Phản ánh với Tổng Bí thư, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng về vấn đề tham nhũng, lãng phí tài sản của nhân dân, tài sản công đang xảy ra và là một vấn nạn cần phải phòng chống. Theo cử tri Nguyễn Phúc Nho (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình): “Nhiều địa phương xây dựng hoành tráng cổng chào, trụ sở đã góp phần đắp cao núi nợ công của nước ta. Vì vậy Quốc hội cần giám sát mạnh mẽ hơn”.
Cũng theo ông Nho, chống tham nhũng là việc làm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. "Tổng Bí thư là Tổng Tư lệnh chống tham nhũn. Xin gửi tới đồng chí, Trung ương lòng mong mỏi, tin tưởng của cử tri trong cuộc đấu tranh đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, phải ra tay mạnh hơn trong công tác chống giặc nội xâm", ông Nho nói.
Cử tri Nông Quang Lập (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, Quốc hội giám sát ngân sách chưa chặt chẽ nên bội chi còn cao. Đây là kẽ hở cho lãng phí, tham nhũng, trong khi hậu giám sát chưa được thực hiện nghiêm, luật thì nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Ông Lập đề nghị trong Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII tới đây cần quán triệt tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng. Từ đó, Quốc hội nêu cao tinh thần phê bình, tự phê bình và đánh giá đúng nhiệm kỳ để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. “Chúng ta phải chọn đại biểu xứng đáng và lấy chất lượng, lấy tiêu chuẩn là chính, không đặt nặng vấn đề cơ cấu; hạn chế đại biểu kiêm nhiệm, tăng đại biểu chuyên trách”, ông Lập đề nghị.
Nhiều cử tri cũng quan tâm đến những thách thức của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách cụ thể để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, để doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh được thị trường nội địa, không bị thua trên “sân nhà”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn những tình cảm sâu sắc của cử tri đã dành cho Quốc hội, những động viên khích lệ, những đánh giá tốt của cử tri về thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII.
Tiếp thu phản ánh, kiến nghị của cử tri, Tổng Bí thư cho rằng, ý kiến cử tri đề cập rất thẳng thắn, tâm huyết, sâu sắc, sát với thực tiễn cuộc sống, từ những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, đến những vấn đề cụ thể đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống.
Theo Tổng Bí thư: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới sao cho thực chất, phải chọn người đủ tâm, đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước, không để lọt vào các phần tử thế này, thế khác. Dân chỉ mong thế, Đảng cũng mong thế”. Chính vì vậy, Tổng Bí thư mong cử tri sáng suốt lựa chọn các đại biểu Quốc hội một cách thật sự dân chủ, công tâm, khách quan, kỹ lưỡng để có được các đại biểu xứng đáng cho dân.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tại TP Uông Bí và thị xã Đông Triều, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tại Kỳ họp thứ 11 sắp tới, ngoài công tác lập pháp, xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VSKNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về công tác nhân sự do Quốc hội bầu và phê chuẩn để kiện toàn bộ máy hành chính ở TƯ.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết đối với những vấn đề chung của đất nước cũng như của tỉnh Quảng Ninh. Trước những quan tâm của cử tri về những diễn biến phức tạp trên biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định chúng ta kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, qua đó tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với quan điểm, lập trường của Việt Nam.