Tuy nhiên, thời gian qua vì nhiều lý do mà mục tiêu đó vẫn chưa đạt được. Là người đứng đầu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) – cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và hỗ trợ các nữ ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ những quan điểm, định hướng trong vấn đề phụ nữ tham chính nói chung và trong các nhiệm kỳ Quốc hội đã qua cũng như sắp tới đây nói riêng.
Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” khiến cử tri có xu hướng bầu cho nam giới
Bà đánh giá thế nào về mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” trong “Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2011-2020”? Rõ ràng là mục tiêu đó chưa đạt được trong nhiệm kỳ trước, theo bà đâu là những lý do và rào cản chính?
- “Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020” đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%”. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng vì việc tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo nói chung và các cơ quan dân cử nói riêng có nhiều ý nghĩa.
Trước hết, tỷ lệ này giúp thể hiện tiếng nói, phản ánh mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ, làm cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật dân chủ hơn, hiệu quả hơn khi có sự tham gia tích cực của một nửa dân số. Tuy nhiên, chỉ tiêu của nhiệm kỳ trước đã không đạt được vì nhiều lý do.
Nghiên cứu của UNDP năm 2012 sau khi diễn ra kỳ bầu cử Quốc hội khoá XIII cho thấy một số lý do tỷ lệ phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội thấp, đó là vấn đề cơ cấu khi một số vị trí yêu cầu những lĩnh vực vốn đã có ít phụ nữ, ví dụ như phải nắm các vị trí lãnh đạo trong bộ máy chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước, công đoàn, công an, quân đội và các lĩnh vực xã hội khác. Vì vậy, mặc dù đề ra mục tiêu 30-35% ứng cử viên, các địa phương vẫn gặp khó khăn khi tìm đủ số lượng đại biểu nữ đáp ứng các tiêu chí đặt ra.
Bên cạnh đó, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” khiến cử tri có xu hướng bầu cho nam giới bởi họ cho rằng phụ nữ thiếu năng lực lãnh đạo và những đặc điểm mà ở nam giới được coi là tích cực – như tham vọng, lòng dũng cảm và sự quyết tâm – lại bị coi là tiêu cực ở phụ nữ.
Tạo nguồn cũng là một vấn đề. Người ta thường đưa ra lí do “không đủ phụ nữ đạt tiêu chuẩn” để lí giải cho việc thiếu đại biểu Quốc hội nữ. Mặc dù đây là một lập luận không hoàn toàn chính xác, tuy nhiên không thể phủ nhận một sự thật là nguồn để giới thiệu ứng viên – các vụ trưởng, vụ phó, cục trưởng, cục phó, lãnh đạo HĐND tỉnh, các quan chức cao cấp của Đảng – đều có tỉ lệ phụ nữ khá thấp. Thực tế này có liên quan đến quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ vì với trần tuổi nghỉ hưu, phụ nữ bị thua thiệt về cơ hội đào tạo, thăng tiến so với nam giới.
Phấn đấu 150 người là phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội
Để làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc giới thiệu và hỗ trợ các nữ ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Hội LHPN Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao tỉ lệ phụ nữ tham chính và được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như UNDP, Oxfam, Quỹ châu Á… Nhiều nước cũng đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hiệu quả để nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính và Việt Nam trong thời gian qua cũng đã áp dụng một số kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức bồi dưỡng năng lực cho ứng cử viên, tham mưu đề xuất chỉ tiêu phụ nữ tham chính, tuyên truyền, vận động cử tri… Ở Việt Nam, thông qua các hoạt động hỗ trợ đã góp phần đem lại một số kết quả như: Hội LHPN Việt Nam đã có đề xuất với Đảng, Nhà nước và để đưa được quy định “bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ” vào Luật Bầu cử năm 2015, đồng thời trên cơ sở ý kiến đề xuất của Hội, lần đầu tiên Ban Công tác đại biểu có Công văn số 17/BCTĐB-CTĐB ngày 07/01/2016 đề nghị Hội LHPN Việt Nam đề xuất phân bổ cơ cấu người ứng cử là phụ nữ ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm có ít nhất 314 người là phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử, phấn đấu 150 người là phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội.
Một rào cản khác nữa là yêu cầu phụ nữ phải cân bằng cuộc sống gia đình và sự nghiệp chính trị. Có nữ đại biểu Quốc hội cho biết khối lượng công việc tăng gấp ba – việc nhà và chăm sóc gia đình, công việc cơ quan và thăng tiến sự nghiệp chính trị. Trách nhiệm với gia đình cũng làm cản trở việc mở rộng mối quan hệ của ứng cử viên nữ.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, qua tìm hiểu chúng tôi thấy còn có cả nguyên nhân từ phía lãnh đạo cấp ủy chưa chú trọng giới thiệu nữ ứng cử viên chất lượng cao, còn có chỗ, có nơi xếp danh sách ứng cử viên theo khu vực bầu cử chưa hợp lý, gây bất lợi cho phụ nữ.
Cán bộ Hội Phụ nữ các cấp chưa hiểu rõ trách nhiệm của mình và thực hiện tốt việc tham gia vào các nhiệm vụ trong công tác bầu cử. Bản thân một số nữ ứng cử viên còn thiếu quyết tâm chính trị. Một nguyên nhân cần quan tâm nữa là truyền thông chưa phản ánh một cách tích cực hình ảnh của nữ ứng cử viên nên chưa làm thay đổi được định kiến đối với phụ nữ làm lãnh đạo, không động viên cử tri tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của phụ nữ.
Luôn đồng hành cùng các nữ ứng cử viên
Hội LHPN Việt Nam bên cạnh những chức năng, nhiệm vụ của mình còn được biết như một tổ chức quan trọng để giới thiệu và hỗ trợ các nữ ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm vụ này cũng đã được luật định. Bà có thể cho biết đôi nét?
- Hội LHPN Việt Nam có vai trò và được giao nhiệm vụ giới thiệu và hỗ trợ các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Nhiệm vụ này được quy định trong rất nhiều văn bản mà gần đây nhất là Luật Bình đẳng giới tại khoản 3 Điều 30: “Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn bồi dưỡng ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị”.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng quy định như khoản 3 Điều 8 về số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam…
Bên cạnh đó, theo Phân công số 04/PC-HĐBCQG ngày 15/12/2015 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia thì Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội các tỉnh/thành trong việc giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, các cấp Hội đã tiến hành rà soát các nhân sự nữ đáp ứng được các yêu cầu của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, chuẩn bị sẵn nguồn để kịp thời cung cấp cho Hội đồng và Ủy ban Bầu cử các cấp khi cần.
Để chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND sắp tới, Hội LHPN Việt Nam có những giải pháp, chương trình gì để hỗ trợ cụ thể cho các nữ ứng viên, thưa bà?
- Đối với việc hỗ trợ nữ ứng cử viên, Hội cùng với các tổ chức có liên quan phối hợp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho ứng cử viên như: Tập huấn, hướng dẫn nữ ứng cử viên cách xây dựng chương trình hành động, các kỹ năng cần thiết khi tiếp xúc cử tri; tạo điều kiện cho nữ ứng cử viên tiếp xúc với cán bộ, hội viên, phụ nữ để thể hiện mình, làm cho nhiều người hiểu hơn về năng lực, khả năng của ứng cử viê.
Đồng thời cần tuyên truyền, vận động tới phụ nữ và người dân về các quy định liên quan đến tỷ lệ tối thiểu 35% nữ ứng cử viên và mục tiêu 30% đại biểu Quốc hội là nữ; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trực tiếp đi bầu và tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên, đặc biệt các ứng cử viên nữ, để có sự lựa chọn sáng suốt.
Hiện nay, khi chưa có danh sách ứng cử viên thì các cấp Hội đang làm các công tác chuẩn bị cho việc bồi dưỡng cho nữ ứng cử viên. Chúng tôi đã tổ chức 3 lớp tập huấn giảng viên cho cán bộ Hội các cấp để họ có thể bồi dưỡng kỹ năng cho ứng cử viên về xây dựng chương trình hành động và kỹ năng tiếp xúc cử tri. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cấp Hội ngay sau khi có danh sách ứng cử viên sẽ tiến hành các hoạt động bồi dưỡng cho nữ ứng cử viên, đặc biệt là những nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Việc bồi dưỡng được làm dưới nhiều hình thức như tập huấn; tổ chức sinh hoạt hội viên để nữ ứng cử viên đến thực hành tiếp xúc cử tri; đồng hành với nữ ứng cử viên trong các buổi tiếp xúc cử tri để có các hình thức hỗ trợ phù hợp, đặc biệt quan tâm đến những nữ ứng cử viên có con nhỏ, khó khăn trong thu xếp công việc gia đình; hướng dẫn/kèm cặp các đại biểu Quốc hội, HĐND với các nữ ứng cử viên.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đông đảo người dân hiểu được sự cần thiết phải có sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử, chỉ tiêu phấn đấu 30% đại biểu Quốc hội là nữ. Chỉ đạo cấp cơ sở tổ chức cho chị em tìm hiểu về chương trình hành động của các ứng cử viên, đặc biệt là ứng cử viên nữ để có thể lựa chọn được người đủ đức, đủ tài; chủ động tham gia các hội nghị hiệp thương, đóng góp ý kiến cho Hội đồng Bầu cử để bảo đảm ít nhất 35% ứng cử viên là nữ, giới thiệu nhân sự nữ cụ thể cho Hội đồng, bảo đảm việc phân danh sách ứng cử viên tại các đơn vị bầu cử không bị bất lợi cho phụ nữ.
Trân trọng cảm ơn bà!