Ông Ninh Tiến Cường trú tại phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) phản ánh: Năm 2002, vợ chồng ông mua diện tích hơn 8.000m2 đất tại thôn Đồng Câu, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Phía trước mảnh đất có đường đi qua thuộc quyền sử dụng của ông, được người bán xác nhận và thể hiện ở trích lục bản đồ địa chính.
Ngày 16/9/2010, ông được UBND thị xã Phúc Yên cấp Giấy CNQSDĐ số BC231267, thế nhưng trong giấy chứng nhận không hiểu vì lý do gì đường đi của gia đình ông lại biến mất một cách khó hiểu. Bên cạnh đó, để việc đi lại của người dân được thuận tiện, ông buộc phải làm đơn khiếu nại…
Do ở xa, ông không thường xuyên qua lại mảnh đất trên, ngày 15/1/2012 khi liên, ông phát hiện ông Phó Văn Tư là Bí thư Chi bộ thôn Đồng Câu đang chỉ đạo cho máy xúc múc đất để xây dựng nhà trên đất đường giao thông khiến người dân địa phương không thể đi vào lòng hồ để phục vụ công tác tưới tiêu cho thôn Gốc Duối và giữ nước cho hồ Đại Lải.
Do đó, ông Cường đã nhiều lần gửi đơn tố cáo lên UBND xã Ngọc Thanh, nhưng UBND xã Ngọc Thanh dường như “làm ngơ” trước sai phạm trên. Do không có sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương, đến nay ông Tư đã xây dựng được căn nhà 2 tầng, một dãy nhà phụ phía sau và đang hoàn thiện.
Căn nhà ông Bí thư Chi bộ như thách thức pháp luật và dư luận. |
Về việc này, ông Phó Ngọc Long - Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho rằng: "Trong quá trình đo đạc của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thì ghi là đường đi. Trong bản đồ địa chính, sổ mục kê của UBND xã cũng ghi là đường đi... nhưng tôi cho rằng nó là bờ suối.
Ông Phó Văn Tư là Bí thư thôn Đồng Câu, ông ấy xây nhà trên đất là xây không phép và không phải đất của nhà ông ấy. Chúng tôi đã xử lý, lập biên bản rồi. Lập biên bản lần đầu là từ lúc ông ấy xây được 1 tầng, nhưng đến nay lại làm thêm 2 tầng. Việc này tôi đã báo cáo thị xã Phúc Yên cùng với nhiều trường hợp khác nữa...”.
Rõ ràng, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của UBND xã Ngọc Thanh, như ông Chủ tịch nói ở trên thể hiện sự yếu kém của chính quyền cơ sở. Những trường hợp vi phạm như vậy cần phải lập biên bản vi phạm và đình chỉ thi công xây dựng ngay lập tức. Sau đó, buộc khắc phục hậu quả bằng cách phá dỡ công trình vi phạm. Nếu không thực hiện phải cưỡng chế phá dỡ. Đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng thị xã Phúc Yên cần sớm vào cuộc giải quyết triệt để vụ việc trên, có hình thức xử lý nghiêm nếu một bí thư chi bộ sai phạm để làm gương.
P.V.