Không còn phải đọc sách dài cả… mét
Chữ nổi có nguồn gốc từ thế kỷ 19, khi nhà phát minh người Pháp Louis Braille tạo ra một hệ thống chữ nổi in và viết với hy vọng giúp đỡ những người khiếm thị. Tuy nhiên, khi để chữ nổi ở dạng in là sách hoặc truyện thì nó lại khá bất tiện và không có tính di động cao, ví dụ như một bản sao chữ nổi của sách kinh thánh có thể chiếm tới 1,5 mét không gian kệ sách. Công ty công nghệ chữ nổi Bristol ở Anh đã mong muốn thay đổi điều này với Canute 360, máy đọc sách điện tử chữ nổi nhiều dòng đầu tiên trên thế giới.
Còn ở Việt Nam, với sáng chế “Máy hỗ trợ người khiếm thị đọc sách” (hay còn gọi là FingerReader) dành cho người khiếm thị của nhóm 5 sinh viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã giành giải nhất “cuộc thi ASU/AWS EduHackathon 2017” do trường Đại học bang Arizona (ASU) Hoa Kỳ tổ chức. Với sản phẩm “độc nhất vô nhị” này, người khiếm thị có thể đọc được mọi loại sách trên thị trường mà không bị giới hạn bởi sách chữ nổi dành riêng cho họ.
Nhiều năm qua, để phục vụ người khiếm thị ở Việt Nam, các thư viện công cộng trên cả nước đã xây dựng, tổ chức nhiều phòng đọc với các loại hình tài liệu như sách chữ nổi Braille, sách nói, sách nói kỹ thuật số, sách minh họa nổi, tài liệu đồ họa nổi, máy tính cùng các phần mềm chuyên dụng...
Các phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin phong phú, đa dạng giúp người khiếm thị tiếp cận việc tìm và đọc sách dễ dàng hơn. Không chỉ đọc sách chữ nổi, tạo ra sách nói, các dịch vụ hướng tới người khiếm thị đã tạo ra nhiều hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ người khiếm thị có cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, tạo ra sản phẩm, giúp người khiếm thị tiếp cận và tham gia cuộc sống hằng ngày.
Đó là thư viện tỉnh Đồng Tháp, ngoài việc hướng dẫn và phục vụ đọc sách chữ nổi, nghe sách nói, thư viện tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề chia sẻ cảm nhận về sách, mời chuyên gia hướng dẫn làm sách nói...
Đó là Thư viện TP Hà Nội nhiều năm nay đã mở rộng dịch vụ phục vụ người khiếm thị với hàng trăm đầu sách nói về văn học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, văn hóa ứng xử. Thư viện khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh mở rộng hoạt động sản xuất tài liệu thay thế phù hợp cho người khiếm thị.
Hàng chục nghìn người khiếm thị thông qua hệ thống thiết bị hỗ trợ được tiếp cận các dịch vụ thông tin dễ dàng, qua đó chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng, tìm kiếm việc làm và hội nhập xã hội.
Trong lễ ký chương trình phối hợp công tác giữa Hội Người mù Việt Nam và Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ trưởng Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ: Chương trình hướng tới một số mục tiêu cụ thể, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc, đẩy mạnh tổ chức các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị.
Việt Nam có khoảng 900.000 người khiếm thị (NKT), chiếm 1,2% dân số cả nước, trong đó có khoảng hơn 600.000 người thị lực hỏng hoàn toàn. Họ là những người bị hạn chế về thị giác - cơ quan được đánh giá là tiếp nhận đến trên 80% thông tin về một đối tượng.
Việc cảm thụ thế giới xung quanh hay việc đọc, tiếp nhận nội dung thông tin của họ nhờ vào một phần thị giác còn lại và phụ thuộc hoàn toàn vào các giác quan khác: xúc giác, vị giác, khứu giác, thính giác.
Trong Pháp lệnh Thư viện năm 2000, tại Khoản 05, Điều 06 quy định “người khiếm thị được tạo điều kiện sử dụng tài liệu thư viện bằng chữ nổi hoặc các vật mang tin đặc biệt”. Ngày 06/4/2016, Quốc hội đã thông qua và ban hành “Luật Tiếp cận thông tin” số 104/2016/QH13, trong đó quy định rõ tại khoản 3, Điều 2: “Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin”.
Tại Điều 3: Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, Khoản 1 và 6 nêu: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”.
Điều quan trọng, làm thế nào để NKT được hưởng quyền tiếp cận thông tin của mình? Các cơ quan thông tin, thư viện cần làm gì để đảm bảo thực thi tốt Pháp lệnh Thư viện, Luật Tiếp cận thông tin là bài toán đặt ra với hệ thống Thư viện hiện nay.
“Nhờ có sách, mới có một Hà Chương hôm nay”…
Hà Chương, chàng nhạc sỹ đầu vào, đầu ra đều Thủ khoa Đại học bằng sự nỗ lực không ngừng từ sách, đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng tới không chỉ các bạn trẻ.
Tốt nghiệp thủ khoa ĐH, có rất nhiều nơi mời Hà Chương về dạy học. Anh không chọn cuộc sống tương đối an bình, quyết định vô Sài Gòn. “Cho đến thời điểm này tôi vẫn đứng được trong showbiz Việt. Tôi đi diễn sự kiện, diễn các chương trình của đài truyền hình, sáng tác, biên tập album cho các ca sĩ trẻ. Tôi khẳng định sự lựa chọn của mình không sai”. Khát vọng lan toả văn hoá đọc của nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương.
Nhạc sĩ Hà Chương bằng mong muốn những lời ca của mình sẽ lan toả tới bạn đọc ý nghĩa của việc đọc sách, khát vọng, ý chí của con người. Cùng với bài hát, nhạc sĩ Hà Chương cũng ra mắt cuốn tự truyện Nhắm mắt nhìn sao kể về cuộc đời của chính mình. Cuốn sách truyền đi thông điệp vô cùng lớn, dù gặp phải điều gì bất trắc, không may mắn vẫn có thể luôn vững lòng tin, khát vọng sống và vươn lên.
Người nhạc sĩ khiếm thị luôn khắc ghi và đi theo tôn chỉ của mình ngay từ đầu: “Tôi không sợ bóng tối, tôi chỉ sợ bóng tối đi xuyên qua tâm hồn tôi”. Bởi từ năm 2 tuổi, sau một tai nạn thường tình trong sân nhà, đến nay (38 tuổi), Hà Chương hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa.
Nhạc sỹ khiếm thị Hà Chương: Sách là một trong 5 người bạn lớn trong cuộc đời. |
Trước đó, ở tuổi 37, Hà Chương đã phát hành 6 album. Bên cạnh việc sáng tác, hòa âm phối khí và biên tập album cho các ca sĩ, Hà Chương còn là một ca sĩ biểu diễn độc lập.
“Hãy thử một lần nhắm mắt lại bạn sẽ cảm nhận được sự bình an thanh thản đang lan tỏa trong trái tim mình. Đôi tay bạn lắng nghe những âm thanh xung quanh và cả từng hơi thở ấm nóng đang tràn trong huyết quản. Trước mắt bạn là một màn đêm bao phủ nhưng lúc này tâm hồn bạn rộng mở thênh thang.
Hãy thử một lần nhắm mắt lại bạn sẽ thấy mình không còn yếu đuối nữa và niềm tin và sức mạnh trong bạn lại trỗi dậy để giúp bạn bản lĩnh hơn trước sóng gió cuộc đời. Hãy thử một lần nhắm mắt lại bạn sẽ cảm nhận và thấu hiểu hơn những người khiếm thị”, nhạc sĩ Hà Chương nói.
Để có một Hà Chương của ngày hôm nay, anh bảo cuốn tự truyện Nhắm mắt nhìn sao của mình đã nói lên tất cả. Hành trình từ mái tranh rơm rạ ở làng quê nhỏ bé, Hà Chương đã cùng âm nhạc của mình bước vào phố thị và đi ra thế giới. Trong hành trình đó, sách là người bạn tri kỷ của anh.
Khiếm thị nhưng Hà Chương là người vô cùng ham mê đọc sách. Mỗi ngày anh dành nhiều thời gian đọc sách dành cho người khiếm thị, sách nói. Những đầu sách anh đọc thường là sách về kỹ năng mềm, sách về hoàn thiện bản thân. Những đầu sách đó giúp cho Hà Chương tự tin hơn, hoàn thiện hơn kỹ năng của mình trong cuộc sống.
Với sự đồng hành của đơn vị xuất bản sách First News - Trí Việt và một đơn vị tài trợ, Hà Chương đã đi gần 300 trường THPT, cao đẳng, đại học trên cả nước để trao truyền những giá trị sống và ước mơ cho các bạn trẻ.
“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc với bước rẽ làm diễn giả, đồng thời vẫn được sống với niềm đam mê trong máu thịt của mình là âm nhạc. Tôi truyền được cảm hứng đọc sách cho các bạn trẻ bằng chính cuộc đời tôi”, nhạc sĩ Hà Chương nói.
Trong những cuộc nói chuyện với các bạn trẻ, nhạc sĩ Hà Chương luôn luôn nói rằng, trong cuộc đời có 5 người thầy lớn nhất mà chúng ta luôn phải học: Thầy cô giáo dạy mình trên bục giảng; Những thần tượng - người thầy thứ 2 mà là hình mẫu chúng ta thích; Những người bạn-người thầy thứ 3 hàng ngày chúng ta tiếp xúc để chọn được điều hay lẽ phải học hỏi; Người thầy thứ 4 chính là chính mình-chính những vấp ngã đớn đau trong đời mình là bài học để mình vươn lên; Người thầy thứ 5 chính là sách vở - một người vĩ đại, một người có thể dành cả đời tích luỹ để viết ra một cuốn sách thì chúng ta đọc sách hàng ngày sẽ thu nạp được kiến thức khổng lồ.
Đối với một người truyền cảm hứng như nhạc sĩ Hà Chương, anh nghĩ mình cần làm điều gì đó, dù không phải lớn lao nhưng để ‘mưa dầm thấm lâu’. Điều này trùng với ý tưởng và khát vọng nâng tầm văn hoá đọc của anh Nguyễn Văn Phước (Giám đốc First News Trí Việt), thế rồi ca khúc cổ động tinh thần nâng cao văn hoá đọc ra đời.
Lời bài hát đề cập đến ý nghĩa của việc đọc sách, khát vọng, ý chí của con người, động viên con người vươn lên khỏi những gian truân, nghịch cảnh, hướng tới lý tưởng sống cao đẹp và khát khao cống hiến cho xã hội.
Nhạc sĩ Hà Chương chia sẻ, ca khúc Khát vọng tâm hồn ban đầu có tên Hạt giống tâm hồn, sau đó anh đã đổi lại và hoàn chỉnh phần lời trong lúc nghỉ ngơi ở nhà vì dịch Covid-19. Sau này, anh quyết định tặng ca khúc cho Vụ thư viện.
Chia sẻ về lý do lựa chọn bài hát để lan tỏa cho học sinh, sinh viên Việt Nam, Vụ trưởng Vụ thư viện - TS. Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: “Khi nhạc sĩ Hà Chương gửi tặng ca khúc này cho Vụ, tôi nhận ra đây là một hát rất ý nghĩa. Qua bài hát, tác giả đã nói lên ý nghĩa rất lớn của việc đọc sách, khát vọng và lý tưởng sống tốt đẹp của con người.
Tác giả cũng chia sẻ một điều vô cùng quý giá, đó là lý do vì sao chúng ta lại sống-vì đất nước cần và lý tưởng vươn tới sự tự do. Đây là một bài hát có ý nghĩa rất đẹp. Chính những trang sách đã làm con người đẹp lên, đồng thời sách cũng giúp con người thực hiện được khát vọng”...