Theo đó, Dự thảo Nghị quyết đang xây dựng được cho là nhằm mục đích hướng dẫn áp dụng một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại các chương XXV, XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự, các chương XX, XXI của Bộ luật Tố tụng dân sự, các chương XV, XVI của Luật Tố tụng hành chính.
Về Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Dự thảo quy định: phải có các nội dung chính quy định tại Điều 378 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 333 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 262 Luật Tố tụng hành chính. Và nhận định của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm phải chỉ ra những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
Nhận định của người có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm phải chỉ ra tình tiết mới được phát hiện và tác động của tình tiết đó dẫn đến sự thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Trong khi liên quan đến Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Dự thảo quy định: Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm phải có các nội dung chính quy định tại Điều 394 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 348 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 277 Luật Tố tụng hành chính. Nhận định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải đưa ra lập luận, phân tích quan điểm về việc giải quyết vụ án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị;
Đường lối giải quyết lại vụ án trong trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm; lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên nhân, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng
Đáng chú ý, đối với thủ tục Giám đốc thẩm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự (TTHS), Dự thảo Nghị quyết chi tiết hóa 3 nhóm trường hợp. Cụ thể, nhóm thứ nhất, trường hợp kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
Nhớm thứ hai, trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc quyết định về tội danh không đúng, hình phạt không đúng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; hạn chế hoặc tước một số quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bị hại, đương sự; xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí, lệ phí không đúng quy định;
Và nhóm thứ ba, trường hợp có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật là sai lầm trong việc lựa chọn quy phạm pháp luật hình sự và pháp luật có liên quan khác dẫn đến việc ra phán quyết không đúng với sự thật khách quan của vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án, đương sự trong vụ án hình sự.
Cùng với đó, Dự thảo Nghị quyết cũng quy định thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật TTHS như sau: Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi xét thấy kháng nghị không có căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật Tố tụng hình sự, hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết này và bản án, quyết định đó có căn cứ, đúng pháp luật;
Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo quy định tại các điều 390, 391, 392 của Bộ luật Tố tụng hình sự, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này; Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 393 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Ngoài ra, Hội đồng giám đốc thẩm đình chỉ xét xử giám đốc thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tại phiên tòa, người có thẩm quyền kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm; Người chấp hành án chết và có quyết định đình chỉ thi hành án, trừ trường hợp cần minh oan cho họ.