1. Ông Văn bước vào phòng xử án khá nhọc nhằn khi phải dùng đến chiếc ba toong và sự giúp đỡ của người chị gái. Đó là hậu quả của cơn tai biến từ hơn 2 năm trước. Ông trình bày trước tòa về việc “phải ly hôn cho bằng được” của mình:
Gần 40 năm trước, ông và bà Trịnh Thị Linh yêu nhau khi còn ngồi chung ghế giảng đường. Ra trường, ổn định công việc, hai người chính thức kết hôn. Nhưng chỉ sống hạnh phúc với nhau được vài năm đầu.
Sau này, vì bất đồng quan điểm, vì cách sống, cách “đối nhân xử thế” của vợ đối với gia đình, bạn bè chồng, đặc biệt là ông nghi vợ “cặp kè” nên tình cảm sứt mẻ. Ông Văn nói: “Ngày ngày chứng kiến cách cô ta đối xử với bạn bè khiến họ không dám đến nhà chơi, bố mẹ tôi cũng chẳng buồn bước chân vào thăm con thăm cháu khiến tôi thấy sợ hãi cô ta.
Rồi cô ta công việc sớm khuya, lúc nào cũng kêu bận bịu để có thời gian đi với bồ với bịch... Vì các con, tôi ngậm đắng nuốt cay duy trì cuộc hôn nhân này. Bây giờ con cái đã trưởng thành, tôi không thể tiếp tục sống với con người tồi tệ, bạc ác này nữa”.
Trái ngược hẳn với quyết tâm ly hôn đến cùng của ông Văn, bà Linh lại vẻ nhẹ nhàng cho biết, bà vẫn còn tình cảm, vẫn yêu thương và muốn chăm sóc ông những ngày còn lại của cuộc đời. Bà cho rằng gia đình bà không có mâu thuẫn gì lớn, không muốn ly hôn dù vợ chồng đã sống ly thân rất lâu.
Bà lên tiếng bác bỏ chuyện ông tố bà bà ngoại tình. Bà còn cho biết, từ tháng 3/2013, ông bị tai biến phải điều trị, bà vẫn tận tình chăm sóc ông ở viện. Ra viện, ông không về nhà mà đến ở với chị gái nên bà không có cơ hội cơm nước cho ông.
Bà Linh cho rằng: “Tình cảm trong tôi vẫn còn, tôi không đồng ý ly hôn vì cả hai đều đã lớn tuổi, con cái đã trưởng thành, đã có cháu. Bản thân tôi ung thư cổ tử cung, chồng tôi cũng bệnh tiểu đường, lại bị tai biến nữa. Già rồi, hai người bệnh tật nên nương tựa vào nhau”.
Đứng giữa nghe hai bên trình bày, vị chủ tọa phân tích: “Hai người vốn học cùng trường, quen và yêu nhau từ thuở sinh viên nên tình cảm sâu đậm. HĐXX mong ông Văn nghĩ lại, vì “trẻ thì yêu, già thì thương, hết tình còn nghĩa””. Mặc dù nghe vị chủ tọa nói đi nói lại nhiều lần câu nói này, nhưng ông Văn vẫn một mực “có chết tại tòa tôi cũng phải ly hôn”.
Vị chủ tọa lên tiếng: Tôi thấy chuyện gia đình ông bà rất lạ. Hai ông bà đều có bạn bè chung nhưng những người bạn này đều rất mơ hồ trong việc cảm nhận về cuộc sống của hai người. Nói rồi vị chủ tọa giở hồ sơ, đưa lên những tờ chứng nhận về quan hệ vợ chồng được hai ông bà xin xác nhận từ bạn bè.
Điều lạ ở chỗ, nếu là giấy xác nhận từ ông Văn đưa thì đều là những lời khẳng định bà Linh rất quá đáng trong cư xử, mong HĐXX xem xét cho hai người ly hôn. Còn nếu là bà Linh nộp thì lại là những lời khen ngợi bà Linh cư xử rất tốt, được lòng mọi người, gia đình không mâu thuẫn.
Hình minh họa |
2. Nghe chủ tọa phiên tòa nói, hai ông bà ngồi im, không ai lên tiếng thanh minh vì sự kỳ lạ của những tờ chứng nhận. Nhưng phiên tòa bất chợt “nóng” lên khi vị luật sư đưa ra gói kẹo được cho là quà của bà Linh: “Ngay từ đầu bà Linh đã nói bà bị ung thư cổ tử cung, ông Văn mắc bệnh tiểu đường. Vậy tại sao bà vẫn mua bánh kẹo, trái cây đến thăm ông? Có thể hiểu sự việc này như thế nào tôi nghĩ HĐXX sẽ tự biết đánh giá”.
Đáp lại những lý lẽ của luật sư nguyên đơn, vị luật sư bị đơn phản bác: “Bà Linh mang quà cáp đến nhưng không nói chỉ cho ông Văn ăn, bà ấy mang đến cho con cháu ăn cùng nữa”. Khán phòng xì xào “bà biết ông ở một mình, con cháu nào ở đây”.
HĐXX có vẻ bất ngờ trước thông tin này. Đúng lúc này, ông Văn phát biểu tiếp: Sức khỏe của tôi sa sút, vợ tôi không quan tâm. Việc ăn uống, thuốc men của tôi đều do các chị gái của tôi lo lắng.
Nói đến đây ông quay ra nhìn người vợ với ánh mắt “hình viên đạn” rồi tiếp tục: “Ngày tôi còn ở viện, bà ấy dàn trận, gọi điện cho “vị bác sĩ” nào đó trước mặt tôi để hỏi xem tôi có được uống loại thuốc nào đó không, sau đó cho tôi uống.
May mà chị gái tôi kịp thời kiểm tra, mới biết đây là loại thuốc tối kỵ với người bị tai biến. Đây, lọ thuốc chị gái tôi vẫn còn giữ, có mang theo đây. Liệu có phải bà ta muốn tìm cách hại chết tôi không?”.
Luật sư của ông Văn tiếp lời, cho rằng, cuộc sống vợ chồng không thể kéo dài, khác biệt về tính cách, quan điểm. Vì lẽ đó, hai người sống ly thân đã lâu. Bà Linh cũng không có bất kỳ tình cảm gì với ông Văn. Lý do bà muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này vì sợ chia tài sản.
Thực tế, sau khi có quyết định của bản án sơ thẩm (phán quyết không chấp nhận cho hai người ly hôn) thì bà Linh cũng không có bất kỳ động thái, thay đổi nào để thể hiện sự quan tâm đến chồng.
Vị luật sư bên nguyên bất chợt cất tiếng hỏi ông Văn: “Nếu HĐXX phúc thẩm tiếp tục không đồng ý cho ông ly hôn, ông sẽ thay đổi để duy trì cuộc sống gia đình mình chứ”. Ông Văn phản ứng rất mạnh: “Trong tôi chỉ còn lòng hận thù sâu sắc, tôi không thể ở với con người bạc ác này một phút giây nào nữa”.
Dù chứng kiến những lời nói, hành động cương quyết như vậy của ông Văn nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn nhận định, cuộc hôn nhân của ông Văn có xảy ra mâu thuẫn nhưng nguyện vọng của bà Linh mong muốn vợ chồng đoàn tụ là chính đáng.
Gần nhau là cơ hội, điều kiện cho hai người cải thiện tình cảm, hàn gắn quan hệ vợ chồng, cùng chăm sóc sức khỏe cho nhau, nương tựa lúc tuổi già và giữ gia đình cho con cháu. Nguyện vọng này phù hợp với mong muốn hai con của ông bà nên TAND TP Hà Nội tuyên bác đơn kháng cáo ly hôn của ông Văn.
Tuyên xong, vị chủ tọa nhắc nhở: 12 tháng sau bản án này, ông Văn tiếp tục có quyền nộp đơn ra tòa xin ly hôn nếu xét thấy cuộc sống vợ chồng không thể hàn gắn được.
Trước đấy, cuối năm 2012, ông Văn đã nộp đơn xin ly hôn một lần nhưng được TAND quận Hai Bà Trưng hòa giải, phân tích, ông Văn xin rút đơn về nhưng nhận thấy không thể tiếp tục chung sống với người đàn bà vốn là bạn học, là người yêu và người vợ của mình được nữa, ông lại quyết định nộp đơn xin ly hôn lần thứ hai.
Ông Văn nhấc từng bước khó nhọc ra khỏi phòng xử, mắt không quên đưa những ánh nhìn nảy lửa với bà Linh: “12 tháng sau tôi sẽ lại nộp đơn tiếp, nộp đến khi nào tôi được ly hôn thì thôi”.
(Tên nhân vật trong vụ án đã được thay đổi)