất Tiết và Tề Vương đã vô tình bị cuốn hút theo, vội hỏi: “Vậy rốt cuộc là thế nào?”. Khôn chậm rãi trả lời: “Người đất Tiết không suy nghĩ cẩn thận, cho xây Miếu thờ tổ tiên, nay nước Sở đem quân tiến đánh sẽ chẳng coi miếu thờ vào đâu. Người đất Tiết không tự biết mình mà người nước Sở lại rất ngoan cố. Thần muốn nói chính là việc đó”.
Vua Tề nghe nói biến sắc mặt, vội kêu lên: “Trời ơi! Tôn miếu Tiên vương ở đó cả, phải giữ lấy”. Sau đó ông nhanh chóng phái viện binh đi cứu đất Tiết, đất Tiết được an toàn, Mạnh Thường Quân được giải cứu.
Đại phu nước Tề Thuần Vu Khôn đã khéo thuyết phục, mượn sức mạnh của Tề làm thành sức mạnh của mình, dấu kín được ý đồ, đạt được mục đích cứu Mạnh Thường Quân.
Khéo mắng kẻ phản bội: Người anh hùng trẻ tuổi Hạ Hoàn Thuần nổi tiếng cuối đời Minh đầu đời Thanh không may bị bắt trong một trận chống quân Thanh. Người hỏi cung Hạ là Hồng Thừa Trù. Y vốn là một quan lại nhà Minh nhưng bị quân Thanh bắt làm tù binh và đã đầu hàng kẻ thù.
Khi hỏi cung. Hồng Thừa Trù giả bộ đóng vai huynh trưởng nói: “Đồ trẻ ranh các anh biết thế nào là tạo phản, chẳng qua là bị bọn phiến loạn lôi kéo mà thôi, nếu anh chịu đầu hàng là sẽ có tiền đồ lớn lắm".
Hạ đoán tên này chắc là Hồng Thừa Trù, định mắng cho hắn một trận nhưng chợt linh hoạt nghĩ ra một cách để diễu cợt kẻ phản bội. Hạ bèn nói: “Người ta cũng có chí hướng, tôi tuy trẻ tuổi nhưng cùng có chí hướng riêng của mình. Tôi vốn rất ngưỡng mộ tiên sinh Hồng Thừa Trù của bản Triều, quyết tâm trở thành một anh hùng như ông ta, sao tôi lại có thể đầu hàng bọn tay sai của triều đình Mãn Thanh”.
Hồng không biết đây là mưu kế của Hạ, thích chí lắm, gặng hỏi: “A, anh ngưỡng mộ Hồng Thừa Trù à?”.
Hạ làm ra vẻ rất cảm khái nói: “Vâng, tiên sinh Hồng là một vị anh kiệt của bản Triều, trong giao chiến với quân Thanh ở vùng Tùng Sơn, Hạnh Sơn, cuối cùng hết đạn hết lương nhưng không chịu đầu hàng, vẫn giữ một lòng kiên trinh bất khuất anh dũng hi sinh. Khi được tin dữ này cả triều đình đều chấn động, Tiên Đế cũng khóc than, bi thương lắm. Các bậc trung thần nghĩa sĩ như vậy chẳng đáng ngưỡng mộ sao?".
Hồng nghe Hạ nói thẹn đỏ mặt, chẳng còn biết ăn nói ra sao. Một tên hầu cận vội giải cứu cho y, lên tiếng mắng Hạ: “Không được nói lung tung, Quan lớn đây chính là Hồng tiên sinh đó”.
Hạ nghe nói lập tức nghiêm mặt mắng: “Bậy nào, Hồng tiên sinh đã vì nước quên mình, trong thiên hạ ai cũng biết cả. Tên giặc phản bội khốn khiếp này sao dám mạo nhận làm Hồng tiên sinh. Bọn phản bội triều đình chúng bay, lũ con hư của dân tộc, coi giặc là cha mẹ, đầu hàng Mãn Thanh, trời đất sẽ chu diệt bọn bay”.
Hạ đã vạch rõ tội phản bội của Hồng Thừa Trù, nghiêm khắc xỉ vả hắn. Hồng chịu cứng, chỉ còn cách cho giải Hạ đi, cuộc hỏi cung bị thất bại thảm hại.
Hồng hỏi cung Hạ vốn ở thế chủ động nhưng do Hạ có sách lược khéo léo nên Hồng đã biến thành kẻ bị cáo.