Phố phường đìu hiu
Tại Hà Nội, tuyến phố Hàng Mã – Phùng Hưng vốn nổi tiếng là chốn sầm uất bậc nhất mỗi mùa Trung thu. Mọi năm, khung cảnh tại đây trong vòng 1 tuần trước ngày Rằm tháng 8 luôn trong tình trạng kẹt cứng người du lịch, mua sắm. Thế nhưng năm nay, có một Hàng Mã rất khác với dây giăng phong toả để phục vụ phòng, chống dịch, chỉ lác đác vài tiệm bánh hé cửa đủ một người lách qua.
Bà Nguyễn Xuân Mai, ở số 25 Hàng Mã, cho biết phải đóng cửa hàng trong thời gian dài, đặc biệt vào thời điểm mà người dân sinh sống tại phố Hàng Mã "vào vụ" như Rằm tháng 7. Tuy nhiên 2 tháng nay gia đình bà chưa buôn bán được gì, chỉ đành lấy của để dành ra trang trải.
Không chỉ các tuyến phố du lịch, cảnh ảm đạm, đìu hiu cũng diễn ở những làng nghề nổi tiếng làm đồ chơi truyền thống. Vốn là địa điểm du lịch lý tưởng trong những ngày Trung thu, nay tại các làng nghề cũng vắng bóng khách tham quan.
Thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP HCM ngưng lại khiến các đơn đặt hàng cũng gần như không có, vì vậy nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống cũng chỉ còn cảnh chờ hết dịch. Một số hộ gia đình chuyển sang kinh doanh trên các sàn điện tử, tuy nhiên đơn đặt hàng cũng không là bao. Mặt khác, mặt hàng truyền thống cũng khó cạnh tranh với những loại đồ chơi ngoại giá rẻ, hình thức và mẫu mã bắt mắt hơn trên thị trường này.
Làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, tỉnh Hưng Yên vốn nổi tiếng là làng nghề chuyên làm đồ chơi Trung thu truyền thống năm nay chứng kiến cảnh “đóng băng” chưa từng thấy. Tương tự, các địa điểm du lịch dành cho gia đình như Bảo tàng Dân tộc học hay Hoàng thành Thăng Long ở Thủ đô vốn rất hút người tham quan mỗi độ Trung thu cận kề nhưng năm nay cũng vắng lặng.
Vui trung thu qua chương trình online
Dù phố vắng người nhưng nhiều người vẫn rất hào hứng với mùa Trung thu năm nay. Theo nhiều ý kiến, đây là mùa Trung thu đặc biệt mà họ không cần phải đi ra ngoài hay mất nhiều thời gian để tìm được một địa điểm vui chơi dành cho bản thân và gia đình, tránh được tình trạng đông đúc, chen lấn như mọi năm.
Nhiều gia đình đã tự tổ chức những hoạt động vui chơi Trung thu như tour học làm bánh tại gia, tour du lịch Trung thu tại gia hay tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hoá thông qua những trưng bày, triển lãm online của các bảo tàng. Điển hình, dù vắng khách nhưng hoạt động lễ hội, sự kiện cho mùa trăng rằm cũng được Ban quản lý Hoàng thành Thăng Long chuẩn bị đầy đủ, mang lại trải nghiệm cho các gia đình không khí Trung thu dù ở nhà giãn cách nhưng không hề buồn chán.
Trên website của Hoàng thành Thăng Long giới thiệu đến khách tham quan triển lãm “Lung linh mùa trăng rằm” về những hoạt động Trung thu trong cung đình xưa, ý nghĩa của việc rước đèn hay biểu tượng múa lân, sư tử trong dịp lễ này. Trưng bày trực tuyến “Trung thu sum vầy” gửi gắm những hình ảnh, câu chuyện về phong tục Trung thu truyền thống, xung quanh mâm cỗ Trung thu, ấm áp, giàu tình thân cùng những món đồ chơi Trung thu đầy yêu thương mà ông bà cha mẹ dành tặng cho các bạn nhỏ. Trưng bày phỏng dựng mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 dựa trên các tư liệu tranh vẽ, bút ký của Henri Oger, Nguyễn Tuân, Phan Kế Bính, Vũ Bằng…
“Truy cập trưng bày trực tuyến, người xem còn được gặp gỡ nhà sử học Lê Văn Lan qua các video clip nói chuyện về tết Trung thu truyền thống: Chủ đề Trung thu sum vầy trong bối cảnh dịch Covid; Tục bày cỗ của người Hà Nội với các tích truyện đặc sắc như ông Lã Vọng câu cá, Tiến sĩ vinh quy, Người con hiếu thảo, tục rước đèn; Tục thưởng trăng của người Hà Nội…; cùng tìm hiểu về nghệ thuật làm thiên nga bằng bông, món đồ chơi Trung thu đặc sắc của người Hà Nội với nghệ nhân Quách Thị Bắc”, website Hoàng thành Thăng Long giới thiệu.
Năm nay dịch vụ tổ chức sự kiện Trung thu trực tuyến cũng hút lượng quan tâm của nhiều đơn vị. Với mức giá 499.000 đồng đối với cá nhân và 2.990.000 đồng đối với doanh nghiệp, những người tham gia sẽ được trực tiếp giao lưu cùng chị Hằng, chú Cuội và tìm hiểu về các loại đồ chơi dân gian.
Tại một số địa phương không áp dụng giãn cách xã hội, thay vì vui chơi rước đèn, nhiều đơn vị thay đổi chủ đề, chuyển sang hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho các gia đình. Đây là món quà Trung thu quý giá, thể hiện được ý nghĩa cộng đồng và tình đồng bào cùng nhau san sẻ khó khăn vượt qua đại dịch.
Trên các group cộng đồng, nhiều nhóm tình nguyện viên, thanh niên đã cùng nhau tự làm nên những chiếc bánh Trung thu, chuẩn bị quà tặng cho các em nhỏ khó khăn. Đây cũng là một hoạt động thú vị nhân dịp mùa Trung thu, dù không thể đi du lịch nhưng cũng là hoạt động góp phần lan toả hình ảnh đẹp mua Trăng rằm.