Mùa hè cải cách 2014

Lãnh đạo Báo nửa đêm ra tận nhà in kiểm tra công tác in ấn (trong hình từ trái qua là Tổng Thư ký Lê Đại Anh Kiệt, Tổng Biên tập Đào Văn Hội và Giám đốc Công ty phát hành của báo tại phía Bắc).
Lãnh đạo Báo nửa đêm ra tận nhà in kiểm tra công tác in ấn (trong hình từ trái qua là Tổng Thư ký Lê Đại Anh Kiệt, Tổng Biên tập Đào Văn Hội và Giám đốc Công ty phát hành của báo tại phía Bắc).
(PLVN) - Mùa hè 2014, Báo PLVN trải qua một đợt cải cách quyết liệt chưa từng có: Đưa nhật báo 24 trang, bìa in 4 màu ra thị trường. Trong tình hình cạnh tranh khốc liệt trên thị trường báo giấy và dấu hiệu cho thấy smartphone đang lên ngôi, nhiều người đã nhận định đây là bước đi mạo hiểm. Nhưng Tổng Biên tập Đào Văn Hội quyết tâm triển khai: “Đã làm báo giấy gần 30 năm, nay nếu muốn dồn sức sang hướng đi mới báo điện tử, thì phải “yêu cú chót” với báo giấy, cho khỏi ân hận”.

Tòa soạn “dã chiến”

Kế hoạch cải cách nội dung nhật báo được khẩn trương thực hiện, chuẩn bị cho 3 tháng thử nghiệm đưa báo ra sạp. Nhiều anh chị từ nhiều đơn vị khác nhau khắp vùng miền được triệu tập về Hà Nội. Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt từ Cơ quan đại diện tại TP HCM được điều động ra nhận chức danh nghề nghiệp Tổng Thư ký báo ngày.

Vợ của anh Kiệt cũng phải ra cùng để chăm sóc chồng. Nhân sự Ban Thư ký lúc đó còn có Thư ký Tòa soạn (TKTS) Nguyễn Thị Quỳnh Lưu (hiện là Trưởng ban Chuyên đề báo in), TKTS Lương Nga (hiện là Phó ban Pháp luật Điện tử). TKTS Tuyết Lan là tôi từ Văn phòng đại diện Nghệ An cũng được điều động “khăn gói” ra Hà Nội.

Dồn lực cho chiến dịch cải cách, Ban Biên tập đã tính toán “trang bị tận răng” cho nhóm cán bộ, phóng viên từ xa đến: Từ trang thiết bị làm việc tại cơ quan, nơi ăn chốn ở cho người ở xa, đến những bữa cơm nóng sốt ngay tại Tòa soạn. 

Đầu tháng 4/2014, sau một thời gian kỹ lưỡng nghiên cứu thị trường, định vị bạn đọc, chuẩn bị nội dung, nhật báo PLVN in bìa 4 màu ra sạp. Đêm trước số báo đầu tiên ra thị trường, Ban Biên tập và các anh chị em ở tất cả các bộ phận liên quan như chế bản, phát hành... đều có mặt tại nhà in. 

Đã nhiều lần trực in lúc đêm khuya hay khi tờ mờ sáng, nhưng lần đầu tiên tôi thấy không khí nhà in đông người mà tĩnh lặng như hôm ấy. Chỉ có tiếng máy chạy ràn rạt trong sự chờ đợi hồi hộp.

Khi những trang báo còn nóng ấm và nồng mùi mực in, mọi người đều nâng niu chăm chú đánh giá từng chi tiết nhỏ nhất như màu mực, nét chữ... Đối với nhiều người, đó là một đêm không ngủ, chỉ mong trời sáng để chờ đợi phản ứng của thị trường.

Thị trường có ngay câu trả lời bằng những con số. Lượng phát hành khá ổn. Nhiều phản hồi tốt về nội dung và hình thức tờ báo. Quyết tâm của cả tập thể càng hừng hực. 

Anh chị em thư ký chúng tôi gần như cả ngày ở cơ quan. Những cuộc họp liên tiếp. Những cuộc tranh luận không ngừng. Cón nhớ có những khi hàng chục người nâng niu gọt giũa mới ra cái tít loạt bài “5 nông dân lấy cái chết lay động một phiên tòa”. Đích thân Tổng Biên tập cùng các Phó Tổng Biên tập tham gia chỉ đạo nội dung. 1-2h đêm, đèn cơ quan vẫn sáng. Lãnh đạo Báo cũng thức đêm duyệt bài cùng.

Tất cả các phòng ban trong Tòa soạn đều cuốn theo không khí chiến đấu hừng hực. Còn nhớ chị Lương Vân Anh, lúc đó là Phó ban Bạn đọc, hiện là Phó ban Thời sự, cảm thán: “Ngày nào cũng làm việc rầm rập như ở công trường. Có lúc chạy bài không kịp thở. Chờ đến báo ra lại thấy vui”.

Đổi lại những nỗ lực hết mình của tất cả mọi người là những bài báo được chọn lọc đặc sắc, được bạn đọc ghi nhận. Đồng thời, điện thoại của lãnh đạo Báo cũng không ngừng đổ chuông về những tuyến bài “động chạm”. Nhưng Ban Biên tập khẳng định sẽ bảo vệ những tuyến bài điều tra gai góc, “anh em chỉ cần lo về nội dung”.

Ban Biên tập rút kinh nghiệm với Ban Thư ký ngay tại nhà in.
 Ban Biên tập rút kinh nghiệm với Ban Thư ký ngay tại nhà in.

Nhắc đến không khí “thời cải cách PLVN”, có ai đó đã nói vui về một “tòa soạn dã chiến”. Có những thời điểm gấp rút, bữa cơm phải phân công nhau ăn. Thậm chí có người còn “làm một hơi”, xong báo mới yên tâm lên nhà ăn “thưởng thức” cơm nguội. Có vất vả nhưng ai cũng làm việc hăng say, nhiệt huyết dâng trào.

Bóng mát chở che

Hà Nội hè năm ấy cũng nóng nực vô cùng. Ngoài những giờ làm đến khuya tại cơ quan, chúng tôi còn có thêm thói quen dậy sớm lang thang các sạp báo, cafe hè phố, chờ đợi hỏi những xe báo rong, người bán báo dạo. Mua ở đâu cũng hỏi dò tờ này đọc “được” không, bán chạy không,... Có ông chủ sạp báo còn quen mặt, vừa thấy tôi đến đã đưa báo kèm những thông tin có sẵn chờ “cung cấp” như: Hôm qua bán mấy tờ, trả mấy tờ, bài nào hay, tin nào chậm...

Báo ra sạp cũng thăng trầm theo thị trường. Đều đặn mỗi ngày chúng tôi đều chờ đợi tin báo từ các đầu mối phát hành. Mỗi nơi tăng vài nghìn tờ cũng vui, giảm vài trăm tờ cũng buồn. Tăng hay giảm đều tự hỏi vì sao tăng, vì sao giảm?

Hy sinh âm thầm phía sau trang báo đẹp:

Những ngày lăn lộn cùng cuộc cải cách 2014, tôi càng khâm phục những anh chị ở bộ phận chế bản. Bao nhiêu năm họ vẫn không có bữa ăn tối bên gia đình để cặm cụi với công việc đọc morat, thiết kế, dàn trang...

Trong thời báo cải cách, bước chân họ về đến nhà càng muộn hơn, nhưng không một ai than phiền. Họ chỉ tận tụy với công việc của mình, soi từng lỗi chính tả, ngắm nghía từng khung ảnh.

Một trang báo đẹp, không bị bạn đọc gọi điện “bắt lỗi” là niềm vui của những người chế bản.

Trong những thời điểm căng thẳng vì áp lực và khối lượng công việc, Phòng Ban Thư ký có khi mù khói thuốc lá. Tôi còn nhớ Tổng Thư ký Anh Kiệt nghiền thuốc ba số, đã mua là mua một lúc vài cây. Vậy mà có lần vẫn hết giữa đêm, anh phải “xài” một lúc hai điếu loại khác mới “đủ đô”. Chị em ngồi cùng phòng nhiều lúc bị hun trong khói thuốc, bước ra khỏi phòng đầu bốc khói theo đúng nghĩa đen.  

Nhưng những nỗ lực không mệt mỏi từ các bộ phận nội dung đến phát hành đều không chống đỡ được xu hướng smartphone lên ngôi. Dù yêu những tờ báo giấy đến thế nào, dù nội dung những bài báo in trên giấy có độc đáo sâu sắc đến đâu, những chiếc loa gắn trên xe bán báo rong rao “khản cổ” cũng thưa dần người mua. Hàng loạt sạp báo giải tán. Phần lớn người bán báo rong chuyển nghề. 

Sau một thời gian thử nghiệm, Ban Biên tập quyết định tạm ngưng thử nghiệm cải cách phương thức phát hành báo giấy. Khi trong chúng tôi có người rơm rớm, Tổng Biên tập Đào Văn Hội vẫn nở một nụ cười như thường thấy: “Không sao, chúng ta có “nhân hòa”, nhưng chưa phải “thiên thời, địa lợi”. Còn nhiều “sân chơi” khác. Báo giấy mãi mãi vẫn là tờ báo “mẹ”, ấn hành hàng ngày, nhưng vẫn phải làm đúng tôn chỉ mục ích, làm hay, đừng để bạn đọc than phiền là “bị ấn vào tay và hành hạ””.

Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt nay đã về hưu. Nhớ lại những ngày ngồi ghế “nóng” Tổng Thư ký, anh tâm sự: “Nhiều năm làm báo ở nhiều tờ báo, nhưng chưa bao giờ anh trải qua không khí làm việc mới mẻ như vậy. Một tập thể mới gặp nhưng gắn kết. Có áp lực, có khẩn trương, có khúc mắc, có những lúc vừa làm vừa tìm hiểu... nhưng trên tất cả là tinh thần vượt khó, quên mình vì tờ báo”. 

Nhà báo Anh Kiệt kể, vẫn có lúc nhớ Hà Nội những ngày tháng ấy, đêm nằm mơ có khi lại thấy cảm giác êm đềm khi cây đa cổ thụ trước cửa Tòa soạn vươn cành xạc xào vào khung cửa sổ tầng 5 Ban Thư ký… Tôi đồng ý, nhưng cũng liên tưởng thêm một điều khác: Những người lãnh đạo ở báo PLVN như Tổng Biên tập Đào Văn Hội, nguyên Phó Tổng Biên tập Đặng Ngọc Luyến, Tổng Thư ký Lê Đại Anh Kiệt… một đời tâm huyết với nghề, luôn nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc, tận tâm chăm sóc nhân viên; cũng chính là những “cây đa” tỏa bóng mát che chở những lớp hậu sinh chúng tôi.  

Dấu ấn PLVN thời cải cách trong lòng bạn đọc

Sau này, Giám đốc Công ty phát hành tại khu vực phái Bắc từng tâm sự chính ông cũng mất ăn, mất ngủ vì lo lắng cùng với PLVN. Giữa lúc thị trường báo giấy khó khăn, nhiều tờ “giữ mình” giảm lượng phát hành chống lỗ, PLVN vẫn “ra trận” và kịp ghi dấu với nhiều bạn đọc.

Đằng sau đời sống của một tờ báo và hàng trăm cán bộ, phóng viên là nỗi lo toan chèo lái của Ban Biên tập. Đằng sau mỗi quyết định đổi mới là sự kiên cường mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Từ lần cải cách này, chúng tôi có thể cảm nhận sâu sắc trong chặng đường đã qua của Báo PLVN, có thành công, có vinh quang, nhưng cũng có những quyết định hợp thời, “biết mình biết ta”. Và thực tế, Báo PLVN vẫn không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo, xây dựng thương hiệu bằng nhiều kênh thông tin, nhiều ấn phẩm đa dạng.  

Đến bây giờ, hơn nửa thập kỷ đã trôi qua, tôi vẫn bùi ngùi khi đi qua những nơi từng là sạp báo, nay chủ sạp đã chuyển nghề. Tôi vẫn nhớ những cuộc gọi của bạn đọc hỏi tìm mua báo không được. Thậm chí khi báo đã dừng bán ra thị trường cả năm vẫn có người đọc báo cũ, gọi hỏi kỳ tiếp theo mua ở đâu?

Đọc thêm

Cần xây dựng một thương hiệu du lịch quốc gia mạnh mẽ

Ông Lê Công Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Quốc tế WonderTour
(PLVN) - "Những người làm du lịch, từ hướng dẫn viên đến chủ doanh nghiệp, đang gánh vác sứ mệnh gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu một Việt Nam hiện đại, thân thiện và giàu lòng mến khách đến với toàn thế giới", là chia sẻ của ông Lê Công Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Quốc tế WonderTour với Báo PLVN khi bàn đến vấn đề hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam.

Nghị quyết 41 xóa bỏ mọi rào cản để đội ngũ doanh nhân phát triển

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
(PLVN) - Nghị quyết số 41-NQ/TW đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” trong phát triển nền kinh tế độc lập, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với tinh thần luôn dấn thân, dám đương đầu với khó khăn, linh hoạt trong mọi tình huống, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã và đang góp phần định hình vị trí mới cho Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu là nhận định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.

Trung Quốc có chính sách ưu đãi gì với các doanh nghiệp trụ cột?

Trụ sở Tsinghua Unigroup - Ảnh Unigroup.com.vn
(PLVN) - Trung Quốc cũng phát triển các tập đoàn công nghiệp lớn tương tự như chaebol tại Hàn Quốc, nhưng cấu trúc và hoạt động của các tập đoàn này khác với chaebol do các yếu tố lịch sử, kinh tế , chính trị khác nhau. Đáng lưu ý, đất nước tỷ dân đã ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao .

Ấn tượng doanh nghiệp Việt tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Đại tướng Nguyễn Tân Cương và các đại biểu tham quan các sản phẩm của Tập đoàn Viettel.
(PLVN) - Với nhiều loại khí tài quân sự mới do ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam tự phát triển, sản xuất lần đầu tiên được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam (QPQTVN) 2024, các doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam đã khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), đồng thời thể hiện sức mạnh, bản lĩnh và thông điệp về hợp tác hòa bình Việt Nam.

Năm 2024: Nhiều khởi sắc trong công tác thi hành án dân sự

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị triển khai công tác THADS, THAHC năm 2025. (Ảnh: P.Mai)
(PLVN) - Năm 2024 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh khối lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng cao với nhiều vụ án lớn khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS), kết quả đã đạt và vượt 2 chỉ tiêu về việc và tiền.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp: Người dân ngày càng thuận lợi trong thực hiện các quyền dân sinh

Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được vinh danh Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản.
(PLVN) - Thời gian qua, với nỗ lực của toàn ngành Tư pháp trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số không chỉ giúp Bộ, ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao mà còn tạo thuận lợi cho người dân khi được thụ hưởng nhiều tiện ích từ các dịch vụ công trực tuyến.

Bí quyết phá án của Đại uý Phan Hoàng Sử

Đại úy Phan Hoàng Sử, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố Biên Hòa. Đồng Nai
(PLVN) - Suốt nhiều năm qua, đại uý Phan Hoàng Sử đã cùng các đồng nghiệp trong lực lượng Công an Đồng Nai đã tham gia phá hàng loạt vụ án lớn. Đồng thời cũng tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo, phạm tội của các loại tội phạm để người dân cảnh giác.

Chấp hành viên Nguyễn Quốc Tuấn tiếp nhận bản án khó, giải quyết thành công nhờ cách tiếp cận mới

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chấp hành viên sơ cấp Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
(PLVN) - Sau nhiều năm kéo dài và gặp khó khăn trong quá trình thi hành án, vụ việc thi hành dân sự liên quan đến bà L.T.H và bà Đ.T.H tại huyện Sơn Dương đã được giải quyết thành công vào tháng 9/2024, nhờ những nỗ lực kiên trì của ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chấp hành viên sơ cấp Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Viện trưởng Nguyễn Văn Hội: “3 chiến lược phát triển ngành thép, sữa và ô tô đang chờ Chính phủ phê duyệt”

Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
(PLVN) - Xây dựng và đề xuất những chiến lược để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt có thể tham dự vào các dự án lớn của đất nước trong thời gian tới là một trong những mục tiêu lớn của Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Bộ Công Thương. Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp
(PLVN) -Năm 2025, một trong những ưu tiên của Bộ, ngành Tư pháp là tham mưu thể chế hóa đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp diễn ra ngày 7/11/2024.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và cơ duyên với ngành Tư pháp

Ngày 26/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (Thứ 4 từ trái sang) cùng Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ Bộ Tư pháp chúc mừng đồng chí Nguyễn Hải Ninh trở thành tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp
(PLVN) - Chưa bao giờ cán bộ ngành Tư pháp phải đảm nhiệm một khối lượng công việc khổng lồ như bây giờ. Nhưng cũng chưa bao giờ, mỗi cán bộ ngành Tư pháp lại thấy vai trò của mình quan trọng như vậy trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.