Gần 5 năm sau ngày bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, dù tài sản đã bị kê biên, đem bán đấu giá để “trả nợ” theo án tuyên nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (ở số 45/7 ô 5 ấp Hải Hà, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn gửi đơn đến các cơ quan chức năng cho rằng bản án quá nhiều khuất tất khiến gia đình bà thiệt hại nặng nề.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương là bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản với Cty Cổ phần thương mại và Đại lý dầu. Sau nhiều lần hủy án, tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ ba, Bản án số 05 TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên vợ chồng bà Hương phải trả số tiền mua xăng dầu còn thiếu cả gốc và lãi tổng cộng là 655 triệu đồng (làm tròn số); vợ chồng bà cũng phải trả cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) số tiền gốc là 2 tỷ 680 triệu đồng.
Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bán đấu giá quyền sử dụng 1476,2m2 đất và các tài sản trên đất (bị Tòa án kê biên trước đó) để đảm bảo thi hành án. Ông Nguyễn Thành Tâm là người trúng trong cuộc đấu giá này với số tiền là 4 tỷ 583 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đó tại Quyết định Giám đốc thẩm số 673 ngày 29/9/2010 Tòa Dân sự, TANDTC một lần nữa hủy bản án sơ thẩm. Nhưng Tòa chỉ hủy phần tranh chấp trong thanh toán tiền mua, bán xăng dầu giữa Cty cổ phần thương mại và Đại lý dầu với vợ chồng bà Hương, còn phần liên quan đến BIDV thì vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, đây mới là phần có nhiều uẩn ức.
Tréo ngoe từ bản hợp đồng bị hủy ngang
Trở lại việc vay vốn của bà Hương với BIDV Chi nhánh Bà Rịa vào năm 2007 cho thấy: Để đảm bảo cho hai khoản vay tổng cộng 2 tỷ 680 triệu của doanh nghiệp Hoàn Hảo (do bà Hương làm chủ), ngày 11/5/2007 vợ chồng bà Hương thế chấp một Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Long Điền cấp ngày 30/6/2004. Hồ sơ thế chấp được Phòng Công chứng số 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứng thực và được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Điền.
Tuy nhiên, khi xảy ra vụ kiện với Cty Cổ phần thương mại và Đại lý dầu, ngân hàng vì sợ “rủi ro” nên đệ đơn đòi nợ ra tòa án khi mà hợp đồng chỉ mới thực hiện được 2 tháng (trong khi thời hạn vay là 1 năm).
Tại Biên bản hòa giải ngày 27/7/2007 tại TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chính đại diện ngân hàng đã khẳng định “bà Hương thế chấp tài sản cho ngân hàng là hợp pháp” nhưng vẫn “đề nghị phải thanh toán tiền lãi và gốc”. Tuy nhiên, bà Hương không đồng ý trả nợ trước hạn theo yêu cầu của ngân hàng nên cuộc hòa giải không thành. Nhưng không biết căn cứ vào đâu mà TAND tỉnh Bà Riạ - Vũng Tàu lại cho rằng đã hòa giải thành nên ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên toàn bộ diện tích đất như đã nói trên.
Trong khi đó, sau khi có Bản án số 05, ngày 20/10/2009, VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản gửi VKSND Tối cao chỉ rõ: “Bà Hương không có vi phạm gì về 2 hợp đồng tín dụng…Tòa án chấp nhận yêu cầu ngân hàng thanh lý hợp đồng nhưng bắt bà Hương chịu phần án phí có giá ngạch …là không có căn cứ, gây thiệt hại cho vợ chồng bà Hương”.
Dù vậy, “sai lầm” vẫn lặp lại khi TAND Tối cao quyết định Giám đốc thẩm về phần tranh chấp với ngân hàng khi cho rằng bà Hương đã đồng ý phát mãi tài sản thế chấp để ưu tiên thanh toán cho ngân hàng và tài sản thế chấp này được xử lý trong giai đoạn thi hành án, nghĩa vụ thanh toán theo quyết định của bản án sơ thẩm đã được thực hiện xong…Theo bà Hương, nhận định này hoàn toàn không đúng vì trong biên bản bà Hương nói rõ nếu bà sai bà mới đồng ý như vậy.
Cần hủy toàn bộ bản án
Nhận định của quyết định giám đốc cũng không đúng ở chỗ, tài sản dù đã được đem ra đấu giá nhưng thực tế bà Hương vẫn đang giữ. Phản kháng với quyết định này, bà Hương đã làm đơn đến nhiều cơ quan chức năng. Trụ sở tiếp công dân của TW Đảng và Nhà nước, Ủy ban Tư pháp đã có công văn đề nghị xem xét vụ việc…Trong khi còn chờ kết quả giải quyết thì mới đây, ngày 18/6/2012, Cục THADS tỉnh tiếp tục yêu cầu bà Hương phải giao tài sản đã bán đấu giá, trong khi ngày 9/9/2011 TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thụ lý vụ án để xét xử lại từ đầu. Theo quy định tại điểm d, Điều 50 Luật Thi hành án Dân sự thì lẽ ra trong trường hợp này thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án vì bản án, quyết định đã bị hủy một phần.
Cũng bởi một văn bản của Cục Thi hành án gửi Sở Công Thương tỉnh, bà Hương đã bị thu hồi Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của Trạm xăng dầu Hoàn Hảo. Sau khi trạm xăng bị đóng cửa, tài sản bị đắp chiếu, hỏng hóc, gia đình bà rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn
Cùng với những chứng cứ mà bà Hương mới phát hiện ra thời gian gần đây liên quan đến Cty cổ phần thương mại và Đại lý dầu, việc TANDTC quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy phần tranh tranh chấp giữa Cty cổ phần thương mại và Đại lý dầu và bà Hương là chưa thỏa đáng. Cần lưu ý, nếu chỉ vì lý do “quyết định của bản án sơ thẩm đã được thực hiện xong…” để chỉ hủy một phần bản án trong khi vụ án còn nhiều điều chưa sáng tỏ sẽ khiến người dân khiếu kiện kéo dài, dư luận bức xúc.
Vì thế, thiết nghĩ TANDTC cần hủy toàn bộ bản án nói trên để xử lại từ giai đoạn sơ thẩm, theo đó đưa cơ quan thi hành án dân sự vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, TANDTC cần xem xét chỉ đạo TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hủy bỏ quyết định khẩn cấp tạm thời về kê biên tài sản trước đây. Trước mắt, để tạo điều kiện cho bà Hương tiếp tục được kinh doanh trên đất của mình, Sở Công Thương cần xem xét, hủy bỏ quyết định thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu đã ban hành.
Trung Hiếu