Ngôi già lam cổ tự
Đi qua chùa Trầm 500m là tới chùa Vô Vi. Núi đá Vô Vi nhỏ, tách khỏi dãy Tử Trầm -còn gọi là núi Con Rồng mà chùa Vô Vi được ví như viên ngọc, nằm chênh vênh giữa trời đất. Chùa tuyệt nhiên không một bóng người, mùi hoa đại vương vấn như dẫn người bước vào chốn tiêu dao lạc thú. Không gian tĩnh mịch tựa hư không.
Theo lời kể của bà vãi trông chùa nhiều năm, chùa Vô Vi tương truyền là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 968. Chùa gắn với câu chuyện về một thủ lĩnh trong 12 sứ quận là Trần Văn Tăng (?), sau chiến trận, thấy cảnh núi hữu tình ông chọn nơi đây để xây chùa.
Sau khi xây chùa, vị tướng này ở Vô Vi mai danh ẩn tích, tu học, giảng đạo, giúp đỡ bà con dân làng. Thời Tiền Lê, chùa xây dựng ở chân núi Trạo (980-1004) có tên là Phúc Trù tự. Đến thời nhà Trần, chùa được xây ở lưng núi gọi là Trai Tinh tự. Thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) chùa dời lên gần đỉnh núi như ngày nay, đổi lại tên như thời Đinh là Vô Vi tự.
Hiện ở trên núi còn một bia đá khắc bài thơ của Trần Văn Tăng được viết bằng chữ Nôm như sau:
“Sơn Đông chi bằng Vô Vi phật tự
Thuỳ kỳ huyền sư đạo sĩ
Bên này Thiên Trúc nọ Bồng Lai
Đem cảnh thanh u đặt giữa trời”
Một cái tên ý nghĩa, nói lên triết lý Bát Nhã trong nhà Phật, mà chắc hẳn nếu ai thấu hiểu đều có thể đạt tới sự tỉnh thức và giải thoát. Trong Phật giáo nguyên thủy, thì chỉ có Niết bàn được xếp vào hạng vô vi. Tất cả các pháp còn lại là hữu vi. Trên nóc của ngôi Nghinh Phong, có hình tượng như bát quái, trên bát quái rắc cánh hoa cúc vàng tươi, căng mắt nhìn thì như lạc vào hư thực. Thế mới nói cảnh ấy vừa hư vừa thực, hữu vi mà lại rất vô vi.
Bà vãi kể tôi nghe về ngôi gia lam cổ, dù là di tích nhưng từ bao đời nay nó vẫn khiêm nhường nhỏ bé trên núi Vô Vi nhìn về phía cánh đồng sản xuất của dân Chương Mỹ. Cả chùa nhỏ rộng chừng vài mét vuông, đặt đủ chiếc nhỏ chiếc Tam Bảo.
Cột kèo, tượng Phật cũng phai màu thời gian. Công việc chính của bà là đến mở cửa, quét dọn, thi thoảng tiếp vài vị khách, chùa cũng thưa thớt người. Giữa tiếng khấn lâm râm, tiếng chuông, tiếng gió hút vào mái chuông lầu Nghinh Phong, quả thực như vừa bước vào cõi vô vi.
Hoa đại mùa này cũng nở, khắp đoạn bậc thang đá đều vương mùi hoa đại. Hương trầm, khói tỏa, như mênh mang của chốn Thiền Lâm tại mái chùa Vô Vi vắng người này:
“Mượn nền đá phẳng đề dăm vận
Sẵn quả chuông kêu đấm mấy hồi
Cảnh vị mến người, người lại lại
Đã vô vi khéo cũng lôi thôi...”
Và vị đạo sĩ chữa bệnh cho Vua
Tương truyền, khu vực chùa Vô Vi này vào thời Trần còn là nhà ở của Trần Canh - vị đạo sĩ kiêm thầy thuốc có công chữa bệnh cho vua Trần và dân nơi đây. Đại Việt Sử ký toàn thư chép về kết cục của Trâu Canh vắn tắt như sau: “Dòng dõi của Canh đến triều nay còn có người là Trâu Bảo, được của do Trâu Canh cất giữ trở nên giàu có, nhưng cũng vì thế mà trở nên lụn bại”.
Khi điền dã tại vùng đất này, tôi đã hỏi một số người dân, họ đều biết về câu chuyện vị đạo sĩ chữa bệnh cho Vua. Hiện nay, ở đền - chùa Trầm vẫn thờ ông vì xưa từng cứu giúp dân làng. Một cô hàng nước nhanh nhảu chỉ tay lên phía núi Trầm: “Ở trên có tảng đá hình con cóc, nghe đâu ngày xưa ông làm nhà ở ý. Bọn tôi hay gọi là con cóc ngồi mâm xôi. Ông là thầy thuốc nổi tiếng lắm, từng chữa khỏi bệnh cho Vua Trần”.
Theo truyền thuyết dân gian ở Chương Mỹ chép lại: “Khoảng năm Thiệu Phong, người Nguyên vào cướp, Tôn làm thầy thuốc đi theo quân Nguyên, đến khi quân Nguyên thua, thì bị bắt. Tôn ở nước ta, chữa thuốc cho các vương hầu thời đó, phần nhiều thấy công hiệu.
Canh nối nghiệp cha, khi được thầy phong thủy chỉ cho ngôi huyệt tốt ở gần tảng đá có hình con cóc tía (hiện nay vẫn nằm ở trên đỉnh núi Tử Trầm) ông có dặn “Chỗ đất này rất đẹp, nếu Trâu Canh làm nhà ở thì tất sẽ giàu sang. Tuy nhiên, sau này khi đã giàu sang, thành danh và được gần vua chúa rồi, thì phải dời nhà đi chỗ khác ngay. Không nên ở lại nơi đây dù chỉ một ngày, nếu không, sẽ tự chuốc vạ vào mình”.
Trâu Canh làm theo lời thầy phong thủy, dựng một căn nhà tranh ở phía dưới tảng đá hình cóc tía để ở. Sau ba năm, quả nhiên nhờ thành tích chữa bệnh cho Vua Trần Dụ Tông mà ông thăng quan tiến chức rất nhanh.
Trong dân gian còn tương truyền rằng, chỗ nhà ông ở phía trước có mấy mẫu ruộng cao hình giống như chiếc bàn dao cắt thuốc, cho nên chủ nhân ở đó có duyên với nghề bốc thuốc chữa bệnh. Núi Trầm trước kia có nhiều cây thuốc quý, Trâu Canh lại biết y thuật, nên hàng ngày hay lên núi hái thuốc chữa bệnh cứu người. Núi này được các nhà phong thủy chú ý, thế núi ôm nhau tất sinh người tài.
Khi Trâu Canh chữa khỏi bệnh cho vua Trần Dụ Tông, được vua ban cho nhiều đất quanh khu vực núi Tử Trầm. Sau khi thành đạt rồi, Trâu Canh lại quên mất lời dặn của thầy địa lý năm nào, không dời nhà đi chỗ khác. Sau đó xảy ra việc con “thần y” thông dâm với cung nữ. Chính sử chép, chính “thần y” cũng thông dâm với cung nữ.
Việc bị lộ nhưng Thượng hoàng Trần Minh Tông nghĩ “thần y” có công nên tha chết, đuổi về quê, gia tư, điền sản bị tịch thu hết. “Thần y” lại bị đói rét như trước. Xét việc này thì lời của thầy phong thủy quả là ứng nghiệm.
Theo phong thủy, người xưa cho rằng chuyện Trâu Canh “nghèo lại hoàn nghèo”, là do nhà ở cạnh núi, mỗi khi mặt trăng tà chiếu, bóng núi đổ xuống trông như con cóc ở trên nóc nhà, còn người thì như đang ngồi tại cung trăng nên được gần vua chúa, ra vào nơi cung cấm. Tuy nhiên sau khi đã được gần vua chúa, Trâu Canh lại không chịu dời nhà đi chỗ khác.
Nhà ông ở cạnh núi, địa thế bức bách, phía trước lại hướng về kiếp sơn (một hướng xấu theo quan niệm của phong thủy), đi lại vô định, cho nên giàu sang không được lâu. Phần nhiều đúng với câu chuyện giữa Trâu Canh và ông thầy phong thủy trước đó.
Theo dân gian kể lại, cuối đời Trâu Canh phải chịu cảnh bần hàn, nghèo túng và khổ cực khác xa với cảnh xa hoa nơi vương phủ. Các cụ thì vẫn cứ truyền tụng: âu cũng là cái số trời đã định, kẻ hèn, người sang có thời có lúc, đời lúc lên voi khi xuống chó là lẽ thường tình.
Còn một số cho rằng, đó là “nhân quả” cho những chuyện mà Trâu Canh gây ra trước đó mà bây giờ trả nghiệp. Rồi không ai còn biết Trâu Canh đã đi đâu, chết như thế nào, ngôi nhà con cóc cũng chỉ còn trong truyền thuyết.
Các sử gia phong kiến thì vạch ra một loạt tội của ông như là: Thầy thuốc mà không có y đức, là thần tử mà dám thông dâm với cung nữ... Ngày nay, các học giả về sử, văn học và văn hóa cũng ít nhắc đến ông, hoặc có phần e dè hơn. Cả cuộc đời vừa công vừa tội, gây tranh cãi suốt hàng trăm năm, để rồi cái tên Trâu Canh cũng vẫn chỉ cuộc đời đầy những câu chuyện như hư ảo.
Đứng giữa đỉnh núi Trầm, lắng nghe những âm vang của huyền tích, thần thoại, bên kia Vô Vi bên nay Trầm Tử. Cuộc đời trăm bể ngàn dâu, há chăng Trâu Canh cũng có chút an ủi trong lòng, cách biệt gần 7 thế kỷ, người dân Chúc Sơn vẫn nhớ đến ông.