Phong cảnh Ninh Sơn |
Ninh Sơn vùng đất văn hóa
Ninh Sơn trù phú nhờ vị thế ven quốc lộ và trực thuộc thị trấn Chúc Sơn của huyện Chương Mỹ. Dân làng trước kia ngoài nghề nông còn làm nghề cá, nay lại có thêm các xưởng mộc và cơ khí... Bên cạnh những ngôi nhà lợp tôn với cột chống sét cao lô nhô và hàng rào sắt nhọn hoắt, vẫn thấp thoáng nhiều mái ngói ta dưới bóng tre, nhãn, mít... sau bức tường xây bằng gạch hoặc đá ong.
Đường làng Ninh Sơn nay đã được lát bê tông, ô-tô chạy qua dễ dàng. Đi thẳng là lên núi. Rẽ sang phải hơn 100m kể từ chỗ ngã ba đầu làng, du khách sẽ thấy một ngôi đình với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm ở phía tây-bắc đầm Vực Ninh. Nếu đi tiếp sẽ đến danh thắng chùa Trầm, cách đó khoảng 2km.
Theo sử sách, ngày 5 và 7 tháng 11 năm 1426 đã diễn ra một loạt trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn nhằm chặn các cánh quân cứu viện của Vương Thông từ thành Đông Quan vượt sông Đáy (tức Ninh Giang) bủa lên vùng núi Tốt Động - Chúc Động. Các tướng của vua Lê Lợi thừa thắng đã chuyển sang tổng tiến công, năm sau hạ thành Đông Quan và đuổi hết lũ giặc Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta.
Ông Nguyễn Văn Dung, Thủ từ cho biết đình Ninh Sơn cùng với đình Chèm (ở Cổ Nhuế, cách đây 20km) đều thờ chung Lý Ông Trọng làm thành hoàng. Theo cổ sử, Ngài là một võ tướng kỳ tài người Việt thời trước công nguyên. Danh tiếng và bức tượng khổng lồ của Ông Trọng sau khi khuất bóng đã vượt qua biên ải đế quốc Tần để tiếp tục thay Ngài trấn giữ vùng thảo nguyên Mông Cổ mênh mông tại phương Bắc xa xôi. Năm 2011, đình Ninh Sơn được công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”.
Đình được làm theo kiểu hình chuôi vồ truyền thống. Tiền đường rộng ba gian hai chái, mặt trước gắn 3 tấm bia. Trên chính điện có bức hoành phi cổ chạm nổi 4 chữ Hán đại tự nay đã bị tróc sơn thếp vàng. Dọc các cột cái treo ba đôi câu đối, tất cả đều bằng gỗ. Hậu cung khoá kín, bên trong cất bộ bát cống vào loại quý hiếm nhất, có từ thế kỷ 17, hàng năm đến dịp hội làng mới được phép lấy ra để rửa bụi và chuẩn bị cho lễ rước kiệu.
Nền đình cao, sân trên được lát gạch to, phía trước mới đặt một đôi rồng đá bên bậc thềm. Sân dưới khá rộng, có thể chơi bóng chuyền và bóng đá mini. Địa thế của đình rất đẹp, cổng nghi môn nhìn ra Vực Ninh qua mặt con đường chạy ven đầm. Bên tay phải, ngoài nghi môn là bến tắm cũ, nay trẻ con thường đến bơi và câu cá. Bên trái cũng mới xây một thuỷ đình hình lục giác với hai chiếc cầu đá như đôi tay dang rộng ôm lấy bờ đầm.
Làng Ninh Sơn còn có một cảnh đẹp khác là chùa Cao, tên chữ Linh Thông Tự, nằm giữa đỉnh núi Phượng Hoàng, cách ngôi đình này khoảng 300m. Trong dịp lễ hội mừng xuân diễn ra hàng năm, dân chúng thường đứng dọc đường từ sân đình lên đỉnh núi để xem các cỗ kiệu quay, kiệu chạy, kiệu bay.
Đình Ninh Sơn – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia |
Dòng chảy âm thầm của lịch sử
Ngoài đình Ninh Sơn, làng Ninh Sơn, thị trấn Chương Mỹ còn có nhiều di tích khác. Đó là Đền Ninh Sơn là nơi tôn thờ Nữ Chúa Rừng Xanh tức Bà Chúa Thượng Ngàn. Tương truyền Ngài là Quý Nương của Đức Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa Công Chúa. Từ nhỏ Ngài đã ham mê cảnh núi rừng, làm bạn với cây cỏ, muông thú. Ngài đã dạy chúng thuận theo Đức Hiếu Sinh của trời đất, đã cảm hóa được chúng, nên chúng luôn luôn quấn quýt bên Ngài. Chính vì công lao đó, Ngài đã được Thượng Đế ban cho sắc phong là Nữ Chúa Rừng Xanh, tức Bà Chúa Thượng Ngàn và giao cho cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao.
Ninh Sơn là một trong 81 cửa rừng. Ngài đã từng cứu nhân độ thế, đã dùng uy linh âm phù các triều đại.Trải qua quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước giữ nước của nhân dân ta đã có không ít các anh hùng hào kiệt, các tướng lĩnh của các triều đại phong kiến xưa từng lập nhiều chiến công vang dội như Thái úy Lý Thường Kiệt đánh quân Tống, và Vua Lê Lợi đánh quân Minh... ngôi Miếu nổi tiếng linh thiêng, ứng nghiệm.
Sau đền Ninh Sơn là chùa Cao, tên chữ Linh Thông tự, là một ngôi chùa đẹp nằm trên đỉnh núi Phượng Hoàng. Chùa chính được làm theo mô hình “nội công ngoại quốc” như kiểu truyền thống nhưng xây bằng vật liệu hiện đại, trang trí đơn sơ. Sau toà Tam bảo xây hai tầng 8 mái với hàng hiên cột vuông bao quanh bốn phía (gồm tiền đường rộng 5 gian, thiêu hương 3 gian và hậu cung 3 gian) là khoảnh sân nhỏ dẫn đến một pho tượng Quán thế âm Bồ tát khác đứng trên hiên nhà Tổ. Hai bên Tam bảo có hai dãy nhà khách chạy dọc. Phía sau nhà Tổ rộng 7 gian 2 dĩ là khu thờ Mẫu và nhà Tăng, có hai cổng ngách dẫn vào.
Chùa Thấp, đang được tôn tạo, nâng cấp |
Đặc biệt, Ninh Sơn còn giữa “trầm tích” văn hóa nhiều di tích liên quan đến Đại Tư đồ, Hoành Quận công Ngô Phúc Phương. Ông là con trai Lãng Phương Hầu Ngô Phúc Chánh, huyền tôn Ngô Phúc Vạn, họ Ngô Trảo Nha, thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là một người văn võ song toàn, 20 tuổi ra quản quân, 30 tuổi đỗ tạo sỹ (tiến sỹ võ), làm tướng đến chức Trung quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc quyền phủ sự Đại tư đồ Hoành Quận công. Ngô Phúc Phương chính là Phò mã của Chúa Trịnh Cương, chồng của Phương Huệ Quận chúa con gái thứ 8 Chúa Trịnh Cương do bà phi Chiêu Nghi sinh ra.
Do Ngô Phúc Phương có nhiều công lao với triều đình, bà Chiêu Nghi, vợ ông lại xin Chúa Trịnh cho cung Ninh Sơn làm của hồi môn. Quận chúa trở thành Chính thất, vợ hai của Đại Tư đồ ra ở chùa (chùa Thấp cũng trên núi Ninh) 47 tuổi thì từ trần. Đó là lịch sử chùa Thấp (Ninh Sơn), tọa lạc dưới chân núi Phượng Hoàng.
Ông Nguyễn Huy Thắng, Trưởng thôn Ninh Sơn bày tỏ: “Mong muốn của nhân dân Ninh Sơn nói riêng và thị trấn Chúc Sơn nói riêng là được quy hoạch, tôn tạo các di tích trên địa bàn trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia”.
Để phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn Ninh Sơn còn nhiều việc để làm. Tuy nhiên, việc trước mắt cần đánh giá lại giá trị các di dích, xếp hạng, quy hoạch, xây dựng đề án tôn tạo, huy động nguồn lực chung. Ninh Sơn chứa trong mình nhiều vẻ đẹp của trầm tích lịch sử - văn hóa, cần được gìn giữ, phát huy.