30 xuân qua kiên trì một mục tiêu, một con đường do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, từ nền kinh tế lạc hậu, nghèo đói, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế không ngừng được đẩy mạnh, trở thành thành viên tích cực của WTO, cộng đồng ASEAN, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững…
“Những bước phát triển vượt bậc của đất nước 30 năm qua đều gắn với đổi mới thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Trong một thể chế chính trị hiện đại, dân chủ và Nhà nước pháp quyền gắn bó biện chứng, đi liền nhau, là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2015.
Vậy, 10 năm, 20 năm hay thậm chí 30 năm nữa kể từ mùa xuân Bính Thân 2016, Việt Nam sẽ như thế nào? Sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới, có thể trở thành một quốc gia thịnh vượng hay không...? Những câu hỏi này chỉ có thể có lời giải khi chính chúng ta tự biết mình, tự tìm cách chiến thắng chính mình, tự dũng cảm khai phá lấy con đường đi riêng đặc sắc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của chính mình.
Nếu xem cả quốc gia, mỗi đơn vị, tổ chức như một đội bóng và mỗi cá nhân chúng ta trong đó là một cầu thủ “thi đấu” cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì điều quyết định không nằm ở sức mạnh cơ bắp mà chính yếu nhất vẫn là kỷ luật của mỗi cá nhân và luật chơi chung của cuộc đấu.
Ở cấp độ mỗi cá nhân, đó là ý thức tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm chuẩn mực cho mỗi hành vi ứng xử. Người dân có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và được quyền làm những gì pháp luật không cấm, cũng biết cách sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ở cấp độ của mỗi đơn vị, tổ chức, quốc gia, luật chơi chung phải được minh bạch, cụ thể và ổn định. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm, bảo vệ quyền tự do, quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật. Mỗi đơn vị, tổ chức một mặt tuân thủ luật chơi chung, mặt khác phải có kỷ cương, kỷ luật, nội quy nội bộ mà bất cứ ai chấp nhận đứng trong tổ chức, đơn vị ấy buộc phải tuân thủ. Luật chơi chung đảm bảo công bằng cho mỗi người chơi, đủ sức khuyến khích mọi người tham gia cuộc chơi nhưng cũng đủ mạnh buộc bất cứ ai vi phạm phải rời khỏi cuộc chơi ấy dù muốn hay không.
Và, ở tầm khu vực cũng như quốc tế, “cầu thủ” Việt Nam càng không được phép thua cuộc. Muốn vậy, chính Việt Nam phải học hỏi, sửa đổi những sự khác biệt vốn có của mình để hòa vào cuộc chơi chung của khu vực và quốc tế; phải nhanh nhạy tóm bắt, nắm giữ những luật chơi có lợi cho mình để chuyển hóa thành luật chơi của mình, cho nội bộ mình.
Diễn giải cho trình tự, thì sẽ phải tích cực hơn nữa để đưa tinh thần thượng tôn pháp luật trở thành tinh thần chủ đạo trong đời sống xã hội; phải tích cực hơn nữa trong hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội, tạo lên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Rõ ràng, tư tưởng “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” mà Nguyễn Ái Quốc – tức Chủ tịch Hồ Chí Minh – từng dõng dạc nêu trong yêu sách trước Hội nghị Versailles 1919 đã và đang trở nên thiết thực, nóng bỏng. Đó không chỉ là đòi hỏi, nhu cầu của riêng người dân An Nam những năm đầu thế kỷ 20 sau đêm trường nô lệ tăm tối mà còn là đòi hỏi, nhu cầu chung của nhân loại trong cuộc toàn cầu hóa mạnh mẽ của thế kỷ 21 và chắc chắn còn là nhu cầu, đòi hỏi chính đáng, lâu dài của suốt thời gian tồn tại sau này của nhân loại.
Nắm bắt xu thế vận động của thế giới, hiểu rõ nội lực và khát khao của dân tộc, nhắm rõ mục tiêu đi tới của đất nước trong bối cảnh vừa hợp tác vừa đấu tranh của quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục xác định phương hướng cơ bản của giai đoạn 2016-2020: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của Nhà nước. Tập trung tạo dựng thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường. Phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ của người dân trong hoàn thiện và thực thi thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, lấy phục vụ nhân dân và lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất”.
“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” chính là theo nghĩa lấy pháp quyền dẫn dắt công cuộc đổi mới và phát triển, đặt pháp luật lên đỉnh cao của sự tuân thủ và tôn trọng và hoàn toàn chính đáng khi xem pháp quyền chính là cội nguồn sức mạnh của hội nhập và phát triển, của hội tụ và thăng hoa, là cội nguồn sinh khí đem lại sự đổi mới và thịnh vượng, đem lại những mùa xuân thắng lợi mới!
30 năm qua, đồng hành cùng công cuộc đổi mới, Báo Pháp Luật Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp truyền thông pháp luật. Với những quyết sách linh hoạt, trí sáng tạo của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, với sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, những người làm báo Pháp Luật Việt Nam tự hào, vững tin tiếp tục hun đúc khát vọng hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, đưa nền pháp luật, tư pháp dân chủ xã hội chủ nghĩa lan tỏa sâu rộng hơn trong cuộc sống, góp phần tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Mùa xuân đem về sự sinh sôi, nảy nở. Mùa xuân pháp quyền đem về cho đất nước, cho dân tộc, cho mỗi con người niềm tin và hy vọng mới, tầm vóc và vị thế mới, cơ hội và thành công mới. Xuân tươi đang bừng nở đất trời, đang rạo rực trong lòng mỗi người…
Tổng Biên tập TS. Đào Văn Hội