Một vụ tranh chấp dân sự, nhưng cả 4 bản án của cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều bị kháng cáo. Phải đến phiên sơ thẩm lần 3, nguyên đơn mới được đón nhận công lý, dù phía trước họ còn phải đối mặt với bản án phúc thẩm do bị đơn kháng cáo…
Năm 1993, bà Trần Thị Lạc (ngụ tại 185, đường 3/2 quận 10. TP HCM) nhận chuyển nhượng của ông Lê Hồng Châu (ngụ tại số 80, đường số 8, quận 9) 1.913,1m2 tại xã Đông Hòa, huyện Dĩ An (Bình Dương), nhưng sau đó ông Phạm Đức Minh chiếm đoạt cùng với tài sản trên đất, nên bà Lạc phải khởi kiện ra tòa.
Bà Trần Thị Lạc đang trình bày sự việc |
Vụ án này đã trải qua hai phiên sơ thẩm của TAND TX Dĩ An và hai phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, nhưng do cấp sơ thẩm xét xử kiểu “sáng nắng, chiều mưa”, cấp phúc thẩm thì “đưa ra nhiều nhận định thiếu căn cứ”, nên nên các bản án đều bị kháng cáo.
Ngày 06/7/2012, TAND TX Dĩ An lần thứ 3 đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa này, chỉ nguyên đơn Trần Thị Lạc có mặt, còn bị đơn Phạm Đức Minh và những người được ông Dức ủy quyền tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi (trong đó có luật sư) đều vắng mặt.
Nhiều ý kiến cho rằng, khác với các phiên tòa trước đó, phiên sơ thẩm lần 3, Hội đồng xét xử đã có cái nhìn toàn diện, đánh giá nội dung vụ việc chính xác và khách quan, đồng thời đưa ra những nhận định thấu lý đạt tình.
Cụ thể, trong phần nhận định bản án nêu: “trên cơ sở Biên bản xác minh của UBND xã Đông Hòa ngày 06/01/1999 (nay là phường Đông Hòa); biên bản đo đạc thực địa; lời trình bày của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Lê Hồng Châu; Lời khai của người làm chứng bà Nguyễn Thị Hồng, việc ký giáp ranh đất của Công ty 621 và ông Nguyễn Văn Liên có cơ sở xác định ông Lê Hồng Châu đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất 1.913,1m2 bao gồm 900m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 654m2 đã đăng ký kê khai và 359,1m2 thực tế sử dụng cho bà Trần Thị Lạc và bà Trần Thị Lạc đã quản lý sử dụng đất và tài sản trên đất ổn định từ năm 1993; Việc sử dụng đất thực tế của bà Trần Thị Lạc phù hợp với sơ đồ hiện trạng của biên bản xác minh do UBND xã Đông Hòa lập ngày 06/01/1999 (được thay thế bằng sơ đồ trích đo thông tin thửa đất ngày 23/3/2012 (của Phòng TN&MT thị xã Dĩ An), nên yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Lạc về việc buộc ông Phạm Đức Minh hoàn trả đất toàn bộ diện tích đất trên là có căn cứ để chấp nhận…” .
Ngược lại, tại phiên sơ thẩm lần 3 nhưng ông Minh, ông Vượng vắng mặt và cũng không xuất trình được chứng cứ khác để chứng minh cho những trình bày của mình là có căn cứ pháp luật…. Việc ông Minh nại rằng đất đang tranh chấp với bà Lạc là đất của ông mua, vì lúc đó, ông không có hộ khẩu tại thành phố, nên nhờ bà Lạc đứng tên “giùm” là không có căn cứ để xem xét.
Tuy nhiên, trong quá trình chiễm giữ đất của bà Lạc, ông Minh đã tự động xây, sửa một số công trình phụ tại đây mà không được phép của cơ quan chức năng, lỗi này do ông Minh gây ra. Nhưng xét về góc độ khác, bà Lạc vẫn tự nguyện “hỗ trợ” thanh toán cho ông Minh khoản tiền 97.013.000 đồng và HĐXX đã ghi nhận sự từ nguyện của bà Lạc…
Từ những phân tích trên, HĐXX đã tuyên buộc ông Minh phải trả lại cho bà Lạc quyền sử dựng toàn bộ diện tích đất 1.913,1m2 và các công trình trên đất… và “tạm giao” diện tích đất 1.013.1m2 cho bà Lạc trực tiếp quản lý, sử dụng. Bà Lạc có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký, kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai (đối với diện tích đất 1.013,1m2…)
Dư luận cho rằng, đây là một phán quyết có hậu, đúng pháp luật. Sau khi nhận bản án, bà Lạc đã có đơn gửi cơ quan thẩm quyền đề nghị được thi hành Bản án số 44/2012/DSST ngày 06/7/2012 của TAND TX Dĩ An. Tuy nhiên, TAND TX Dĩ An lại thông báo ông Minh đã có kháng cáo bản án nêu trên. Như vậy, bà Lạc tiếp tục phải chờ đến khi bản án phúc thẩm có hiệu lực!?.
Vụ đã kéo dài quá lâu và trải qua nhiều phiên xử, thiết nghĩ cấp phúc thẩm cần xem xét một cách toàn diện bản chất của vụ án, đặc biệt là những nội dung được cấp sơ thẩm đưa ra để có phán quyết công bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân và tính nghiêm minh của pháp luật.
Thiện Ngôn